Phát triển giá trị nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hóa

Nhờ đất đai, khí hậu phù hợp mà gần hai chục năm nay cây chuối mật mốc đã bám rễ và trở thành cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa, mang lại nguồn thu nhập chính và cuộc sống ấm no cho hàng ngàn hộ gia đình nơi đây. Đặc biệt, sau khi đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể, thương hiệu chuối Hướng Hóa càng được khẳng định vững chắc.

Chuối mật mốc Hướng Hóa đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: Mai Lâm

Địa bàn trồng chuối mật móc nhiều ở huyện Hướng Hóa tập trung ở các xã: Tân Long, Thuận, Thanh, Tân Thành, Hướng Lộc, thị trấn Lao Bảo… với diện tích khoảng 3.200 ha, tổng sản lượng chuối quả tươi trên 250.000 tấn. Ngoài thị trường nội địa, sản phẩm chuối Hướng Hóa còn xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Lào, Thái Lan. Vào thời điểm được giá, chuối Hướng Hóa đã có lúc lên đến 11.000 - 12.000 đồng/kg, tuy nhiên cũng có lúc thị trường xuống thấp chỉ đạt 1.000 - 2.000 đồng/kg. Điển hình như thời điểm năm 2017 - 2018, thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc đòi hỏi sản phẩm phải có tem, nhãn mác và ngừng nhập khẩu sản phẩm chuối tươi Hướng Hóa khiến giá chuối rớt thê thảm. Trước tình hình này đã có rất nhiều nông dân trồng chuối huyện Hướng Hóa mong muốn được đăng ký xây dựng thương hiệu, nhãn mác cho sản phẩm quả chuối tươi của địa phương để đảm bảo thị trường tiêu thụ. Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của hội viên, Hội Nông dân huyện đã làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chuối Hướng Hóa.

Đến tháng 8/2018, Hội Nông dân huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể số 299267 cho sản phẩm chuối Hướng Hóa. Các thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể này là Hội Nông dân các xã: Tân Thành, Tân Long, Thuận, Thanh, Hướng Lộc và thị trấn Lao Bảo. Cuối năm 2019, Hội Nông dân huyện đã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn các quy trình quản lý nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hóa cho người trồng chuối ở địa bàn các đơn vị thành viên nhãn hiệu tập thể, đồng thời phối hợp với Phòng khách hàng tổ chức doanh nghiệp của VNPT Quảng Trị, đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả để cung cấp tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chuối quả tươi Hướng Hóa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng COVID-19 nên đến nay việc dán tem truy xuất nguồn gốc của sản phẩm mới bắt đầu khởi động lại. Hiện nay, Hội Nông dân huyện đang phối hợp các đơn vị thành viên và VNPT Quảng Trị triển khai tập huấn, hướng dẫn sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời phổ biến rộng rãi cho nông dân trong vùng được cấp nhãn mác về trách nhiệm bảo vệ thương hiệu bằng việc thực hiện đúng quy chế như đã ban hành và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cam kết sản xuất chuối theo phương pháp canh tác sạch nhằm tăng giá trị sản xuất, đảm bảo phát triển bền vững cho cây chuối trên địa bàn.

Hiện giá chuối tươi ở Hướng Hóa đang ở mức 5.000 - 6.000 đồng/kg, với mức giá này người trồng chuối đang có lãi. Gia đình ông Võ Hoành, thôn Long Thành, xã Tân Long là một trong những điển hình vươn lên làm giàu nhờ trồng chuối. Hiện ông Hoành có 12 ha chuối, mang lại nguồn thu 35 - 40 triệu đồng/tháng. Gắn bó lâu năm và ý thức được kinh tế gia đình đi lên nhờ cây chuối nên khi biết chuối Hướng Hóa được cấp nhãn hiệu tập thể, ông Hoành rất phấn khởi. “Có nhãn hiệu là chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ thì người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng sản phẩn nên thị trường đầu ra sẽ ổn định, giá trị sản phẩm tăng, nông dân chúng tôi có thể yên tâm đầu tư trồng chuối”.

Theo ông Đỗ Mĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Long- địa phương chiếm đến 50% diện tích và số hộ trồng chuối của huyện- người dân xã Tân Long rất vui khi sản phẩm chuối Hướng Hóa được cấp nhãn hiệu tập thể và được bảo hộ trên toàn quốc. Trong xu thế hội nhập kinh tế ngày nay, những đòi hỏi về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao thì đây là cơ hội để chuối Hướng Hóa được chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ý thức được rằng, có thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn. Do vậy, hội sẽ tiếp tục vận động nông dân cùng chung tay bảo vệ, phát triển nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hóa”.

Bàn về việc phát triển nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hóa, ông Hồ Văn Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân Hướng Hóa cho hay, trước mắt, Hội Nông dân huyện tiếp tục bám sát Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hóa đã được xây dựng, ban hành để tiến hành cấp phát quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các thành viên. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức để các thành viên giữ gìn uy tín, chất lượng sản phẩm chuối Hướng Hóa cũng như nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu và việc giữ gìn thương hiệu sản phẩm của địa phương, từ đó tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí để cùng nhau xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể. Thời gian tới hội tiếp tục tìm kiếm các nguồn hỗ trợ về chuyên môn, kinh phí đào tạo nghề để giúp cho việc quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể chuối Hướng Hóa.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=150343