Phát triển KT - XH giai đoạn 2021-2030: Cần những đột phá mạnh mẽ!

Với tốc độ tăng trưởng như thời gian qua, cùng với xu thế và bối cảnh nêu trên; nếu Việt Nam có thể tận dụng tốt các cơ hội, vượt qua thách thức, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 6,8 - 7,2%/ năm trong giai đoạn 2021-2030.

Phát triển KT - XH giai đoạn 2021-2030.

Phát triển KT - XH giai đoạn 2021-2030.

Trong giai đoạn vừa qua, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức cao so với thế giới, lạm phát được kiểm soát, hội nhập kinh tế sâu rộng, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng thế giới; các nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam; khu vực kinh tế tư nhân phát triển, làn sóng khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm cho khoa học - công nghệ được khuyến khích và bắt kịp xu thế phát triển của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã làm bộc lộ rõ hơn một số tồn tại, hạn chế của nước ta như: sự phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài, thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, chưa có vai trò đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đầu tư FDI đạt nhiều kết quả tích cực nhưng sức lan tỏa chưa được như mong đợi, năng suất và chất lượng lao động còn thấp, hàm lượng công nghệ trong sản phẩm chưa nhiều…ảnh hưởng chung tới chất lượng tăng trưởng kinh tế. Đó là chưa kể đến những bất cập, thách thức về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và năng lực khoa học - công nghệ. Do vậy, để phấn đấu trở thành “nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030”; những tồn tại, hạn chế nêu trên cần được nhanh chóng khắc phục, cùng với những đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021-2030 sắp tới.

Giai đoạn phát triển 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045 có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử phát triển của Việt Nam với nhiều dấu mốc quan trọng của Đảng và Đất nước (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng - năm 2030; kỷ niệm 100 năm thành lập nước - năm 2045); đồng thời, là giai đoạn phát triển mới sau khi thế giới bước vào giai đoạn “bình thường mới” và phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19 và tình hình quốc tế đã có nhiều biến động, xoay chuyển, và sự tiến bộ mạnh mẽ cả về kinh tế, khoa học - kỹ thuật - công nghệ, nguồn nhân lực và vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam.

Với tốc độ tăng trưởng như thời gian qua, cùng với xu thế và bối cảnh nêu trên; nếu Việt Nam có thể tận dụng tốt các cơ hội, quyết tâm vượt qua thách thức, chúng tôi dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 6,8-7,2%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, Nhóm nghiên cứu cũng dự báo một số chỉ tiêu cụ thể, quan trọng cần đạt được trong giai đoạn 2021-2030.

Đột phá chiến lược và căn cứ lựa chọn

Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng trong bối cảnh mới, xu hướng mới, cách làm cũ chưa chắc đã phù hợp, trong khi những điểm nghẽn đang “kìm hãm” đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Do đó, để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm, tiến tới “trở thành nước có thu nhập trung bình cao đến năm 2030”, cần thiết phải có sự đột phá mạnh mẽ mang tính chiến lược.

Theo đó, chúng tôi đề xuất 5 đột phá chiến lược cho giai đoạn 2021-2030; đó là: (i) Đẩy nhanh hoàn thiện thể chế (chú trọng yếu tố chất lượng); (ii) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (iii) Phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng chất lượng, có tầm nhìn; (iv) Phát triển mạnh mẽ ứng dụng KH-CN trong bối cảnh CMCN 4.0; và (v) Phát huy tinh thần văn hóa dân tộc, như một động lực tạo sức mạnh.

(i) Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế, gắn với cải cách thực chất thủ tục hành chính hướng tới lợi ích của doanh nghiệp (đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân), nhà đầu tư và người dân

Trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng (đặc biệt là việc tham gia các FTA thế mới), cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ số kéo theo sự hình thành và phát triển của nhiều mô hình kinh doanh, hình thái kinh tế mới (kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn…), dự báo những xu thế này sẽ tiếp tục thay đổi mạnh mẽ trong 10 năm tới, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số; trong khi hệ thống pháp luật, quy định, chính sách, thủ tục hành chính còn thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, chưa thực sự minh bạch, công khai, chưa tạo được sự thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong các hoạt động kinh tế - xã hội, chưa khuyến khích được sự tham gia của toàn xã hội vào các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó làm hạn chế đà tăng trưởng kinh tế.

Do vậy, cải cách và hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế, gắn với cải cách thực chất thủ tục hành chính nên được Chính phủ ưu tiên như đột phá đầu tiên và quan trọng nhất, cởi trói mọi bó buộc của các quy định không phù hợp trong thời gian và không còn phù hợp trong bối cảnh mới của kinh tế Việt Nam và thế giới; tạo môi trường đầu tư - kinh doanh hấp dẫn, lành mạnh, công bằng. Nghiên cứu của Yildirim và Gokalp (2016) đối với 38 quốc gia đang phát triển đã chỉ ra mối quan hệ thuận chiều giữa chất lượng thể chế kinh tế và phát triển kinh tế, trong khi theo đánh giá của WEF (2019), Việt Nam đạt 49,8/100 điểm và xếp thứ 89/141 quốc gia về thể chế, thấp hơn so với mức bình quân chung của Việt Nam (thứ 67/141) và thấp hơn nhiều so với mức 62/100 điểm của khu vực Đông Á - TBD.

(ii) Phát triển nguồn nhân lực (đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao) có tri thức hiện đại, có kỹ năng đáp ứng xu thế phát triển mới của kinh tế thế giới và của Việt Nam, giàu động lực sáng tạo, mạnh dạn chấp nhận rủi ro

Nền kinh tế phá triển nhanh, đứng vững trước xu thế dịch chuyển đầu tư quốc tế và tái định hình chuỗi giá trị toàn cầu, quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thành công trong xu thế của cuộc CMCN 4.0 phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ quản lý năng động, có trình độ, kỹ năng, có khả năng vận dụng và đổi mới sáng tạo, làm chủ tri thức và kỹ thuật để phát minh, phát triển và ứng dụng ý tưởng mới.

