Phát triển Huế thành đô thị di sản

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục xây dựng tỉnh trở thành đô thị di sản với định hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường.

Sáng 17/8, tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1989-2019). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương về dự lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong quá trình xây dựng và phát triển. Đây là sự kế thừa và phát huy trách nhiệm của các thế hệ, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng quê hương, đổi mới và bảo vệ đất nước.

Huế vinh dự đón nhận huân chương lao động hạng nhất. Ảnh: Ngọc Minh.

Huế vinh dự đón nhận huân chương lao động hạng nhất. Ảnh: Ngọc Minh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục xây dựng tỉnh trở thành đô thị di sản với định hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường theo kết luận 48-KL/TW và thông báo 175-TB/TW của Bộ Chính trị. Công tác bảo tồn, phát huy di sản cố đô Huế mà nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là cần thực hiện tốt việc di dời các hộ dân tại khu vực 1 của kinh thành Huế.

Ngày 30/6/1989, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII đã thông qua nghị quyết về việc phân vạch địa giới hành chính, theo đó, chia tách Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đến nay, Thừa Thiên - Huế đã thành lập 2 thị xã Hương Thủy, Hương Trà và thành phố Huế được công nhận là đô thị loại I từ năm 2001.

Điền Quang

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phat-trien-hue-thanh-do-thi-di-san-post979657.html