Phát triển giao thông điện: Kinh nghiệm từ Hà Lan

Là một trong những quốc gia đi đầu về phát triển giao thông điện, Hà Lan có nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực này.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Christoph Prommersberger cho biết, tiềm năng hợp tác để phát triển giao thông điện ở Việt Nam là rất lớn.

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của ngành giao thông điện tại Việt Nam?

- Chuyển đổi sang giao thông điện là bước đi tất yếu của Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong xu hướng toàn cầu nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Hà Lan đã đưa ra mục tiêu từ năm 2030 chỉ bán ô tô điện trên thị trường. Đây là bước phát triển tích cực mang lại góc nhìn thú vị cho Việt Nam trong bối cảnh không khí ô nhiễm, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Có thể nói, giao thông điện là một trong những giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề đó.

Thị trường giao thông điện Việt Nam mới ở giai đoạn hình thành nhưng đang phát triển với tốc độ nhanh và năng động, thể hiện qua sự vươn ra toàn cầu của hãng xe VinFast cũng như động thái của nhiều DN, tổ chức khác tại Việt Nam trong xu hướng chuyển dịch sang giao thông bền vững. Hiện tỷ lệ sở hữu xe ô tô ở Việt Nam tương đối thấp nhưng dự kiến sẽ tăng trong những năm tới. Hơn nữa, với các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, Chính phủ Việt Nam được kỳ vọng có nhiều chính sách khuyến khích lĩnh vực này.

Quá trình chuyển đổi sang giao thông điện sẽ gặp những thách thức gì, thưa ông?

- Thách thức chính của Việt Nam hiện nay là thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc điện và nhân lực được đào tạo để hoạt động trong ngành. Thêm nữa, hiện xe điện trên thị trường chưa đa dạng về chủng loại và chưa cạnh tranh về giá cả. Nhưng về lâu dài, nhiều hãng xe sẽ đưa các sản phẩm xe điện của họ tiếp cận thị trường Việt Nam. Khi đó, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn với giá cả hợp lý hơn nhờ vào các chính sách phát triển ngành phù hợp của Chính phủ.

Một điều tôi nhận thấy là nhiều người Việt Nam còn hoài nghi về ô tô điện, cũng giống như người Hà Lan trước kia vậy. Nhưng suy nghĩ của họ thay đổi rất nhanh sau khi nhận ra việc sử dụng ô tô điện cũng rất dễ dàng và thoải mái. Thú vị hơn, ô tô điện cũng có khả năng làm hài lòng các tín đồ tốc độ không khác gì các dòng xe thể thao đẳng cấp.

Trong một hội thảo trực tuyến gần đây về phát triển ngành giao thông điện do Đại sứ quán Hà Lan tổ chức, có đến 59% người tham dự cho rằng điều quan trọng nhất để phát triển giao thông điện ở Việt Nam là cần một mạng lưới trạm sạc điện bao phủ rộng khắp. Điều này cũng tương tự như ở Hà Lan. Do vậy, việc phát triển mạng lưới trạm sạc điện ở các địa điểm đỗ xe công cộng là rất quan trọng. Mối quan tâm lớn thứ hai của các đại biểu tham dự hội thảo, là cần thêm các ưu đãi của Chính phủ dành cho người sử dụng loại xe này.

Người dân đi buýt điện VinBus tại Hà Nội. Ảnh: Yên Du

Người dân đi buýt điện VinBus tại Hà Nội. Ảnh: Yên Du

Theo ông vấn đề hạ tầng trạm sạc trong phát triển xe điện ở Việt Nam có thể được giải quyết như thế nào?

- Vấn đề này giống như câu chuyện con gà – quả trứng vậy. Có nơi thì đợi có đủ số lượng xe điện rồi mới bắt đầu thiết lập cơ sở hạ tầng trạm sạc, trong khi ở nhiều nơi khác thì người dân lại chờ có hệ thống trạm sạc rồi mới sắm xe điện. Hà Lan đã chọn chiến lược đồng loạt triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng trạm sạc điện ngay từ những năm 2009 - 2010 khi doanh số bán ô tô điện chỉ đạt vài trăm chiếc mỗi năm.

Đến đây, câu hỏi đặt ra là ai sẽ bỏ tiền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trạm sạc ở Hà Lan? Chính quyền các tỉnh hợp tác với DN theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó một hoặc nhiều bên đảm nhận lắp đặt và vận hành trạm sạc tại các địa điểm công cộng, chính quyền không cần bỏ tiền đầu tư hoặc chỉ cần góp một khoản nhỏ. Chúng tôi cũng có những ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào hệ thống trạm sạc – giống như khuyến khích các dự án có ích cho môi trường khác. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc xây dựng và vận hành trạm sạc là một công việc kinh doanh có lợi nhuận và một DN hoạt động hiệu quả thì không cần đến nhiều hỗ trợ của Chính phủ.

