Phát triển hạ tầng giao thông nhìn từ thành công hầm Đèo Cả

Cách đây 5 năm, công trình hầm Đèo Cả chính thức hòa mình vào huyết mạch giao thông đất nước khẳng định trí tuệ, bản lĩnh và cho thấy người Việt có có thể làm được những công trình đòi hỏi về công nghệ, kỹ thuật cao.

Theo số liệu thống kê của đơn vị quản lý vận hành hầm Đèo Cả, trong 5 năm hầm Đèo Cả đã phục vụ cho 10,2 triệu lượt xe an toàn, rút ngắn thời gian từ chỗ nếu đi đường đèo mất 45 phút xuống còn 10 phút đi đường hầm, giảm tai nạn giao thông, đã từng là nỗi ám ảnh tại cung đèo này một cách rõ rệt.

Con đường "quốc nội" dưới chân đèo

Ngày 21/8/2017, Đèo Cả chính thức bước ra khỏi phạm vi một doanh nghiệp cấp tỉnh, giới thiệu mình với cả nước bằng đường hầm xuyên núi dài 4,2 km - công trình được chọn làm tiêu biểu của ngành xây dựng. Đây cũng là công trình khởi đầu cho sự vươn dậy mạnh mẽ của Tập đoàn Đèo Cả trong một thời gian rất ngắn - 5 năm. Chỉ trong thời gian đó, bằng khát vọng, tư duy đột phá, sự khác biệt, Đèo Cả đã làm thêm những công trình giao thông quan trọng: hầm Cổ Mã, hầm Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Cửa Lục 1, hầm bao biển tại Quảng Ninh.

Hầm Đèo Cả là công trình do bàn tay, khối óc của những người thợ Việt Nam xây dựng, đánh dấu sự trưởng thành và làm chủ công nghệ đào hầm của doanh nghiệp nội.

Năm 2022, Tập đoàn Đèo Cả sẽ hoàn thành hầm Thung Thi, sang năm 2023, tập đoàn này sẽ hoàn thành hầm Trường Vinh và dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Đó đều là những công trình quan trọng thuộc đại dự án cao tốc Bắc - Nam.

Cán bộ, nhân viên và người lao động tại hầm Đèo Cả đã có 5 năm làm việc hiệu quả khi vận hành một công trình giao thông mang tầm vóc quốc gia, lưu thông thông suốt, không để xảy ra tai nạn.

Hiện nay, đội ngũ vận hành còn thực hiện công việc của mình tại các hầm Cù Mông, Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và đặc biệt là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thiết kế chưa hoàn chỉnh, chỉ mới giai đoạn 1 với lưu lượng trung bình gần 30 nghìn lượt xe ngày đêm, điều đó cho thấy sự nỗ lực rất lớn bên cạnh sự chuyên nghiệp, sự chuẩn bị có tính chủ động.

Ông Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Cách đây 20 năm, chúng tôi xác định Phú Yên muốn phát triển thì phải kết nối vùng, kết nối được Khánh Hòa ở phía Nam, Bình Định ở phía Bắc, kết nối ở Tây Nguyên phía Tây. Khi đấy chúng tôi đã tính đến phương án thực hiện dự án theo ODA Nhật Bản, nhưng không ngờ nội lực của Việt Nam lại làm được hầm Đèo Cả. Hầm Đèo Cả khơi thông đã tạo diện mạo mới cho Phú Yên từ đó tạo ra sự kết nối quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.

Bước đệm cho những thành công

Chính phủ đã đặt ra đến năm 2030 phải có 5.000 km đường cao tốc. Khối lượng công việc khổng lồ cho ngành giao thông, mở ra cơ hội và thách thức cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Trên thực tế, tại dự án cao tốc Bắc - Nam và nhiều dự án đường cao tốc nối kết các địa phương đang phải đối diện với nhiều rào cản, khó khăn, thách thức. Đó là bão giá vật liệt, đâu đó là những vướng mắc về cơ chế chính sách… Từ sự thành công của hầm Đèo Cả, những công trình Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện như là một niềm tin, một bước đệm để tiếp tục hoàn thành các dự án đang và sẽ triển khai trong thời gian tới./.

PV

Nguồn Người Làm Báo: https://nguoilambao.vn/phat-trien-ha-tang-giao-thong-nhin-tu-thanh-cong-ham-deo-ca-n56948.html