Phát triển du lịch ở Hà Tiên: Cơ hội và thách thức

TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch. Thực tế những năm qua cũng cho thấy, ngành du lịch của thành phố này đã có nhiều bước phát triển vượt bậc. Thế nhưng, kết quả trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Hà Tiên. Làm thế nào để tận dụng tốt lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển du lịch, đưa thương mại-dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Tiên?

Những kết quả đáng khích lệ

Nhắc đến TP Hà Tiên, chúng ta liên tưởng ngay đến quần đảo Hải Tặc, đầm Đông Hồ, núi Đá Dựng, Thạch Động, lăng Mạc Cửu, Hòn Phụ Tử, Hòn Chồng, bãi tắm Mũi Nai… cùng nhiều sản vật, món ăn đặc trưng. Nắm rõ tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nên ngay từ khi thành lập thị xã Hà Tiên (năm 1998, nay là TP Hà Tiên), thị xã đã xác định cần tập trung đầu tư, xây dựng phát triển ngành thương mại-dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Từ chủ trương đó, hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, giao thông, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch luôn được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng tạo bước phát triển mới về du lịch cho Hà Tiên. Cũng từ đó, Hà Tiên đã trở thành một trong 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Kiên Giang, gồm: Phú Quốc, Hà Tiên – Kiên Lương, Rạch Giá và vùng phụ cận (huyện Hòn Đất, huyện Kiên Hải, huyện U Minh Thượng), ngày càng được nhiều du khách ở trong, ngoài tỉnh cũng như nước ngoài biết đến.

Cầu Tô Châu dẫn vào trung tâm TP Hà Tiên lung linh về đêm.

Thống kê của TP Hà Tiên cũng cho thấy, ngành thương mại-dịch vụ du lịch đang đi đúng hướng và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, ngành thương mại-dịch vụ du lịch tăng từ 59,78% (năm 1998) lên 70,47% vào năm 2017; công nghiệp-xây dựng giảm từ 18,09% (năm 1998) xuống 17,72% trong năm 2017; nông-lâm-ngư nghiệp giảm dần từ 22,11% (năm 1998) xuống còn 11,81% trong năm 2017.

Trong năm 2017, TP Hà Tiên đón 2.363.668 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 1,18% so với năm 2016, đạt 109,94% so với kế hoạch. Tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt hơn 1.300 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2016. 9 tháng đầu năm 2018, thành phố đón 2.231.777 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 25,55% so với cùng kỳ năm 2017, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt hơn 1.227 tỷ đồng.

Tính đến nay, TP Hà Tiên có 174 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 27 khách sạn; 41 nhà nghỉ; 106 phòng trọ, nhà trọ với 2.453 phòng và 4 cơ sở kinh doanh lữ hành.

Đâu là lời giải cho du lịch Hà Tiên?

Mặc dù những kết quả trên là đáng khích lệ nhưng theo nhiều chuyên gia, du lịch Hà Tiên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Một nguyên nhân được ông Trần Xuân Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Du lich Viking chỉ ra tại Hội thảo “Quảng bá du lịch trong bối cảnh 4.0”, do UBND TP Hà Tiên tổ chức là: “Thủ tục làm visa nhập cảnh cho khách quốc tế từ Cam-pu-chia qua Hà Tiên còn bất cập, nhất là xe mô-tô và ô tô chở du khách vào Việt Nam. Trong khi đó, khách quốc tế và xe từ Việt Nam sang Cam-pu-chia rất dễ dàng, thuận tiện”.

Vẻ đẹp hoang sơ trên đảo Hải Tặc, TP Hà Tiên.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho rằng: “Nếu đi máy bay từ TP Hồ Chí Minh đến Phú Quốc rồi đi tàu đến Hà Tiên phải mất cả buổi sáng do chờ hai đầu sân bay và bến tàu. Còn nếu đi đường bộ từ TP Rạch Giá đến Hà Tiên chỉ với 90km nhưng du khách phải mất 2,5 giờ ngồi ô tô. Trong khi đó, đi đường bộ từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Tiên lại chậm hơn từ TP Hồ Chí Minh qua Phnôm-Pênh rồi đến Hà Tiên”.

