Phát triển không gian ngầm nội đô Hà Nội

Hà Nội định hướng phát triển không gian ngầm để giải quyết các nhu cầu cấp thiết, đây cũng là hướng đi tất yếu hiện nay

TP Hà Nội vừa công bố các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Đáng chú ý, đồ án này cũng đặt ra các giải pháp về phát triển không gian ngầm.

Sự cần thiết của đô thị lớn

Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho biết phân khu khu vực nội đô lịch sử có tổng diện tích đất được quy hoạch hơn 2.700 ha, dân số hiện trạng theo số liệu tổng điều tra năm 2019 là trên 887.000 người, dân số theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 672.000 người. Khu phố cổ được phép cao 3-4 tầng (12-16 m); khu vực Hồ Gươm và phụ cận được xây công trình cao không quá 16 m. Khu phố cũ được phép xây 4-6 tầng (16-22 m); các khu vực hạn chế phát triển được xây 5-7 tầng (20-25 m).

Phát triển không gian ngầm được xem là hướng đi tất yếu hiện nay

Phát triển không gian ngầm được xem là hướng đi tất yếu hiện nay

Không gian xây dựng ngầm đô thị được xác định thực hiện theo Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội và các dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt; phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng), gồm 5 tuyến đường sắt đô thị chạy qua và 22 nhà ga đã được quy hoạch trên địa bàn 4 quận. Trong phạm vi 500 m từ đầu mối ga ngầm, các đồ án đưa ra định hướng sử dụng tối đa chiều sâu để hình thành không gian công cộng ngầm tại khu vực hạn chế chiều cao công trình, giúp giảm mật độ xây dựng phần nổi; khuyến khích tạo lập tuyến đi bộ ngầm để kết nối các khu vực này.

Để góp phần giải bài toán giao thông công cộng, Hà Nội cũng sẽ xây dựng 89 bãi đỗ xe, trong đó 38 bãi cao tầng, 51 bãi ngầm. Riêng khu phố cổ cho phép xây dựng tầng hầm với yêu cầu bảo đảm các điều kiện kỹ thuật, công nghệ, an toàn, PCCC… khi khai thác sử dụng.

Đối với Hà Nội, tại các quy hoạch chung đều đã khẳng định sự cần thiết phát triển không gian ngầm. Đặc biệt, trong quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 đã xác định phải phát triển không gian ngầm. Không gian ngầm sử dụng cho các trung tâm thương mại dịch vụ, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, kết nối bảo đảm an ninh quốc phòng.

Trên thực tế, từ năm 1996, một số công trình trung tâm thương mại, khách sạn tại Hà Nội đã bắt đầu xây dựng từ 2 đến 4 tầng hầm nhưng độ sâu là bao nhiêu lại hoàn toàn tự phát theo quyết định của các chủ đầu tư mà chưa theo quy chuẩn nào. Từ những năm 2000 đến nay, Hà Nội đã áp dụng và có giải pháp đối với một số công trình nút giao thông ngầm như hầm ngầm Kim Liên, hầm chui Thanh Xuân, hầm chui Trung Hòa, các bãi xe ngầm, tầng hầm tại một số công trình khách sạn, trung tâm thương mại…

Hướng đi tất yếu

Tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng ở Việt Nam đang đặt ra cho cơ quan quản lý đô thị các cấp nhiều vấn đề khó giải quyết. Trong đó, quỹ đất nội thành của các TP, đặc biệt tại Hà Nội, TP HCM ngày càng cạn kiệt, không gian trở nên chật chội, tạo sức ép lớn lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, làm chất lượng đô thị suy giảm, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân chính là các cơ quan quản lý đô thị mới chỉ tập trung phát triển trên mặt đất, chưa khai thác, sử dụng và phát triển không gian ngầm đô thị.

Nhiều chuyên gia cho rằng từ những năm 2000 đến nay, Hà Nội đã có một số công trình nút giao thông ngầm, các bãi xe ngầm, tầng hầm tại một số công trình khách sạn, trung tâm thương mại hay hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm như đường cống thoát nước, đường điện, nước... Tuy nhiên, những công trình ngầm đã và đang có chỉ là các công trình đơn lẻ mang tính cục bộ, chỉ khai thác cho một mục đích riêng chứ chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, cho biết trước đây Hà Nội đã có những dự án bãi đỗ xe ngầm như: Vườn hoa hàng Đậu, Công viên Thống Nhất, Khu Thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ, Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội… nhưng đều không thực hiện được do có nhiều vướng mắc. Từ kinh nghiệm và xu thế của thế giới, từ mục tiêu khai thác tài nguyên, đặc biệt từ hiện trạng phát triển ngầm, đã đến lúc Hà Nội cần xem xét chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch ngầm để phát triển một cách bài bản, đồng bộ. Không thể để tình trạng cấp phép công trình ngầm cho nhà ở riêng lẻ thiếu căn cứ quy hoạch sẽ là mối họa cho việc phát triển không gian ngầm sau này. Phải xác định phát triển đô thị ngầm là xu thế tất yếu hiện nay.

Những năm qua, số lượng các vụ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội có xu hướng giảm nhưng hình thức vi phạm ngày càng phức tạp, thậm chí xuất hiện trường hợp vi phạm chưa có tiền lệ. Điển hình là công trình nhà ở riêng lẻ tại lô B3, số 13 phố Sơn Tây (quận Ba Đình), chỉ với diện tích khoảng 311,7 m2 nhưng lại xây dựng tới 4 tầng hầm, mỗi tầng cao 3,3 m. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định những sai phạm của công trình số 13 Sơn Tây đã rõ ràng nhưng từ sự việc này cho thấy bài toán quy hoạch không gian ngầm đô thị của Hà Nội không thể chậm trễ hơn nữa. Bởi nhu cầu cải tạo, xây dựng mới nhà cửa của người dân nội đô vẫn rất lớn và dự báo trong tương lai sẽ còn lớn hơn. Trong khi đó, các công trình xây dựng, nhất là các vị trí mặt đường có giá trị kinh tế cao, một số khu vực bị hạn chế chiều cao, các chủ đầu tư sẽ tìm cách tận dụng, thậm chí vi phạm không gian ngầm.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, phải có quy hoạch ngầm để không chỉ quản lý chặt chẽ công trình được cấp phép có tầng hầm mà còn thuận tiện làm các công trình giao thông ngầm trong tương lai. Lâu nay, chúng ta quan niệm chỉ quy hoạch mặt đất mà bỏ quên dưới lòng đất cũng là quy hoạch cần quản lý tổng thể, các nước đã làm từ lâu.

Sẽ có quy hoạch chi tiết

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, hiện nay Hà Nội mới chỉ nêu định hướng phát triển không gian ngầm, còn quy hoạch chi tiết như thế nào thì các bên liên quan đang góp ý trước khi được phê duyệt. Hà Nội cũng đang rất quyết tâm thực hiện vấn đề này. Dự kiến, cuối tháng 4, Thành ủy Hà Nội sẽ họp và bàn vấn đề quy hoạch chi tiết phát triển không gian ngầm của TP. Khi được thông qua, từng khu vực sẽ có quy hoạch chi tiết, lúc đó các dự án ngầm sẽ được triển khai theo hướng xã hội hóa hoặc bằng ngân sách.

Bài và ảnh: BẠCH HUY THANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ha-noi/phat-trien-khong-gian-ngam-noi-do-ha-noi-20210327220611957.htm