Phát triển kinh tế 'xanh' từ ưu tiên các ngành dịch vụ có lợi thế

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 5/2/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển dịch vụ Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, có thể thấy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng hơn của dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế cũng như sự phát triển KT-XH của địa phương.

Ước cả năm 2018 tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 12 triệu lượt, tổng doanh thu đạt 22.800 tỷ đồng.

Sau khi thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, Quảng Ninh đã thành công trong việc chuyển đổi dần trong cơ cấu kinh tế. Theo đó, so với năm 2015, đến thời điểm này tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng đã giảm từ 51,8% xuống 51,2%, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm từ 7% xuống 5,9%, tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ từ 41,2% lên 42,9%.

Số thu ngân sách từ các ngành dịch vụ cũng ngày càng tăng trong tổng thu ngân sách nội địa (năm 2016 đạt 3.535 tỷ đồng, chiếm 14,2%; năm 2017 đạt 4.498 tỷ đồng, chiếm 16,3%; năm 2018 dự kiến đạt 5.750 tỷ đồng, chiếm 18,9%).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Thu Thủy khẳng định: Để có được sự tăng trưởng trong các ngành dịch vụ như hiện nay, đóng góp cho nền kinh tế "xanh" của tỉnh, trong triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TU, tỉnh đã xác định rất rõ và tập trung đẩy mạnh các ngành dịch vụ có lợi thế, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Theo đó, các ngành dịch vụ có lợi thế được xác định thuộc các lĩnh vực: Du lịch, thương mại, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, thông tin truyền thông, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản... đã được tập trung quan tâm hơn trước đây. Trong những ngành dịch vụ này, phát triển du lịch và thương mại là 2 ngành dịch vụ lợi thế trọng điểm nhất, được tập trung nhiều nhất. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy các ngành dịch vụ lợi thế khác.

Môi trường du lịch của Quảng Ninh được nâng cao theo hướng đồng bộ, thân thiện.

Thật vậy, chỉ trong gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại của tỉnh đã có những thay đổi rất tích cực. Quảng Ninh đã và đang được du khách, các nhà đầu tư, bạn bè trong và ngoài nước đánh giá là địa bàn phát triển năng động, điểm đến du lịch thân thiện, mến khách, môi trường đầu tư tốt... Ước cả năm 2018 tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 12 triệu lượt, tổng doanh thu đạt 22.800 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 120 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 6,4 tỷ USD; có 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có hoạt động đầu tư. Các dự án FDI tập trung trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại ngày càng nhiều và quy mô vốn đầu tư cao.

Tính đến thời điểm này, 6/12 chỉ tiêu trong Nghị quyết số 02-NQ/TU đã đạt và vượt, gồm: Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân; tổng số khách du lịch; tổng doanh thu du lịch; tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tăng bình quân; kim ngạnh xuất khẩu tăng bình quân; tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua rà soát của cơ quan chức năng cho thấy, một số các ngành dịch vụ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đóng góp ngân sách tỉnh còn khiêm tốn, một số chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu Nghị quyết số 02-NQ/TU đề ra.

Trình diễn nhạc dân tộc miễn phí phục vụ du khách tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu.

Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Văn Hùng phân tích: Một số chỉ tiêu hiện chưa đạt mục tiêu Nghị quyết chủ yếu là do cơ sở hạ tầng phát triển dịch vụ có tiềm năng thế mạnh, như: Thương mại, du lịch, cảng biển, logistics... chưa đồng bộ, hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Bên cạnh đó, nội dung và hình thức công tác quảng bá và xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư chưa thực sự đổi mới, tính chuyên nghiệp chưa cao; liên kết liên ngành, liên vùng du lịch chưa tạo ra nhiều chuỗi giá trị bền vững; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo vệ môi trường, giáo dục, y tế còn chậm...

Trên cơ sở đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020, Quảng Ninh thực hiện chính sách tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là hình thức đối tác công - tư (PPP) để đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng giao thông, du lịch, thương mại, thông tin truyền thông, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế... tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Tỉnh cũng tiếp tục tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng đối với các nhà đầu tư. Khuyến khích doanh nghiệp, các tập đoàn phân phối lớn liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước xây dựng và phát triển hệ thống phân phối hiện đại, tăng cường khả năng mở rộng thị trường ra thế giới cho các hàng hóa và dịch vụ có lợi thế của tỉnh.

Cùng với đó là các giải pháp đổi mới về nội dung, hình thức, quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Ninh, các chương trình xúc tiến thương mại; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các ngành dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và du khách; đầu tư phát triển KH&CN trong các ngành dịch vụ...

Với các giải pháp toàn diện như trên, tin rằng, Quảng Ninh sẽ sớm hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 02-NQ/TU, cán đích lộ trình là tỉnh cơ cấu dịch vụ - công nghiệp vào năm 2020.

Hồng Nhung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201811/phat-trien-kinh-te-xanh-tu-uu-tien-cac-nganh-dich-vu-co-loi-the-2407647/