Phát triển kinh tế thể thao: Cần môi trường pháp lý đầy đủ, thuận lợi

Các hoạt động kinh tế thể thao (KTTT) ở Việt Nam như thị trường vé, nguồn thu từ các dịch vụ tổ chức thể dục thể thao (TDTT), bản quyền truyền hình, dịch vụ cá cược… còn nhiều tiềm năng để phát triển nhưng trên thực tế, chúng ta vẫn chưa khai thác hết nguồn lợi này. Bên cạnh đó cần có định hướng rõ ràng, hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển lĩnh vực kinh tế này.

Thị trường quảng cáo liên quan hoạt động thể thao như bóng đá tạo ra nguồn thu dịch vụ rất đáng kể

Chưa khai thác hết nguồn lợi

KTTT bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động TDTT (tập luyện, thi đấu…), cũng như gián tiếp phục vụ cho các hoạt động TDTT như: sản xuất, cung cấp các dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan đến TDTT (trang thiết bị, cá cược…).

Trên thế giới, ở một số quốc gia được coi là cường quốc thể thao như Mỹ, lĩnh vực KTTT chiếm tỷ trọng hơn 2,4% GDP; ở Trung Quốc, nước sản xuất hàng hóa thể thao lớn nhất thế giới, từ năm 2011, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp (DN) thể thao của quốc gia này vượt mức 300 tỷ NDT, chiếm 1,2% GDP.

Theo ông Tần Lê Minh - đại diện Tổng cục TDTT, Việt Nam nằm trong khu vực có mức độ tăng trưởng nóng, từ đó tác động tới thị trường Việt Nam. Thực tế trong những năm qua hoạt động KTTT và thị trường KTTT ở nước ta ở quy mô rất nhỏ.

KTTT ở Việt Nam còn có dư địa phát triển nhưng chưa khai thác hết như: Thị trường bán vé và thu từ các dịch vụ tổ chức TDTT; thị trường bản quyền truyền hình thể thao. Ngoài ra, còn có thị trường quảng cáo tài trợ và thị trường dịch vụ (trong đó có cá cược thể thao).

Đến nay, Việt Nam có nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này, với doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ đồng/năm, nhưng 80% hàng hóa chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm, phân khúc trang phục thể thao là một thị trường tiềm năng của ngành Dệt may, với 20% dung lượng thị trường hàng may mặc trong nước.

Kim ngạch xuất khẩu trang phục thể thao chiếm khoảng 12 - 15% và có khả năng sẽ phát triển nhanh trong tương lai. Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội, các DN chuyên sản xuất trang phục thể thao vẫn chưa nhiều và chủ yếu đang hướng ra thị trường xuất khẩu.

Riêng lĩnh vực da giày, Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu mặt hàng này, một năm Việt Nam sản xuất hơn 1 tỷ đôi giày các loại, doanh thu xuất khẩu hơn 16 tỷ USD năm 2018.

Doanh nghiệp thiếu định hướng

Theo các chuyên gia và DN hoạt động, khai thác thị trường hàng hóa thể thao, hiện các DN trong lĩnh vực này rất chật vật khi hoạt động và phát triển do hành lang pháp lý của chúng ta đang có độ trễ lớn so với thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Phần mềm Tiếp thị thể thao cho hay, dịch vụ vui chơi, cá cược thể thao hiện đang phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới, nhưng tại Việt Nam chưa phát triển khi năm 2011, cả nước thu về 14 triệu USD dịch vụ đua chó, đua ngựa. Cụ thể, đua ngựa trước chiếm 11 triệu USD thì đến năm 2019 chỉ thu về 300.000 USD ở dịch vụ đua chó.

Liên quan đến loại hình dịch vụ thể thao, chúng ta đã có Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/1/2017. Văn bản ra đời bước đầu đã tạo khung pháp lý cho loại hình này hoạt động và phát triển. Tuy nhiên, cho đến nay sau gần 3 năm vẫn chưa có đơn vị nào được cấp Giấy chứng nhận. Nhiều DN đang loay hoay tìm hướng giải quyết nhưng đều vướng mắc giữa các văn bản quy định khác nhau của các bộ, ngành. Thậm chí, dẫn tới hệ lụy các DN… làm “chui”.

Ông Nguyễn Đức Hải - Giám đốc Công ty Du lịch và Dịch vụ thể thao dưới nước cho biết, xu hướng ngành Du lịch hiện nay là kết hợp với ngành Thể thao để tăng chất lượng phục vụ và tăng doanh thu. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Các DN phát triển du lịch đều mong muốn được đầu tư trang thiết bị mới nhất, hiện đại nhất để thu hút khách, nhưng Việt Nam lại chưa có quy chuẩn cho các sản phẩm mới nên phải dựa vào các tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, DN phải nhập khẩu mà không thể nghiên cứu sản xuất trong nước, dẫn đến giá thành cao, không thể mở rộng được thị trường”, lời ông Hải.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Tần Lê Minh cho rằng, ở nước ta, tư duy phát triển thể thao chưa gắn với tư duy phát triển KTTT và chưa được cụ thể hóa trong định hướng phát triển kinh tế. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức về KTTT.

“Đã đến lúc chúng ta nên coi đây là hoạt động kinh tế, cần phát triển nó và đem lại lợi nhuận, đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước. Nhà nước cần xác định rõ nhiệm vụ gì Nhà nước cần đầu tư cho dịch vụ TDTT, tăng cường vai trò quản lý, định hướng. Đặc biệt, cần một môi trường pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho hoạt động, dịch vụ trong KTTT”, ông Minh nói.

Anh Vũ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-the-thao-can-moi-truong-phap-ly-day-du-thuan-loi-479905.html