Phát triển kinh tế biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu - Bài 1: Thực trạng quản lý đất đai về cảng biển

Tận dụng những giá trị tài nguyên và môi trường biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã từng bước phát triển mạnh ngành kinh tế biển và trở thành hình mẫu cho nhiều tỉnh, thành phố có biển khác áp dụng.

Tuy vậy, để phát huy được lợi thế, tiềm năng về biển, hải đảo, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững biển và hải đảo trên địa bàn, đặc biệt chú trọng công tác quản lý đất đai về cảng biển.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Theo Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm 5) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng biển Vũng Tàu là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò là cảng trung chuyển quốc tế, gồm các khu bến chức năng chính: Khu bến cảng Gò Dầu, Tắc Cá Trung; Khu bến cảng Phú Mỹ, Mỹ Xuân; Khu bến cảng Cái Mép, Sao Mai - Bến Đình; Khu bến cảng Long Sơn; Khu bến cảng sông Dinh và Khu bến cảng Côn Đảo.

Năng lực của cảng bảo đảm thông qua lượng hàng hóa dự kiến vào năm 2020 khoảng 101,6 - 109,2 triệu tấn/năm; năm 2025 khoảng 133,2 - 149,4 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 161,8-195,5 triệu tấn/năm.

Hàng loạt tàu cá của ngư dân Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) ra khơi xuất bến năm 2019, với niềm tin, hy vọng một mùa đánh bắt bội thu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Hàng loạt tàu cá của ngư dân Bình Châu (Bà Rịa-Vũng Tàu) ra khơi xuất bến năm 2019, với niềm tin, hy vọng một mùa đánh bắt bội thu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Trong đó, riêng về container thì dự kiến vào năm 2015 khoảng 1,51 - 1,63 triệu sức chứa container (TEU)/năm; năm 2020 khoảng 3,58 - 4,17 triệu TEU/năm; năm 2025 khoảng 5,64 - 6,83 triệu TEU/năm; năm 2030 khoảng 7,58 - 9,42 triệu TEU/năm.

Nhu cầu thông qua lượng hành khách quốc tế đường biển đến năm 2020 là 122,9 - 177,7 nghìn lượt/năm; năm 2025 là 157,4 - 286,8 nghìn lượt/năm; năm 2030 là 201,6 - 462,8 nghìn lượt/năm.

Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, hiện nay có 19 dự án cảng biển (bên ngoài các Khu công nghiệp) được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.274 triệu USD và 7.644 tỷ đồng. Địa điểm khai thác tập trung tại thị xã Phú Mỹ (khu vực Cái Mép - Thị Vải) và thành phố Vũng Tàu.

19 dự án cảng biển trên được đầu tư xây dựng thực hiện chi tiết, trong đó có 8 dự án đang hoạt động; 5 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận giãn tiến độ; 6 dự án chưa triển khai, chậm tiến độ thực hiện (4 dự án đã hoàn tất thủ tục đất đai (trong đó có 3 dự án đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra, 1 dự án chưa được thanh tra).

Đặc biệt, có 2 dự án chưa hoàn tất thủ tục đất đai, nhà đầu tư chưa thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định, đang xem xét thu hồi. Đó là Cảng tổng hợp quốc tế Mỹ Xuân của Công ty TNHH phát triển quốc tế Formosa (167 ha) và Cảng tổng hợp Mỹ Xuân của Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình và Đầu tư Địa ốc Hồng Quang (39,68 ha).

Riêng 2 dự án mà UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu chấm dứt trước thời hạn đó là Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ của Công ty Cổ phần Đóng tàu và Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (86,6 ha) và Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam của Công ty TNHH Sửa chữa Tàu biển Vinalines (95,31 ha).

Chính sách về biển và hải đảo chưa đồng bộ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong thời gian qua việc quản lý đất đai liên quan đến lĩnh vực cảng biển được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thể hiện trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đã bố trí đầy đủ nhu cầu về đất đai để phát triển cảng biển.

Việc giao đất, thuê đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án; công tác hậu kiểm cũng được chú trọng. Các ngành và Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thanh tra, kiểm tra dự án chậm triển khai và đề xuất UBND tỉnh các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều vướng mắc, cơ bản là do thể chế, chính sách về biển và hải đảo chưa đầy đủ, đồng bộ, thiếu các quy định chi tiết, khả thi trong thực tiễn, dẫn đến việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Nhiều bộ, ngành trung ương (tương tự là nhiều sở, ngành ở địa phương) cùng tham gia quản lý về biển và hải đảo, nhưng thiếu cơ quan nhà nước quản lý tổng hợp, thống nhất về các mặt hoạt động kinh tế - xã hội trên biển, đảo.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và các Chi cục Biển và Hải đảo tại các địa phương chỉ được giao là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

Chức năng quản lý nhà nước này đã bộc lộ nhiều khoảng giao thoa với các ngành, cơ quan khác như du lịch, khoáng sản, đất đai, môi trường và không có sự kết nối với các ngành kinh tế thuần biển như hàng hải, dầu khí, hải sản...

Do vậy, việc quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, đảo là không thể thực hiện được vì không có chức năng, công cụ và nguồn lực để tổ chức, điều phối và quản lý các ngành, địa phương để cùng hướng tới mục tiêu là phát triển biển và hải đảo.

Bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường biển và hải đảo cũng chưa đủ mạnh, thiếu sự tập trung thống nhất; phân công, phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, hiệu quả. Năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý còn rất thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý trên biển.

Dự án cảng biển đưa vào hoạt động có số lượng tương đối lớn, song số lượng dự án chậm triển khai vẫn còn nhiều (11 dự án) đặc biệt có 2 dự án đã bị thu hồi, chấm dứt hoạt động trước thời hạn. Điều này chứng tỏ công tác thẩm định, cấp chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án chưa được chặt chẽ, dẫn đến việc giao đất, cho thuê đất chưa đạt hiệu quả cao.

Bài cuối: Tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển

Diệu Thúy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te-bien-dao/phat-trien-kinh-te-bien-o-ba-ria-vung-tau-bai-1-thuc-trang-quan-ly-dat-dai-ve-cang-bien-20190226104639918.htm