Phát triển giao thông nông thôn, điểm tựa trong xây dựng nông thôn mới

Nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm hàng đầu, dành nhiều nguồn lực đầu tư. Hiện nay, xây dựng nông thôn mới (NTM) trở thành phong trào rộng khắp, đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó, phát triển giao thông nông thôn (GTNT) đóng vai trò quan trọng. Với mạng lưới trải rộng hàng trăm nghìn ki-lô-mét, hệ thống GTNT đã kết nối vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi với các tuyến quốc lộ, cao tốc... Phát triển GTNT là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng nông thôn.

Đối với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng NTM và cải thiện đời sống của nông dân. Khu vực nông thôn nước ta chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến năm 2019 có 65,5% dân số cả nước sinh sống ở nông thôn với hơn 63 triệu người. Đây là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; cung cấp nông sản cho xuất khẩu, thu ngoại tệ, tạo điều kiện cho phát triển KT-XH. Nông nghiệp phát triển tạo tiền đề cho phát triển toàn bộ nền kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, khu vực nông thôn là địa bàn quan trọng bảo đảm quốc phòng-an ninh, bảo đảm sự ổn định của toàn bộ hệ thống chính trị, đồng thời là nơi góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, một trong những tiêu chí quan trọng là hoàn thiện hệ thống hạ tầng GTNT. Tuy nhiên thực tế, giai đoạn trước năm 2010, hệ thống đường GTNT (bao gồm đường huyện trở xuống) chưa được quan tâm đúng mức. Một số loại đường như: Ngõ xóm, nội đồng... chưa được xem xét, đánh giá, chiều dài cũng như tỷ lệ cứng hóa còn rất thấp. Số liệu thống kê của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho thấy, chiều dài đường GTNT năm 2010 là 270.950km, cứng hóa được hơn 101.800km, chỉ đạt 37,6%. Có 143 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, 331 xã đã có đường ô tô nhưng chưa được kiên cố hóa, chưa đi lại được bốn mùa, còn bị gián đoạn khi có thiên tai, mưa lũ. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hệ thống đường nông thôn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, chưa được phủ kín và chưa có sự kết nối liên hoàn với quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Đường nông thôn nhiều nơi chỉ có một làn xe, tiêu chuẩn kỹ thuật còn thấp, công tác bảo đảm an toàn giao thông còn nhiều bất cập. Nhìn chung, chất lượng đường GTNT ở nhiều địa phương chưa cao, chưa tạo thuận tiện cho đi lại, vận chuyển hàng hóa, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Đề cập đến nhiệm vụ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, nhất là tại các khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết các ách tắc, quá tải. Bảo đảm kết nối thông suốt giữa các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông cửa ngõ, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tại các vùng khó khăn. Ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển GTNT, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020. Trong đó, Bộ GTVT và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phát triển GTNT, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan, kêu gọi các nguồn vốn, triển khai các đề án, chương trình về GTNT. Các địa phương chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới GTNT theo hướng dẫn của Bộ GTVT, tổ chức quản lý, đầu tư xây dựng, bảo trì, bảo vệ hạ tầng GTNT, bảo đảm an toàn giao thông trong phạm vi địa phương.

Trong số các tiêu chí NTM, giao thông là tiêu chí cần vốn đầu tư lớn nhất, đặc biệt là giao thông thôn xóm và giao thông nội đồng. Để đầu tư cho các tuyến đường GTNT, nguồn lực rất lớn của Nhà nước, xã hội, nhân dân đã được huy động. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2019, tổng nguồn vốn huy động cho phát triển hệ thống GTNT đạt hơn 366.200 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư qua các dự án do Bộ GTVT quản lý là hơn 12.700 tỷ đồng, còn lại khoảng 353.500 tỷ đồng do các địa phương huy động. Đáng chú ý, trong phong trào xây dựng NTM, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đã đóng góp gần 117.000 tỷ đồng để xây dựng công trình GTNT (chiếm 36,1% tổng nguồn vốn). Đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiêu biểu, đứng ra vận động hoặc tự bỏ tiền ra ủng hộ để xây dựng đường GTNT. Bên cạnh đó còn có nhiều gia đình hiến đất, góp ngày công, giúp mở rộng, kiên cố hóa đường làng, ngõ xóm.

