Phát triển kinh tế biển đảo, khẳng định khả năng làm chủ

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, phát triển kinh tế biển đảo nhanh mạnh, hiệu quả và bền vững chính là khẳng định khả năng làm chủ thực tế trên những vùng biển đảo Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Ảnh: Hải Luận

Là chuyên gia chuyên nghiên cứu về tài nguyên biển đảo, ông đánh giá thế nào về nguồn tài nguyên biển và hải đảo nước ta?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Với gần 3.000 hòn đảo lớn nhỏ tập trung vùng biển ven bờ và các quần đảo ngoài khơi thuộc quyền tài phán quốc gia, nước ta có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế đảo. Mỗi hòn đảo quý giá như một “thỏi bạc lớn” và cũng là cột mốc chủ quyền và là một “chiến hạm không thể đánh chìm” trên vùng biển của đất nước. Không ít đảo có lợi thế địa lý, có thể xây dựng thành trung tâm kinh tế đảo với cơ sở hậu cần nghề cá và dịch vụ biển xa hiện đại, đặc biệt, trong vùng biển quần đảo san hô Trường Sa có gần 1.000.000ha đầm phá nông (độ sâu 1 - 6m) thuộc các rạn san hô vòng (atoll) có môi trường thuận lợi cho nuôi hải đặc sản.

Bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, nhiều đảo trên vùng biển nước ta còn quy tụ các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản, đối với phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển. Trên đảo có các làng cá, di tích văn hóa và lịch sử thuần Việt phản ánh văn hóa làng chài và văn minh biển cả, hay còn gọi chung là “văn hóa ứng xử biển cả”, góp phần tạo ra các giá trị du lịch nghề cá mà đến nay chưa được khai thác và phát triển theo đúng nghĩa.

Với tiềm năng lớn và truyền thống bám biển từ ngàn đời của cha ông, ông đánh giá như thế nào về việc khai thác tiềm năng biển đảo nước ta?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Biển gắn bó với người dân Việt từ ngàn đời, là chỗ dựa sinh kế cho hàng chục triệu người. Biển luôn gắn với quá trình sinh tồn và phát triển của dân tộc, tạo ra một trong những nét độc đáo của văn hóa Việt - văn hóa ứng xử biển cả.

Tuy nhiên, đến nay ở nước ta vẫn chưa hình thành nền công nghiệp biển - đại dương theo đúng nghĩa, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa kinh tế biển, đặc biệt là Nghị quyết Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ban hành. Chủ trương rất trúng, nhưng cần phải tiêu chí hóa thật cụ thể (thể chế hóa, chính sách hóa, công nghệ hóa…), tránh khi thực hiện rơi vào lúng túng. Phải quyết liệt hướng ra biển lớn, chủ động chuẩn bị sớm từ hôm nay để có ngày mai.

Đầu tư cho phát triển biển nói chung, kinh tế biển nói riêng đòi hỏi nguồn vốn lớn và đồng bộ, nhưng lợi ích đem lại sẽ lâu dài. Hay chăng vì thế mà làm nghề biển phải có bản lĩnh quyết đoán và tính mạo hiểm? Nếu chỉ đầu tư hoặc có cái nhìn ngắn hạn đối với phát triển biển và kinh tế biển thì sẽ không bao giờ thành công.

Khai thác hiệu quả và sử dụng hợp lý hệ thống tài nguyên biển đảo đang được coi là chiến lược phát triển quan trọng của kinh tế đất nước. Ông đánh giá thế nào về quá trình thực hiện chiến lược này?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Nhìn từ biển vào đất liền, có thể thấy, để hỗ trợ phát triển kinh tế biển đảo hiệu quả vẫn cần tạo dựng và duy trì tính liên kết với đất liền và các khu vực ven biển. Về mặt này, trên thế giới và có lẽ ở ngay Việt Nam đã xuất hiện một số thực tiễn tốt có thể nhận thấy từ việc phát triển chuỗi đô thị ven biển từ Bắc vào Nam theo mô hình: cảng - đô thị - khu kinh tế ven biển và biển từ thời Pháp thuộc. Bốn yếu tố cơ bản trong mô hình này là các mảng không gian kinh tế riêng, nhưng luôn tác động tương hỗ nhanh cùng phát triển trong một “khuôn khổ phát triển toàn diện” hướng tới lợi ích chung trong dài hạn.

Ảnh minh họa

Hiện nay, Chính phủ chủ trương đánh thức tiềm năng dải ven biển và hệ thống đảo ven bờ miền Trung bằng việc phát triển chuỗi đô thị gắn với cảng nước sâu. Đây là một chủ trương đúng đắn và mang tầm chiến lược, phù hợp với thực tiễn phát triển của nước ta, phát huy được các bài học về mô hình tổ chức không gian kinh tế ven biển trong bối cảnh hội nhập và chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Chuỗi đô thị ven biển gắn với cảng nước sâu và khu kinh tế với một lộ trình đầu tư hiệu quả sẽ tạo ra “nhu cầu nội vùng” cho miền Trung - khu vực còn yếu thế về khả năng cung cho kinh tế biển, kinh tế đảo, nhưng lại có “lợi thế tĩnh” về tiềm năng phát triển cảng biển, gần tuyến hàng hải quốc tế và khu vực.

Phù hợp với xu thế thời đại, để thực hiện các chiến lược và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2014-2020, trong lĩnh vực biển đảo Việt Nam phải từng bước khôn khéo chuyển từ “kinh tế biển nâu” sang “kinh tế biển xanh” dựa vào bảo tồn thiên nhiên và văn hóa biển, đảo. Khi ấy, các ngành nghề mới sẽ xuất hiện, tạo ra công ăn việc làm mới cho dân ven biển, trên các đảo, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế người dân, làm thay đổi nhận thức và hành vi cá nhân, người dân sẽ bám biển làm giàu cho gia đình, quê hương và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Để “mạnh từ biển, giàu từ biển” như mục tiêu chiến lược biển đã đề ra, theo ông chúng ta cần chú trọng những giải pháp gì?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Muốn trở thành quốc gia mạnh giàu từ biển cần phải có định hướng chiến lược và lộ trình kế hoạch chi tiết, cụ thể; phải có con người làm chủ được trình độ khoa học, công nghệ khai thác biển tiên tiến; phải có các phương tiện điều tra, nghiên cứu và khai thác biển hiện đại nhằm thúc đẩy phát triển một nền kinh tế biển theo hướng công nghiệp và bền vững.

Bên cạnh đó cần tiếp tục hoàn thiện thể chế và hệ thống cơ chế chính sách quản lý tổng hợp liên ngành, liên vùng, liên cơ quan để thống nhất quản lý nhà nước về biển, hải đảo. Kinh tế biển là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù và quản lý biển là lĩnh vực quản lý chuyên ngành nên cần những con người có trình độ chuyên môn công nghệ, hiểu biển và tâm huyết với biển.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Hương

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/phat-trien-kinh-te-bien-dao-khang-dinh-kha-nang-lam-chu-post229495.html