Phát triển kinh tế tư nhân- ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam

'Gia tăng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và mở rộng nguồn tài chính tư nhân trong nước là những ưu tiên hàng đầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu tài chính cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững'.

Đó là khuyến nghị được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra cho Việt Nam tại Lễ công bố Báo cáo đánh giá về tài chính cho phát triển bền vững của Việt Nam diễn ra vào chiều 11/09 tại Hà Nội.

Tại Lễ Công bố Báo cáo, ông Haoliang Xu, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc UNDP khu vực Châu Á Thái Bình Dương lưu ý: Dù báo cáo đánh giá tài chính cho phát triển cho thấy bức tranh tài chính phát triển ở Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, Đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước tăng gấp đôi vào năm 2015 so với năm 2002, song chỉ chiếm 40% tổng tài chính cho phát triển, và tỷ lệ đầu tư tư nhân trên đầu người của Việt Nam đang ở trong nhóm thấp nhất ở khu vực ASEAN là 490 USD so với mức trung bình của các là 690 USD.

Ông Haoliang Xu khuyến nghị Việt Nam sớm thực hiện một số biện pháp, bao gồm khuyến khích tăng đầu tư tư nhân trong nước; đầu tư công tập trung và huy động đầu tư tư nhân; thu hút những dự án FDI liên kết công ty trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh thu thuế, quản lý tài sản công và áp dụng thuế tài sản và thuế môi trường; và xây dựng khuôn khổ tài chính phối hợp cho việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Ông Haoliang Xu cũng tái khẳng định cam kết của UNDP là đối tác của Việt Nam trong tài chính hiệu quả cho mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong việc tăng cường hiệu quả điều phối và hiệp lực giữa các nguồn tài chính và tối ưu hóa cho kết quả mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo đánh giá về tài chính cho phát triển bền vững của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Lê Quang Mạnh cho biết “Báo cáo “Tài chính cho phát triển bền vững tại Việt Nam” do UNDP tiến hành được công bố hôm nay đã đưa ra một bức tranh tổng thể và xu hướng của các nguồn lực tài chính cho phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, có so sánh với các nước trong khu vực. Những phân tích, nhận định của Báo cáo và các khuyến nghị là hữu ích trong việc xác định những định hướng trong huy động, sử dụng và quản lý các nguồn tài chính cho phát triển của Việt Nam trong thời gian tới”

Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cũng mong muốn tiếp tục được tiếp nhận những kinh nghiệm quốc tế và những tham vấn chính sách của các chuyên gia và tổ chức Liên hợp quốc nhằm huy động và sử dụng các nguồn tài chính hiệu quả hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ đạt các mục tiêu phát triển bền vững.

Báo cáo của UNDP đã nêu bật sự cần thiết phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển cả về quy mô, năng suất, sức cạnh tranh và trở thành chính thức. Báo cáo cũng khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường điều phố chính phủ, trung ương và địa phương chuyển từ sử dụng ưu đãi thuế để thu hút FDI sang cả thiện cơ sở hạ tầng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là trang bị cho lực lượng lao động của mình những“kỹ năng của thế kỷ 21” nói riêng và để thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững nói chung.

Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-uu-tien-hang-dau-tai-viet-nam-108655.html