Phát triển du lịch bền vững rạn san hô ở Hòn Yến, Phú Yên

Tình trạng 'tẩy trắng' rạn san hô ở Hòn Mun, Nha Trang đã là hồi chuông cảnh tỉnh cho những địa phương khai thác du lịch biển. Qua đó những phương án du lịch bền vững lại được làm nóng hơn bao giờ hết. Vì lẽ đó mà rạn san hô ở Hòn Yến (Tuy An, Phú Yên) đang được lên phương án để bảo vệ.

Phát triển du lịch là một xu thế của thời đại và chúng luôn tồn tại những điều tiêu cực tới môi trường tự nhiên. Tình trạng san hô trong Khu bảo tồn vịnh Nha Trang bị “tẩy trắng” là một ví dụ rất cụ thể trong thời gian gần đây.

Không chỉ có rác thải nhựa, nilong mới hủy hoại môi trường tự nhiên. Mà ngay cả những hành động nhỏ hoặc vô ý của con người cũng có thể hủy hoại các sinh vật bé dưới lòng biển.

Du lịch bảo vệ môi trường là xu hướng hiện được nhiều doanh nghiệp lữ hành quan tâm.

Tầm tháng 6-8 vừa qua, các nhiếp ảnh gia, du khách lại đổ về Phú Yên để chiêm ngưỡng, chụp hình san hô Hòn Yến. So với nhiều nơi khác, san hô Hòn Yến chỉ lộ ra lúc thủy triều rút.

Bức ảnh này nhanh chóng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và trở thành chủ đề tranh cãi. Theo đó trong lúc săn ảnh, một người đã chụp được cảnh những nhiếp ảnh gia giẫm lên san hô để tác nghiệp.

Sau khi thông tin giẫm đạp lên san hô được phản ánh, chính quyền huyện Tuy An cũng đã vào cuộc để kiểm tra tình trạng rạn san hô và lập phương án bảo vệ chúng.

Ông Trần Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An, nhấn mạnh không thể để tình trạng tương tự như rạn san hô ở Nha Trang (Khánh Hòa) diễn ra. Sau khi trực tiếp đến danh thắng Hòn Yến kiểm tra, ông Hoàng xác nhận tình trạng rạn san hô ở đây vẫn tốt.

Đại diện huyện Tuy An, việc không thể ngắm san hô mọi lúc cũng là yếu tố giúp tình trạng ở Hòn Yến được bảo vệ tốt.

San hô ở Hòn Yến chưa rơi vào tình trạng nghiêm trọng như ở Nha Trang.

Tuy nhiên, đơn vị cũng đã tăng cường lực lượng công an, biên phòng, dân quân phối hợp với tổ cộng đồng của dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến nhằm tuyên truyền, vận động người dân, du khách nâng cao ý thức bảo vệ san hô ở danh thắng này.

Hiện nay, tại khu vực Hòn Yến, những biển báo hướng dẫn du khách bảo vệ san hô, cấm giẫm đạp cũng đã được dựng lên.

Về những tranh cãi gần đây, ông Hoàng nói các nhiếp ảnh gia, du khách cũng có lỗi. Những bức ảnh chụp lên cho thấy họ đã giẫm đạp lên san hô khi tác nghiệp, tham quan.

"San hô ở Hòn Yến rất đẹp. Nhiều người hiếu kỳ muốn chụp ảnh nhưng lại giẫm đạp trực tiếp lên san hô. Bà con nông dân ở khu vực đã hoạt động nhiều năm rồi. Họ cũng biết lối đi riêng để tránh giẫm đạp", ông nói.

Hiện nay, tại khu vực Hòn Yến, những biển báo hướng dẫn du khách bảo vệ san hô, cấm giẫm đạp cũng đã được dựng lên. Ảnh Thanh Nhân

Tuy nhiên, huyện cũng đang có kế hoạch tuyên truyền, điều chỉnh đối với người dân trong khu vực để bảo vệ rạn san hô tốt hơn. Trong thời gian tới, huyện có thể yêu cầu di dời các lồng bè nuôi thủy, hải sản cách xa Hòn Yến khoảng 200 m để thuận tiện cho công tác bảo tồn rạn san hô.

UBND huyện Tuy An, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cùng Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Phú Yên cũng đã có cuộc họp về vấn đề này. Phương án chính thức sẽ được đưa ra trong ngày 24/6.

Minh Anh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/phat-trien-du-lich-ben-vung-ran-san-ho-o-hon-yen-phu-yen-209371.html