Phát triển kinh tế - xã hội, nhiều tín hiệu tích cực ( Bài 1): Những dấu ấn quan trọng

Những tháng đầu năm, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.

Công nhân Nhà máy may xuất khẩu Thành Thọ (Thạch Thành) trong ca sản xuất.

Nổi bật là hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế đều đạt khá so với kế hoạch, trong đó có một số chỉ tiêu đã vượt kế hoạch cả năm. Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên, giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao đạt kết quả tại các kỳ thi và các giải thi đấu; các chính sách an sinh xã hội và cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.

Thời gian sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt và trọng tâm là đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đạt tỷ lệ cao. Khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực và được kiểm soát tốt, tỉnh đã linh hoạt điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chủ động mở cửa hoạt động du lịch, ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong tình hình mới. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 21-3-2022 về Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa, với mục tiêu giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc để phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành, lĩnh vực, cơ sở sản xuất, kinh doanh có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách của tỉnh, các ngành, lĩnh vực chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19.

Kết quả, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng năm 2022 đạt 13,41%, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,93%, công nghiệp - xây dựng tăng 18,3%, dịch vụ tăng 7,8%, thuế sản phẩm tăng 36,06%.

Đối với lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực; tổng sản lượng lương thực đạt 1,58 triệu tấn, tăng 3,4% kế hoạch, tích tụ, tập trung đất đai được 5.740 ha, chuyển đổi 3.130 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn. Chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 9,2% so với cùng kỳ, sản lượng trứng gia cầm tăng 6,2%, sản lượng sữa tươi tăng 10,6%, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng 2,2%. Đi đôi với đó, trong 9 tháng có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và TP Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 346 xã, 902 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã, 214 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có thêm 78 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số sản phẩm OCOP hiện có trên địa bàn tỉnh lên 236 sản phẩm, trong đó có 1 sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Cùng với đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 16,03% so với cùng kỳ, có 19/26 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng. Một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động, như Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Nhà máy sản xuất gia công giày dép xuất khẩu Adiana Thọ Dân (Triệu Sơn), Nhà máy may xuất khẩu S&D Thanh Hóa tại xã Dân Lực (Triệu Sơn)...Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống phát triển ổn định, mẫu mã hàng hóa ngày càng được nâng lên, có thêm 5 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 199,1 ha.

Công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng được tỉnh, các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Đồng thời, giải quyết kiến nghị của các nhà thầu về điều chỉnh giá vật liệu xây dựng trong các hợp đồng thi công trên địa bàn tỉnh theo giá thị trường. Ban hành đơn giá nhân công xây dựng, công bố bảng giá ca máy và thiết bị thi công, thực hiện công bố chỉ số giá xây dựng hằng quý, hằng tháng, làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức, cá nhân lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt 103.340 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ; thu hút 51 dự án đầu tư trực tiếp (4 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.386 tỷ đồng và 41 triệu USD. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 do tỉnh quản lý đã được giao kế hoạch chi tiết sớm ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn. Đến ngày 15-9-2022, giá trị khối lượng thực hiện các dự án đầu tư công năm 2022 đạt 5.332 tỷ đồng, bằng 48,4% kế hoạch; giải ngân đạt 6.189 tỷ đồng, bằng 56,2% KH, cao hơn so với bình quân cả nước (46,7%).

9 tháng, đã có 2.562 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 85,4% kế hoạch, tăng 27,8% so với cùng kỳ, đứng thứ 6 cả nước; số vốn đăng ký ước đạt 26.407 tỷ đồng, tăng 19,3%. Bên cạnh đó, có 1.036 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, tăng 29,7% so với cùng kỳ; có 224 doanh nghiệp thông báo giải thể, giảm 5,5% - là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có dấu hiệu ổn định và phát triển trở lại.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đạt 127.805 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu 4,404 tỷ USD, tăng 11,7%; nhập khẩu hàng hóa 7,265 tỷ USD, tăng 49%.

Đi đôi với đó, có 1.987 người lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, với số tiền 150 tỷ đồng; 3.796 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để mua máy tính, thiết bị hỗ trợ học trực tuyến, với số tiền 38 tỷ đồng; 283 người được vay vốn nhà ở xã hội, với số tiền 108,2 tỷ đồng; 75 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được vay vốn với số tiền 6 tỷ đồng… Tổng lượng khách du lịch đạt 10.385 nghìn lượt, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ (trong đó khách du lịch quốc tế 109,6 nghìn lượt khách, gấp 8,7 lần), tổng thu du lịch đạt 19.075 tỷ đồng, gấp 4,1 lần. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,5% so với đầu năm, tổng dư nợ tăng 11%. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 39.325 tỷ đồng, tăng 33% dự toán, tăng 56% so với cùng kỳ và đạt cao nhất từ trước đến nay.

Cùng với đó, công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để kêu gọi đầu tư vào tỉnh. Trong đó, nổi bật là tỉnh ta đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc tại Thanh Hóa, Tuần lễ Văn hóa hữu nghị Thanh Hóa - Hủa Phăn năm 2022, hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh.

Đi đôi với phát triển kinh tế, công tác giải quyết việc làm được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả và đã giải quyết việc làm mới cho 43.800 lao động, tăng 13,8% so với cùng kỳ, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 19.567 lao động. Đồng thời, thời hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Công tác xây dựng, tổ chức triển khai các đề án, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ linh hoạt, hiệu quả thích ứng nhanh với tình hình thực tế trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có nhiều biến động, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng nhóm vấn đề, cả những vấn đề tồn tại từ các năm trước và mới phát sinh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kịp thời uốn nắn, khắc phục sai phạm. Hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 và đến nay, các quy hoạch đã được các hội đồng thẩm định thông qua, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và huyện Thọ Xuân.

Thực tế cho thấy, kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của Thanh Hóa đã phát triển theo hướng tích cực, nhiều tiềm năng, thế mạnh được khơi dậy, khai thác hiệu quả; chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên. Những kết quả đó có nhiều dấu ấn quan trọng để tỉnh ta tiếp tục thực hiện những tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra. Đồng thời, là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng cao, vững chắc trong thời gian tới.

Xuân Hùng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nhieu-tin-hieu-tich-cuc-bai-1-nhung-dau-an-quan-trong/170030.htm