Phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn để ổn định đầu ra cho nông sản

Các địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp tại vùng sản xuất nông sản có thế mạnh tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, cùng thực hiện các chương trình có điểm nhấn về kết nối tiêu thụ nông sản, thu hút đông đảo người tiêu dùng đến với chuỗi các cửa hàng bán lẻ hiện đại, góp phần ổn định đầu ra cho nông sản Việt Nam cũng như phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Bà Lê Việt Nga cho biết, Chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm ngành Công Thương năm 2022 gồm các sự kiện và hoạt động truyền thông thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người tiêu dùng

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương - khẳng định như vậy tại Lễ Khai mạc và phát động “Tuần lễ thực phẩm an toàn vùng miền” - một sự kiện nổi bật trong chuỗi hoạt động thuộc Chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022.

Địa chỉ tin cậy về an toàn thực phẩm

Bà Lê Việt Nga cho biết, Chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm ngành Công Thương năm 2022 gồm các sự kiện và hoạt động truyền thông thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người tiêu dùng. Trong đó, Lễ Khai mạc và phát động “Tuần lễ thực phẩm an toàn vùng miền” được tổ chức tại Trung tâm Thương mại Big C Thăng Long, Hà Nội là một điểm nhấn của Chương trình.

Theo thống kê, hiện cả nước có trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đang phát triển nhanh, được phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn và đặc biệt ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại có quy mô rộng khắp trên cả nước như Hệ thống Big C&Go, Hệ thống chuỗi siêu thị Co.op, hoặc hệ thống siêu thị MM Mega Market…

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chương trình Bình ổn thị trường, cả nước cũng có khoảng 20.000 điểm bán bình ổn thị trường. Các địa điểm này là các địa chỉ tin cậy về hàng hóa bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và giá cả ổn định cho người tiêu dùng và cũng là đối tác quan trọng của các nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà sản xuất uy tín, các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa có mong muốn mang các sản phẩm thực phẩm, nông sản, đặc sản vùng miền đến mọi miền Tổ quốc và ra hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, theo chức năng nhiệm vụ được giao, nhằm góp phần thúc đẩy hệ thống phân phối phát triển và đáp ứng ngày càng tốt các điều kiện về an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương cũng đã thường xuyên (i) Tuyên truyền, phổ biến việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, kịp thời có văn bản hướng dẫn, giải đáp thắc mắc trong quá trình triển khai; (ii) Thực hiện tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở bảo đảm an toàn thực phẩm ngành Công Thương; (iii) Tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại hệ thống các siêu thị lớn nhằm kết nối nguồn hàng thực phẩm bảo đảm an toàn vào hệ thống phân phối tại địa phương.

Hoạt động kết nối

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga thông tin thêm, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn như: tổ chức Hội nghị, hội thảo kết nối thực phẩm an toàn, Chương trình Bình ổn thị trường; Triển khai xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt trên sàn thương mại điện tử ở thị trường trong nước nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh sản phẩm và thông tin hàng Việt; Tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong nước.

Khách tham quan gian hàng tại Lễ Khai mạc và phát động “Tuần lễ thực phẩm an toàn vùng miền”

Qua sơ kết đánh giá, các chương trình đã đạt được những kết quả tích cực như mở rộng được thị trường, tăng thêm nguồn cung hàng nông sản - thực phẩm, nhất là thực phẩm an toàn cho chuỗi các cửa hàng bán lẻ hiện đại... Đồng thời, các địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông sản có thế mạnh, có sản lượng lớn, tính mùa vụ cao đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan truyền thông báo chí để cùng thực hiện các chương trình có điểm nhấn về kết nối tiêu thụ nông sản, thu hút đông đảo người tiêu dùng đến với chuỗi các cửa hàng bán lẻ hiện đại ngày càng phát triển tại Việt Nam, góp phần ổn định đầu ra cho nông sản Việt Nam cũng như phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.

Cuối cùng, Phó Vụ trưởng Lê Việt Nga nhấn mạnh, trong thời gian tới, theo chức năng nhiệm vụ được giao và theo kế hoạch đã được xây dựng và phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển hệ thống phân phối một cách ổn định, bền vững, bảo đảm. Để các chương trình, kế hoạch được triển khai hiệu quả, mang lại ngày càng nhiều lợi ích về bảo đảm an toàn thực phẩm cho cộng đồng cũng như là điểm đến tin cậy của cộng đồng các cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, Bộ Công Thương mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ và đồng hành của các bộ, ngành, đơn vị liên quan, của các đơn vị truyền thông và đặc biệt là của các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh thực phẩm như của Tập đoàn Central Retail và Hệ thống siêu thị BigC&Go.

Gia Sàng

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-he-thong-phan-phoi-thuc-pham-an-toan-de-on-dinh-dau-ra-cho-nong-san-101246.htm