Phát triển kinh tế đi đôi với giữ gìn nền văn hóa

Chiều 8-11, tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, theo thông lệ của các kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo, làm rõ thêm các vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ, sau đó, trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Bảo đảm an ninh nguồn nước an toàn cho người dân

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa và Lưu Bình Nhưỡng về vấn đề nước sạch sau sự cố ở Công ty nước sạch sông Đà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Quản lý tài nguyên nước năm 2012. Trong đó, phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, bảo đảm an ninh nguồn nước an toàn cho người dân, tránh tình trạng như vừa qua.

“Trên phương tiện thông tin đại chúng cũng nói đến tỷ lệ Nhà nước nắm giữ đối với nước sạch. Đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra các cấp, các ngành để thực hiện đúng Luật Bảo vệ tài nguyên nước đã được thông qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), Thủ tướng tái khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước. Hiện nay, với 800.000 doanh nghiệp kinh tế tư nhân, các bộ ngành, địa phương, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân.

Đến nay, kinh tế tư nhân đã đóng góp 40% GDP của cả nước và đã có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển vượt bậc, có đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia. Đảng, Nhà nước hoan nghênh kinh tế tư nhân và tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

“Họ đã làm tốt, đóng góp thiết thực cho đất nước, đặc biệt những doanh nghiệp công nghệ. Chúng ta không phân biệt kinh tế tư nhân hay Nhà nước, mà bình đẳng các thành phần kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các cấp, các ngành thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quốc hội.

Ở góc độ liên quan, trả lời về việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng cho biết, hội nhập là điều rất cần thiết theo đường lối của Đảng, Nhà nước, nhưng đi đôi với hội nhập, cần có công cụ phòng vệ thương mại phù hợp.

Chính vì vậy, doanh nghiệp, người dân phải “đứng trên đôi chân của mình”. Nhà nước sẽ “tạo môi trường và thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như người dân”; đồng thời đào tạo nguồn nhân lực kể cả năng lực tài chính, kỹ thuật, quản trị của người dân và doanh nghiệp để hội nhập thành công- Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, sẽ tiếp tục tạo điều kiện về tín dụng, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa các thành phần kinh tế giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), để doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam...

Tiếp tục đa dạng hóa thị trường

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) về mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh hàm ý điều này không có nghĩa là “một mình”, mà là phải xây dựng một nền kinh tế tích cực, chủ động hội nhập, có khả năng chống chịu trước những biến động, cú sốc của nền kinh tế thế giới.

Thủ tướng lấy ví dụ, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi khiến Việt Nam mất khoảng 8,5% tổng đàn lợn, trong khi vẫn phải có biện pháp bảo đảm thực phẩm cho người dân. Điều này vẫn cần một lượng hàng hóa từ bên ngoài để bù đắp. Thủ tướng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đã có tiến bộ rất đáng mừng trong quá trình độc lập, tự chủ. Ví dụ như từ một nước thiếu ăn, đến nay, xuất khẩu nông nghiệp đạt trên 4,2 tỷ USD; đã giảm diện tích trồng lúa để chuyển sang các loại cây có hiệu quả cao hơn; kinh tế tăng trưởng liên tục, có khả năng chống chịu; ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì cùng với ổn định tài chính, tiền tệ, lạm phát thấp...Mặt khác, chúng ta cũng đa dạng hóa, đa phương hóa mối quan hệ quốc tế để không bị cô lập. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) và 3 FTA sắp được ký kết tới đây....

Nói về những giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tiếp tục đa dạng hóa thị trường và đẩy mạnh tái cơ cấu, nhất là phải đổi mới mô hình tăng trưởng, áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ trong phát triển... “Một nền kinh tế phải dựa trên trí thức để bảo đảm phát triển hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát triển kinh tế đi đôi với giữ gìn nền văn hóa

Trả lời đại biểu về việc phát triển văn hóa mang tầm chiến lược, Thủ tướng cho rằng việc này là hết sức cần thiết. “Phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng cũng phải trở thành một cường quốc văn hóa thì Việt Nam mới thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ: Việt Nam đã có trên 4.000 năm lịch sử, có sức mạnh nền tảng rất lớn, phát triển văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, các dân tộc đều đoàn kết, thống nhất. Theo Thủ tướng, đây là vấn đề hết sức quan trọng và có ý nghĩa.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều tồn tại, khuyết điểm trong quản lý Nhà nước về văn hóa mà Thủ tướng cho rằng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa đổi. Đó là những thách thức trong kinh tế thị trường đối với phát triển văn hóa, chưa nền nếp trong hoạt động văn hóa, hay chưa thực hiện các cuộc vận động do cơ quan mặt trận, Đảng, Nhà nước phát động. Bên cạnh đó, đầu tư cho văn hóa chưa được quan tâm, hay một số văn hóa truyền thống làng nghề bị mai một...

Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu của Chính phủ là đưa kinh tế sớm vượt qua bẫy thu nhập trung bình nhưng không để nền văn hóa Việt Nam “lờ nhờ, nghệch ngoạc, lai căng”. Điều này đặt ra yêu cầu đối với việc phát triển nền kinh tế mà còn phải giữ gìn nền văn hóa 4000 năm lịch sử của chúng ta.

Một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã thảo luận nhiều giải pháp, trong đó định hướng giải pháp sắp tới là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý văn hóa, bỏ tư duy “không quản lý được thì cấm”, xây dựng ngành công nghiệp cạnh tranh với toàn cầu song song với chấn chỉnh lệch lạc về văn hóa. Đặc biệt tăng cường truyền thông giáo dục về văn hóa, giáo dục từ nhỏ về văn hóa có đạo đức, về lịch sử dân tộc.

Đồng thời, Thủ tướng cũng khẳng định, để giữ gìn văn hóa dân tộc, phát huy vốn quý văn hóa của đất nước thì nhất thiết phải xây dựng văn hóa ở mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thời đại kinh tế thị trường hiện nay...

NGUYỄN THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/phat-trien-kinh-te-di-doi-voi-giu-gin-nen-van-hoa-599440