Những chính sách và mô hình hợp tác trên đã giúp Hà Lan thiết lập được hệ thống trạm sạc dày đặc. Tính đến cuối tháng 3/2022, chúng tôi có 97.571 điểm sạc công cộng và bán công cộng, trong đó có 3.234 điểm sạc nhanh. Trung bình, cứ khoảng 2km là có một trạm sạc, đưa Hà Lan trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về cơ sở hạ tầng sạc điện.

Những ưu đãi hiện tại ở Hà Lan cho người sở hữu xe điện là gì, thưa ông?

- Hà Lan nằm trong tốp 5 nước sử dụng xe điện sớm nhất. Tính đến cuối tháng 3/2022, Hà Lan có hơn 411.000 ô tô điện đang vận hành. Vào năm 2021, gần 30% tổng số ô tô con mới bán ra là ô tô điện. Thống kê ô tô điện ở Hà Lan bao gồm xe chạy bằng pin (BEV), xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro (FCEV) và xe lai cắm sạc (PHEV).

Chính phủ Hà Lan có nhiều chính sách giảm chi phí cho người sở hữu xe điện. Chủ sở hữu BEV được miễn thuế trước bạ một lần và thuế sở hữu hàng năm, còn với PHEV thì được giảm các loại thuế trên. Với xe BEV mới hay đã qua sử dụng, người mua cũng có thể nhận được hỗ trợ bằng tiền mặt từ Chính phủ – tương đương khoảng 10% giá mua sau thuế.

Xin ông chia sẻ những hỗ trợ của Hà Lan cho Việt Nam trong lĩnh vực này?

- Chúng tôi rất sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm, mô hình hiệu quả nhất và cả những bài học được rút ra trong quá trình hoạch định chính sách, chiến lược cho quá trình chuyển đổi sang giao thông điện. Bằng kinh nghiệm của mình, chúng tôi có thể hỗ trợ các cơ quan chính phủ, nhà vận hành trạm sạc, các DN, từ việc xây dựng chính sách, chiến lược và chuẩn bị đấu thầu xây dựng cơ sở hạ tầng trạm sạc, cho đến việc đưa vào sử dụng những thành tựu khoa học đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sạc thông minh.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các tiêu chuẩn và giao thức mở cho trạm sạc. Hà Lan đã phát triển các giao thức mở để kết nối xe điện, trạm sạc và hệ thống điện. Giờ đây, người sử dụng xe điện có thể sạc tại bất kỳ trạm công cộng nào trên khắp cả nước chỉ với một thẻ sạc duy nhất. Hà Lan cũng đang thúc đẩy việc sử dụng chung các trạm sạc ở khắp châu Âu để xóa đi “biên giới” đối với xe điện – điều mà chúng tôi vẫn gọi là “chuyển vùng sạc điện”.

Thực tế, ngày càng nhiều quốc gia áp dụng tiêu chuẩn này, bao gồm cả Hàn Quốc. Sẽ rất hữu ích cho Việt Nam nếu áp dụng tiêu chuẩn này vì nó đã được chứng minh là có thể thúc đẩy việc sử dụng xe điện ở các nước khác.

Phát triển xanh bằng công nghệ tiên tiên nhất, điều này thoạt nghe có vẻ tốn kém nhưng về lâu dài lại thực sự kinh tế. Hà Lan đã đầu tư mạnh vào phát triển các công nghệ mới. Nhiều trụ sạc do các nước sản xuất có sử dụng công nghệ Hà Lan và công nghệ sạc nhanh của Hà Lan vượt trội trên thế giới. Ngoài ra, các công ty Hà Lan trong ngành công nghiệp ô tô đang ngày càng hướng tới phục vụ ngành xe điện. Một ví dụ về hợp tác Hà Lan - Việt Nam là ô tô điện thông minh của VinFast sử dụng hệ thống điều hướng của Hà Lan.

Xin cảm ơn ông!

Đại sứ quán Hà Lan sẵn sàng chia sẻ kiến thức, giới thiệu các đối tác Hà Lan, hỗ trợ sự hợp tác giữa các DN và cơ sở nghiên cứu của hai nước nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang giao thông điện tại Việt Nam.

Phó Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Christoph Prommersberger

Thoan Thu thực hiện

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-giao-thong-dien-kinh-nghiem-tu-ha-lan.html