Phát triển du lịch một cách tổng thể, định vị thương hiệu du lịch quốc gia

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chủ trì dự hội nghị tại điểm cầu Cần Thơ.

Hội nghị tại điểm cầu TP Cần Thơ. Ảnh: KIỀU MAI

Hội nghị tại điểm cầu TP Cần Thơ. Ảnh: KIỀU MAI

Việt Nam chính thức mở cửa đón du khách quốc tế từ tháng 3-2022. Trong năm, du khách quốc tế đến Việt Nam ước khoảng 3,5 triệu lượt, đạt 70% kế hoạch. Dù mở cửa sớm nhưng lượng khách du lịch đến Việt Nam còn hạn chế do các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, khó khăn tập trung chủ yếu ở thủ tục nhập cảnh, thị thực; kết nối vận tải hàng không, đường bộ; quảng bá xúc tiến du lịch; nguồn nhân lực; chính sách an sinh xã hội; các chính sách về thuế, giá điện, đất...

Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất, kiến nghị sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước về tạo sự thông thoáng trong thủ tục thị thực, xác định các thị trường tiềm năng và trọng điểm, xây dựng chiến lược truyền thông quảng bá điểm đến, các chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực, gia hạn chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch, đẩy mạnh chuyển đổi số...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề vì sao du lịch Việt Nam chưa có đột phá, “đi trước về sau” về thu hút khách quốc tế so với các nước trong khu vực, trách nhiệm của các bộ, ngành trong quá trình tháo gỡ các điểm nghẽn. Qua đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, phát triển du lịch theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị với tinh thần đột phá trong tình hình mới. Thủ tướng cho rằng đây là giai đoạn cấu trúc lại ngành du lịch một cách tổng thể và toàn diện, hướng đến định vị thương hiệu du lịch quốc gia. Do đó, phải chú trọng xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, ấm lòng du khách, hài lòng chủ nhà; chú trọng tính chuyên nghiệp, linh hoạt, năng động chuyển đổi số. Phát triển du lịch là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành nên phải huy động sức mạnh của toàn hệ thống và sự phối hợp của người dân để tạo ra những đột phá, đổi mới tư duy, cách tiếp cận linh hoạt, sáng tạo hơn. Hướng đến đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, cung cấp các dịch vụ du khách cần. Phát triển đồng thời du lịch nội địa quốc tế, du lịch xanh, du lịch bền vững, gắn với văn hóa và bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Thủ tướng nhấn mạnh các ngành, các cấp cần tập trung, rà soát các quy định của pháp luật, chính sách để phối hợp liên ngành tháo gỡ các điểm nghẽn; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Năm 2022, Cần Thơ đón trên 58.300 lượt du khách quốc tế, vẫn còn thấp so với các vùng khác. Nguyên nhân chủ yếu do Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ chưa có nhiều chuyến bay quốc tế; Cần Thơ chưa có cảng du lịch tầm cỡ quốc tế nên việc thu hút tàu du lịch hạn chế; hoạt động xúc tiến quảng bá ở các thị trường khách quốc tế còn khó khăn về nguồn lực và kinh phí. Vì vậy, Cần Thơ đề nghị Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ có chính sách thu hút thêm các hãng hàng không khai thác đường bay quốc tế đến Cần Thơ; đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ tăng cường hợp tác với các nước tiểu vùng sông Mekong kết nối tour, tuyến với các điểm đến như Việt Nam - Lào - Campuchia - Thái Lan, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng liên tuyến. Đồng thời đề xuất Chính phủ, bộ, ngành Trung ương ưu tiên nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch vùng.

ÁI LAM

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/phat-trien-du-lich-mot-cach-tong-the-dinh-vi-thuong-hieu-du-lich-quoc-gia-a154612.html