Phát triển du lịch cộng đồng ở Định Hóa tỉnh Thái Nguyên

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đã hình thành một số mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để thu hút du khách và định hình nghề làm du lịch vẫn là bài toán khó với địa phương miền núi này. (CLO) Thời gian qua, trên địa bàn huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đã hình thành một số mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để thu hút du khách và định hình nghề làm du lịch vẫn là bài toán khó với địa phương miền núi này.

Du lịch cộng đồng là một trong những sản phẩm đang được nhiều địa phương và cộng đồng dân cư khai thác, mang tính chất trải nghiệm gắn với văn hóa dân gian. Với Định Hóa, từ năm 2015, tại xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc, mô hình du lịch cộng đồng được "nhen nhóm", với 15 hộ tham gia. Các hộ này được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 5 nhà sàn cùng các công trình vệ sinh để phục vụ gia đình và khách du lịch.

Thời gian sau đó, Bản Quyên đã được đầu tư thêm các công trình cổng chào, đường bê tông vào xóm, cọn nước… nhằm giúp không gian thêm sinh động và để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng tại đây vẫn gặp nhiều khó khăn vì người dân không có nguồn lực để đầu tư. Hoạt động trải nghiệm ít, không thường xuyên được đầu tư làm mới nên lượng khách đến với Bản Quyên còn rất khiêm tốn, nguồn thu từ làm du lịch chưa đủ để người dân bỏ hẳn nghề nông.

Đến nay, từ 15 hộ ban đầu được đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà sàn, chỉ còn lại 5 nhà sàn đáp ứng được nhu cầu lưu trú của khách. Các hoạt động trải nghiệm ở Bản Quyên cũng không phong phú, đa dạng nên khó giữ chân khách tham quan.

 Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải với diện tích khoảng 70ha là nơi quy tụ và gìn giữ của hơn 30 ngôi nhà sàn có tuổi đời ngót nghét trăm năm

Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải với diện tích khoảng 70ha là nơi quy tụ và gìn giữ của hơn 30 ngôi nhà sàn có tuổi đời ngót nghét trăm năm

Nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa địa phương được tổ chức tại các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Du khách nước ngoài trải nghiệm du lịch cộng đồng tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình (Định Hóa, Thái Nguyên)

Ông Mông Chí Mùa, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc, cho biết: Do không có nguồn thu đều đặn, nên bà con vẫn phải làm nông nghiệp, chứ chưa thể sống bằng nghề làm du lịch. Thiếu nguồn lực đầu tư, các hoạt động trải nghiệm vẫn còn nghèo nàn, thiếu không gian tổ chức. Bản Quyên vì vậy cũng thưa dần bóng du khách.

Cùng làm du lịch cộng đồng, xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, đang thu hút lượng khách đến tham quan, trải nghiệm ngày một đông. Trong năm 2022, Khuôn Tát đón khoảng 20.000 lượt khách du lịch, tập trung vào dịp đầu năm mới, các ngày lễ, Tết, ngày nghỉ.

Xóm Khuôn Tát có tổng diện tích 700ha, với 99 hộ dân sinh sống và nhiều cảnh quan đẹp, khí hậu trong lành. Bao quanh xóm là các vùng đồi núi thấp, ruộng lúa phì nhiêu. Đây cũng là địa điểm có di tích, danh lam thắng cảnh thác Khuôn Tát nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa. Người dân nơi đây sinh sống chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Dao, với kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp.

Ngoài ra, mô hình du lịch cộng đồng ở xóm Khuôn Tát còn có lợi thế về vị trí địa lý gần với Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình - nơi mà mọi du khách đều ghé qua khi đến với ATK Định Hóa.

Hiện nay, địa điểm được lựa chọn xây dựng cơ sở vật chất phát triển du lịch cộng đồng ở xóm Khuôn Tát là gia đình Ông Hà Tiến Khải. Trên diện tích hơn 3ha của gia đình, ông Khải có 1 nhà sàn có thể lưu trú 25 khách du lịch, cùng vườn cây ăn quả, vườn hoa, cây dược liệu và ruộng lúa. Tất cả đều được gia đình ông tận dụng để bố trí tổ chức hoạt động trải nghiệm cho khách đến tham quan. Trong các ngày Tết Nguyên đán đầu năm 2023, lúc cao điểm, gia đình ông Khải đón trên 500 lượt khách/ngày. Con số này cũng vượt quá khả năng đáp ứng của gia đình.

Trong năm nay, gia đình ông Khải sẽ tiếp tục mở thêm hoạt động trải nghiệm cho khách du lịch như: xây dựng thêm phòng lẻ cho khách lưu trú; bể bơi; dịch vụ tắm thảo dược, ngâm chân bằng lá thuốc, bấm huyệt. Để làm được vậy, gia đình tôi và nhiều hộ dân khác trong xóm rất mong muốn được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ hơn nữa để cùng liên kết làm du lịch cộng đồng.

Thực tế cho thấy, tiềm năng về du lịch tại Định Hóa nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng là rất lớn. Tuy nhiên, do không được đầu tư bài bản nên nhìn chung, lĩnh vực này mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của khách du lịch. Trước thực tế đó, huyện đã xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa”.

Theo đó, huyện Định Hóa dự kiến sẽ hình thành 3 sản phẩm du lịch, gồm: du lịch cộng đồng gắn với văn hóa dân tộc thiểu số tại xóm Bản Quyên (xã Điềm Mặc); du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, danh thắng, di sản văn hóa, sinh thái, văn hóa trà thực hiện tại các xóm Phú Ninh, Khuôn Tát, Đồng Kệu (xã Phú Đình); du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng tại các địa điểm: Nhà tù Chợ Chu - chùa Hang - hồ Bảo Linh (xã Bảo Linh) - hồ Thâm Bây (xã Quy Kỳ) với các hoạt động tham quan các di tích lịch sử, trải nghiệm, nghỉ dưỡng.

Theo bà Hoàng Thị Ngà, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin và Truyền thông huyện Định Hóa: Nếu được đầu tư đúng mức, du lịch cộng đồng tại Định Hóa sẽ phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của huyện ATK. Tuy nhiên, để làm được điều này, Định Hóa rất cần sự quan tâm của các sở, ngành và của tỉnh trong việc hỗ trợ địa phương lập quy hoạch, dự án xây dựng điểm du lịch cộng đồng, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng phát triển du lịch, du lịch cộng đồng cho người dân.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-trien-du-lich-cong-dong-o-dinh-hoa-tinh-thai-nguyen-post238743.html