Phát triển HTX lâm nghiệp bền vững, cần 'đòn bẩy' từ chính sách

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang ngày một lớn, do đó việc phát triển các HTX, tổ hợp tác lâm nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, làm sao để các mô hình này phát triển được theo chuỗi giá trị, ứng dụng được khoa học công nghệ thì việc trợ lực từ các chính sách là điều rất quan trọng.

Thực tế cho thấy, phát triển rừng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn chỉ còn lại ở vùng sâu, vùng xa, đất dốc, đi lại khó khăn... nên chi phí sản xuất cao so với trồng cây nông nghiệp trên cùng địa bàn. Hơn nữa, trồng rừng chu kỳ dài, rủi ro cao không hấp dẫn nhiều doanh nghiệp. Vì thế, phát triển mô hình KTTT với nòng cốt là các HTX lâm nghiệp là điều cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Thiếu vốn phát triển rừng

Chia sẻ tại hội thảo "HTX và hộ lâm nghiệp quy mô nhỏ tham gia phát triển lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nghèo bền vững vùng nông thôn Việt Nam: Chính sách- giải pháp- Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam", bà Lý Thị Ba, Giám đốc HTX lâm sản sạch Lâm Sơn (Bắc Kạn) cho biết mô hình sản xuất lâm nghiệp, cụ thể là dược liệu theo hướng bền vững của HTX đang giúp đa dạng sinh học, hỗ trợ thành viên, người dân tăng thu nhập từ 2 triệu đồng lên 5-7 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, HTX vẫn gặp khó khăn vì thiếu vốn phát triển diện tích, đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ. Theo bà Ba, trồng rừng đã khó, bảo vệ và phát triển rừng bền vững còn khó hơn. Thế nhưng, các chính sách hỗ trợ về phát triển lâm nghiệp hiện nay đa phần tập trung vào hỗ trợ người dân trồng mới.

Dù phát triển theo chuỗi nhưng theo ông Võ Văn Biển, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim (Hà Tĩnh) nói rằng, hiện trồng rừng theo chứng chỉ FSC vòng đời của cây gỗ ít nhất là 7 năm và lâu hơn là 12 năm. Thời gian sản xuất dài nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có chính sách nào hỗ trợ người dân, HTX vay vốn theo một chu kỳ phát triển rừng bền vững.

Điều này khiến việc quản lý và đi đến hết một chu kỳ rừng đối với các thành viên là vô cùng khó khăn. Lý do là bởi người dân, thành viên HTX chủ yếu sản xuất lâm nghiệp, hơn nữa điều kiện tự nhiên cũng ít có cơ hội phát triển kinh tế ở những ngành nghề khác.

Cần hỗ trợ nguồn vốn cho các HTX lâm nghiệp để tránh tình trạng thu hoạch gỗ non.

Cần hỗ trợ nguồn vốn cho các HTX lâm nghiệp để tránh tình trạng thu hoạch gỗ non.

Bên cạnh đó, các HTX có đất, có vườn ươm, có nguồn lao động nhưng đầu tư vườn ươm giống chất lượng cao, chuyên nghiệp là chuyện không hề đơn giản. “Chính vì vậy, các HTX rất mong muốn được Nhà nước hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng vườn ươm có chất lượng tốt nhất phục vụ xuất khẩu”, ông Biểu chia sẻ.

Có thể thấy, đa số các HTX lâm nghiệp hoặc có dịch vụ liên quan đến lâm nghiệp hiện nay hoạt động ở vùng sâu vùng xa, miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết các HTX này là HTX nông - lâm nghiệp tổng hợp có các hoạt động liên quan đến lâm nghiệp như trồng rừng, cung ứng giống cây trồng, thu mua và chế biến nông, lâm sản. Chính vì vậy mà khó khăn về vốn là điều dễ gặp phải.

Theo các chuyên gia, phát triển HTX lâm nghiệp bền vững hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Việt Nam. Mặc dù hiện nay, chính sách về phát triển lâm nghiệp đã có nhiều nhưng vẫn thiếu nguồn lực đi kèm, nên thực tế các HTX lâm nghiệp không tiếp cận được.