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, cả nước đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Trong đó, công tác phát triển GTNT đạt kết quả khá toàn diện, kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh so với thời kỳ trước, rất nhiều công trình GTNT được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và được bảo trì thường xuyên. Số xã chưa có đường đến trung tâm xã được giảm mạnh, tăng tỷ lệ cứng hóa các loại đường GTNT. Nhiều công trình đường thủy được nạo vét, duy tu luồng lạch; bến bãi tàu xe dành cho hành khách, tập kết hàng hóa được xây dựng, cải tạo; phương tiện vận tải tăng nhanh và đa dạng hình thức phục vụ. Tính đến tháng 5-2019, hệ thống đường bộ cả nước đạt chiều dài 630.200km, tăng hơn 87% so với năm 2010. Ngoài quốc lộ, đường cao tốc, hệ thống đường địa phương dài hơn 604.000km, chiếm gần 96%, tăng hơn 89% so với năm 2010, đặc biệt tăng mạnh ở đường huyện, xã, thôn, xóm, bản, ấp. Kết cấu hạ tầng ở các vùng nông thôn trên cả nước được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện đã tạo diện mạo mới cho nông thôn, là tiền đề để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư. Theo thống kê, bình quân thu nhập đầu người/năm khu vực nông thôn đã tăng 3,5 lần, từ 9,1 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017.

Cùng với việc đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới các tuyến đường GTNT, một trong những vấn đề cần được quan tâm hiện nay là chú trọng công tác bảo trì, bảo dưỡng. Đặc biệt, ở một số khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu như Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tuyến đường xuất hiện sụt lún, sạt lở, hư hỏng. Nếu gặp thiên tai, mưa lũ, kết cấu hạ tầng GTNT có thể bị tàn phá nặng nề, nguy cơ kéo lùi những kết quả xây dựng NTM đã đạt được. Để bảo đảm chất lượng đường GTNT, theo Bộ GTVT, UBND các cấp cần cân đối ngân sách, bổ sung thêm kinh phí bảo trì, bảo đảm chi phí duy tu, bảo dưỡng với mức ít nhất 3 triệu đồng/km/năm đối với đường xã; 10 triệu đồng/km/năm với đường huyện, 25 triệu đồng/km/năm với đường tỉnh và xem xét trợ giúp kinh phí duy tu, bảo dưỡng đường thôn xóm, trục chính nội đồng. Bên cạnh đó, cần phát huy mô hình tự quản đường GTNT như các tổ, khối, xóm, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội tham gia tự quản. Phát động phong trào toàn dân cùng chung tay quản lý, bảo trì đường GTNT. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng NTM, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng hệ thống GTNT ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo của nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Cả nước còn 13 xã chưa có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, 101 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã nhưng không đi lại được cả bốn mùa, rất nhiều xã chưa cứng hóa được lớp mặt đường nên việc đi lại còn khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ. Do vậy, để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo, công tác xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT tiếp tục đòi hỏi các cấp, các ngành triển khai sâu rộng trong thời gian tới. Đến nay đã có hơn 5.600 trên tổng số gần 9.000 xã của cả nước, tương đương 63,2% số xã đạt tiêu chí về GTNT trong xây dựng NTM. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ này được nâng lên 75% và đến năm 2030 đạt 95%.

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, bảo trì GTNT giai đoạn 2021-2025 lên đến hơn 388.000 tỷ đồng. Để huy động được nguồn lực rất lớn này cần tiếp tục kêu gọi nguồn vốn trong nước, vốn ODA đầu tư cho GTNT. Cần kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách, bao gồm cả chính sách tín dụng cho doanh nghiệp để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển hệ thống GTVT tại vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn về điều kiện tự nhiên. Cân đối các nguồn lực hợp lý, có chính sách thỏa đáng để động viên, khơi dậy phong trào xây dựng đường GTNT tại các địa phương là một trong những bài học kinh nghiệm thành công của giai đoạn vừa qua và hứa hẹn sẽ tiếp tục là động lực chính để mục tiêu phát triển hạ tầng GTNT sớm về đích.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua-dang/phat-trien-giao-thong-nong-thon-diem-tua-trong-xay-dung-nong-thon-moi-598328