Theo ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, đúng là du lịch Hà Tiên đang gặp phải không ít khó khăn, trong đó có vấn đề về giao thông nhưng trong tương lai gần sẽ được khắc phục. Theo đó, mới đây, Tổng cục du lịch Thái Lan vừa đàm phán với Campuchia để kết nối du lịch đường biển và đường bộ đến Việt Nam. Trong đó tuyến đường bộ ven vịnh Thái Lan đi qua 3 nước từ Thái Lan, Campuchia và đến Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Ngoài ra, đến năm 2020, tỉnh sẽ triển khai dự án đoạn đường Hành lang ven biển phía Nam từ TP Hà Tiên đến TP Rạch Giá, giúp rút ngắn thời gian di chuyển.

Tại buổi hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá, du lịch Hà Tiên mới phát triển nên vẫn còn giữ được nét hoang sơ, trong đó có đầm Đông Hồ và các hòn đảo ven bờ, tạo lợi thế cho phát triển du lịch khám phá, nghỉ dưỡng. Theo ý kiến của ông Trần Văn Long, địa phương cần có quy hoạch chiến lược và từng bước mời gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp đầu tư chuyên sâu vào từng đảo và điểm du lịch trọng điểm. Trong đó, quần đảo Hải Tặc cách bờ Hà Tiên 18km hiện vẫn còn hoang sơ là cơ hội tuyệt vời để quy hoạch quản lý. “Nếu Phú Quốc là đảo ngọc thì các đảo ở Hà Tiên là vàng. Vì thế chính quyền địa phương tránh để cho các nhà đầu cơ “xẻ thịt” đảo, “xí phần” chuyển nhượng đất và dự án để kiếm lời, cản trở các nhà đầu tư chuyên nghiệp”, ông Long chia sẻ.

Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, Hội đồng sáng lập và giám đốc vận hành của Công ty Isobar Việt Nam cho rằng, từ năm 2016 bắt đầu xuất hiện xu hướng mới là du lịch trải nghiệm. Hà Tiên có đủ nội lực, tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này. Đối với du lịch trải nghiệm thì địa phương không cần phải đầu tư xây dựng nhiều mà nên dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có để thiết kế, định hướng lại.

“Xu hướng du lịch trải nghiệm của giới trẻ là muốn gần thiên nhiên, đó chính là những gì Hà Tiên đang có. Vì thế, vấn đề du khách quan tâm nhất là bảo đảm an ninh-trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ cần những thứ đó, Hà Tiên có thể khai thác được thế mạnh của mình, tạo doanh thu để đầu tư ngược trở lại chứ không nhất thiết phải có xây dựng cơ bản quá phức tạp mới thu hút được du khách”, ông Thành cho biết.

Một vấn đề nữa được ông Trần Văn Trường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Thanh niên xung phong ở TP Hồ Chí Minh chỉ ra là: Hiện nay, ở một số hòn đảo của Hà Tiên tuy du lịch chưa phát triển mạnh nhưng môi trường sinh thái đã bị ảnh hưởng, rác tràn ngập. Vì vậy nếu quy hoạch, định hướng phát triển du lịch không cân nhắc, chọn lọc kỹ lưỡng thì chẳng bao lâu nữa du lịch cũng sẽ làm cho môi trường bị suy thoái. Công nghệ 4.0 mang lại nhiều cơ hội nhưng nó là con dao 2 lưỡi, cảnh quan đẹp sẽ được lan truyền rất tốt nhưng môi trường đầy rác, nhếch nhác, bẩn thỉu thì cũng lan truyền khắp thế giới chỉ trong tích tắc.

Các doanh nghiệp du lịch đồng ý với quan điểm Hà Tiên nên chọn thế mạnh phát triển du lịch biển đảo; giữ được sự hoang sơ thuần khiết để kết hợp với nhà đầu tư chuyên nghiệp tạo thành các điểm du lịch nghỉ dưỡng, khám phá và giải trí biển phù hợp nhất. Ngoài ra, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chính quyền và doanh nghiệp ở Hà Tiên cần quan tâm xây dựng chiến lược về quản lý và quảng bá thông tin qua công nghệ số như mạng xã hội và các Blogger du lịch chuyên nghiệp.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/phat-trien-du-lich-o-ha-tien-co-hoi-va-thach-thuc-553856