Ông Dương Văn Huấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn, dẫn chứng hiện nay HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 nhưng chính sách hỗ trợ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật HTX năm 2012 phân loại mô hình HTX theo nhóm HTX nông nghiệp và phi lâm nghiệp. Chính vì vậy, các HTX lâm nghiệp không thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ từ chương trình khuyến nông. Nguyên nhân là chương trình này tập trung hỗ trợ cho HTX nông nghiệp.

Ông Hoàng Văn Long (Viện Kinh tế hợp tác, Liên minh HTX Việt Nam) cho biết, Luật HTX năm 2012 hiện nay chưa tạo điều kiện cho HTX lâm nghiệp phát triển. Cụ thể là chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho khu vực KTTT, HTX chỉ ưu tiên đối với các HTX có quy mô lớn về thành viên, tạo quy mô hàng hóa lớn, sản xuất theo cụm liên ngành và chuỗi giá trị.

“Những điều kiện như vậy các HTX lâm nghiệp rất khó đạt được để có thể đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ này”, ông Long nói.

Cần chính sách đặc thù

Thực chất chính sách hỗ trợ phát triển HTX lâm nghiệp nói riêng và chính sách phát triển lâm nghiệp nói chung đã được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Nghị định 11/2016/NĐ-CP, Nghị định 75/2015/NĐ-CP, Quyết định 38/2016/NĐ-TTg…

Tuy nhiên, theo các chủ rừng và các HTX, mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng, bảo vệ rừng còn thấp nên chưa khuyến khích phát triển trồng rừng thâm canh, trồng rừng gỗ lớn. Nhiều chính sách vì thiếu nguồn lực đi kèm nên nông dân, HTX thường phải chờ đợi hoặc mất thời gian xoay chuyển vốn. Khi đó, phương án sản xuất lâm nghiệp của HTX cũng bị chậm.

Đó cũng là nguyên nhân khiến số lượng HTX, Liên hiệp HTX, THT lâm nghiệp còn nhỏ bé. Theo số liệu báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn 63 tỉnh, thành phố, hiện cả nước mới có có khoảng 181 HTX, 2 Liên hiệp HTX và 320 THT lâm nghiệp.

Như vậy, số lượng HTX, Liên hiệp HTX, THT lâm nghiệp chỉ chiếm rất ít trong tổng số HTX, Liên hiệp HTX, THT trong lĩnh vực nông lâm thủy sản cả nước. Nhất là số lượng HTX lâm nghiệp chỉ chiếm 1,02% trong tổng số HTX thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản.

Để nâng cao số lượng HTX, THT, Liên hiệp HTX lâm nghiệp nhằm phát triển lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho rằng, các chính sách phải đủ mạnh, để đảm bảo cuộc sống cho người dân, thành viên HTX. Bởi hiện nay, nhiều địa phương có thế mạnh phát triển lâm nghiệp nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, người dân và thành viên HTX chưa thực sự sống được bằng nghề phát triển lâm nghiệp.

Điều mà các HTX lâm nghiệp cần quan tâm là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật HTX năm 2012 theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX lâm nghiệp phát triển nhanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngay chính sách tín dụng cho HTX đã có nhưng thực tế các ngân hàng thường ngại cho người dân, HTX vay vì lĩnh vực này rủi ro cao, thời gian trả nợ kéo dài. Đây thực sự là một khó khăn lớn đối với người trồng.

Ông Nguyễn Song Hà, trợ lý trưởng đại diện Tổ chức Nông nghiệp và lương thực của LHQ (FAO) tại Việt Nam cho rằng, phát triển lâm nghiệp là ngành cần nguồn vốn lớn. Chính vì vậy, cần có cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích phát triển kinh tế rừng, coi đây là nghề sống chính của nông dân, thành viên HTX.

"Đặc biệt, các chính sách về lâm nghiệp và phát triển HTX cần chú trọng tăng nguồn vốn hỗ trợ cho các mô hình lâm nghiệp. Chính sách hỗ trợ tài chính cần phải đến đúng đích là những người trực tiếp sản xuất, đó là người dân, thành viên HTX", ông Hà nhấn mạnh.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/phat-trien-htx-lam-nghiep-ben-vung-can-don-bay-tu-chinh-sach-1087808.html