Phát triển du lịch, khai thác thủy sản phải gắn với công tác bảo tồn biển

Sáng 19/10, tại TP. Đà Nẵng, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Quốc gia 'Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam nhằm phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh'.

Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho biết phát triển du lịch nhưng chưa quan tâm đúng mức đến bảo tồn biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản

Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho biết phát triển du lịch nhưng chưa quan tâm đúng mức đến bảo tồn biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho biết, trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu thủy sản trên thế giới với tổng sản lượng đạt khoảng 7,74 triệu tấn (khai thác là 3,59 triệu tấn, nuôi trồng là 4,15 triệu tấn); kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản đạt 9 tỷ USD, góp phần vào phát triển đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của người dân các tỉnh ven biển, công tác bảo tồn biển sớm được triển khai đã giúp cho công tác bảo tồn, bảo vệ các hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững ngành kinh tế thủy sản của đất nước.

Với chiều dài bờ biển hơn 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2 với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ phân bố tập trung ở ven bờ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa. Biển Việt Nam nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học cao với 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện. Những đặc trưng này tạo nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, nguồn lợi hải sản và cũng là thế mạnh của Việt Nam trong phát triển ngành kinh tế biển nói chung và kinh tế thủy sản nói riêng.

Nguồn lợi thủy sản, chất lượng các rạn san hô đang giảm (Ảnh: Rạn san hô tại Cù Lao Chàm, nguồn: Internet)

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thủy sản Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như quản lý kiểm soát có hiệu quả các hoạt động thủy sản, tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn còn diễn ra, sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất cấm, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, tình trạng ô nhiễm môi trường biển, phát triển du lịch biển nhưng chưa quan tâm đến công tác bảo tồn biển đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm nhanh nguồn lợi thủy sản tự nhiên và suy thoái các hệ sinh thái biển.

Trước tình hình đó, đã có 16 khu bảo tồn biển đang dần được thiết lập và hoàn thiện, góp phần không nhỏ vào việc duy trì, bảo vệ các hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế, phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững ngành kinh tế thủy sản.

Mặc dù đã hình thành được 16 khu bảo tồn biển, tuy nhiên, theo ông Jacob Brunner – Giám đốc điều hành IUCN khu vực Đông Nam Á trong 16 khu bảo tồn biển thì chỉ có 10 khu bảo tồn có ban quản lý. Theo đánh giá của IUCN, chỉ có 2/10 ban quản lý khu bảo tồn biển của Việt Nam hoạt động có hiệu quả. Đây là một điểm còn tồn tại bởi bởi ban quản lý đóng góp rất lớn trong công tác bảo tồn và phát triển kinh tế, du lịch.

Còn PGS.TS Nguyễn Chu Hồi thì cho rằng mặc dù đã có những cố gắng trong quản lý, nhưng các vi phạm xâm hại đến các giá trị và chức năng của khu bảo tồn biển vẫn ở mức phức tạp. Số vụ vi phạm tăng, có khu ở mức nghiêm trọng và khó phát hiện, xử lý, chủ yếu là các phương thức và ngư cụ khai thác mới mang tính hủy diệt, xâm hại đến nguồn lợi thủy sản, thậm chí ngay cả ở trong vùng lõi khu bảo tồn biển. Đặc biệt, các hoạt động du lịch trong khu bảo tồn biển tăng nhanh trong những năm gần đây kéo theo số dự án xâm phạm vào các phân khu quản lý khu bảo tồn biển tăng.

Bên cạnh đó, ô nhiễm, suy thoái môi trường biển đã ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở nguồn lợi của các khu bảo tồn biển nước ta. Đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni lông ở nước ta hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi ni lông vẫn ở mức rất cao, chiếm tới 8 – 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, lắng đọng và quấn vào các rạn san hô ở các khu bảo tồn biển. Khiến các rạn san hộ của Việt Nam đang biến đổi theo chiều hướng xấu, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững nghề cá biển nước ta.

Để bảo tồn có hiệu quả các khu bảo tồn biển, theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nhìn từ các điển hình Cù Lao Chàm, Hòn Mun, Vườn Quốc gia Núi Chúa cho thấy cần nỗ lực cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và lân cận khu bảo tồn biển để họ tham gia chủ động hơn vào việc quản lý khu bảo tồn biển, ủng hộ ban quản lý trong thực hiện kế hoạch quản lý, góp phần giảm sức ép khai thác tài nguyên, nguồn lợi thủy sản.

Để bảo tồn biển, phát triển nghề cá bền vững thì phải duy trì được nguồn vốn tự nhiên biển, bảo tồn biển, bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển hiệu quả, thực hiện pháp luật tốt, truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức.

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn cho biết diện tích khu bảo tồn Hòn Mun (Nha Trang) trên thực tế đang giảm do việc xây dựng các công trình ven biển để phục vụ phát triển kinh tế (Ảnh Hòn Mun, nguồn: Internet)

Còn PGS.TS Võ Sĩ Tuấn – Nguyên Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam thì cho rằng phải có sự phát hiển hài hòa giữa kinh tế và bảo tồn biển. Phát triển du lịch biển là thế mạnh của nhiều tỉnh thành ven biển, tuy nhiên, việc khai thác thiếu giám sát cũng như thiếu tái tạo, các hoạt động trực tiếp và gián tiếp của du lịch đã và đang từng bước làm suy giảm chất lượng các hệ sinh thái biển.

"Diện tích khu bảo tồn biển trên thực tế là đang giảm do xây dựng các công trình ven biển, đảo phục vụ cho phát triển kinh tế, trong đó có du lịch. Áp lực từ phát triển du lịch và khai thác thủy sản đặt nặng lên công tác bảo tồn biển, bảo tồn đa dang sinh học và tái tạo nguồn lợi du lịch. Trong khi tại các khu bảo tồn biển, du lịch đang được đặt lên hàng đầu chứ không phải là bảo tồn đa dạng sinh học hay tái tạo nguồn lợi”, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn nói và cho rằng cần phải giải quyết vấn đề này theo hướng phát triển du lịch bền vững, kiểm soát tình trạng khai thác nguồn lợi quá mức; tính đến sức tải của các hệ sinh thái du lịch.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-du-lich-khai-thac-thuy-san-phai-gan-voi-cong-tac-bao-ton-bien-126867.html