Tuy nhiên, thực tế giai đoạn 2011-2020 cho thấy nguồn nhân lực của Việt Nam còn rất hạn chế và cần được ưu tiên cải thiện sớm mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển cho giai đoạn mới, hướng tới nền kinh tế phát triển tốc độ cao, có công nghiệp hiện đại. Theo đánh giá của WB, đến hết năm 2019, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam xếp 11/12 quốc gia được khảo sát tại châu Á (chỉ đạt 3,79/10 điểm), kém cạnh tranh hơn so với nhóm các nước là điểm đến trong xu hướng dịch chuyển đầu tư như Thái Lan (4,94 điểm), Ấn Độ (5,76), Malaysia (5,9).

Tương tự, theo đánh giá của WEF (2019), Việt Nam chỉ đạt 57/100 điểm và xếp thứ 93/141 quốc gia về lao động có kỹ năng, thấp hơn so với mức bình quân chung của Việt Nam (thứ 67/141) và thấp hơn nhiều so với mức 65/100 điểm của khu vực Đông Á - TBD. Bên cạnh đó, cũng trong giai đoạn này, do hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng tiếp thu, chuyển giao công nghệ và đón đầu xu thế phát triển mới của Việt Nam cũng bị hạn chế, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

(iii) Phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, có tầm nhìn và chất lượng

Thực tiễn phát triển của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 đã bộc lộ một số hạn chế trong phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) như sử dụng dây chuyền và công nghệ sản xuất lạc hậu, đầu tư cho phát triển KH-CN thấp, đổi mới sáng tạo còn ít đóng góp vào nâng cao năng suất lao động và chưa tạo sức lan tỏa tới toàn ngành, lĩnh vực.

Đặc biệt, đầu tư cho phát triển CSHT còn nhiều tồn tại lớn, tạo nên gánh nặng cho NSNN và không phát huy được hết nguồn lực trong các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án, công trình CSHT (vẫn chủ yếu dựa vào đầu tư công, nhưng lại có hiệu quả giải ngân hạn chế, chất lượng thể chế quản lý đầu tư công thấp ở nhiều khâu như lập, thậm định, lựa chọn và sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án CSHT…).

Cơ cấu đầu tư cho việc lựa chọn, xác định địa bàn, ngành, nghề, lĩnh vực ưu tiên phát triển dàn trải làm ảnh hưởng đến hiệu quả phân bổ nguồn lực và ảnh hưởng đến sự phát triển đồng bộ, chiến lược của nền tảng CSHT cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và địa phương.

Theo đánh giá của WEF (2019), Việt Nam chỉ đạt 66/100 điểm và xếp thứ 77/141 quốc gia về cơ sở hạ tầng, tương đương mức bình quân chung của Việt Nam (thứ 67/141), nhưng thấp hơn nhiều so với mức 80/100 điểm của khu vực Đông Á - TBD. Trong khi đó, nghiên cứu của ADB (2015) đối với 10 nước Đông Á (có Việt Nam) cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển CSHT và tăng trưởng kinh tế; theo đó, phát triển CSHT đồng bộ, có chất lượng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Do vậy, trong 10 năm tới, để tạo nền tảng vững chắc CSHT đồng bộ, hiện đại, có tầm nhìn và chất lượng, có khả năng ứng dụng công nghệ cao, vận hành và quản lý dựa trên nền tảng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, cần thiết phải tập trung nguồn lực, cơ chế, chính sách cho phát triển cơ sở hạ tầng (cả cứng và mềm), gắn liền với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhanh, xu hướng kinh tế số, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, xu hướng hội nhập mới; đồng thời, đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả tiến trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa.

Theo đó, cần (i) ban hành chính sách, định hướng, quy hoạch đô thị hóa một cách đồng bộ và cụ thể, trong đó cần ưu tiên phát triển các động lực tăng trưởng (nhất là 5 đô thị loại 1 và các đô thị loại 2), (ii) thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, (iii) cải cách thể chế về quản lý NSNN theo hướng phân bổ hợp lý hơn, (iv) xây dựng đội ngũ quản lý đô thị chuyên nghiệp, (v) ưu tiên phát triển CSHT có tính kết nối, và (vi) tăng cường liên kết vùng. Để huy động nguồn lực, cần thực thi hiệu quả Luật PPP có hiệu lực từ 1/1/2021.

(iv) Đẩy mạnh ứng dụng KH-CN, gắn liền với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng tốt thời cơ đến từ xu hướng kinh tế số, xã hội số và các hình thái kinh tế mới

Kinh tế Việt Nam phát triển từ nước có thu nhập thấp lên nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2009, nhưng công nghệ, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất không được đầu tư cải tiến, không nhiều mô hình, hình thái kinh tế mới (có ứng dụng công nghệ cao) được áp dụng hiệu quả tại Việt Nam do thể chế, nhận thức, hạ tầng cơ sở kỹ thuật yếu, không đồng bộ, và phân bổ nguồn lực đầu tư chưa hợp lý. Trong khi đó, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R & D) vừa qua chưa được đa số tổ chức và doanh nghiệp chú trọng đầu tư; vẫn chủ yếu do khu vực Nhà nước đảm nhiệm.

NSNN dành cho phát triển KH-CN chiếm 2% GDP/năm nhưng mức thực chi chỉ khoảng 0,44% GDP mỗi năm (theo Bộ KH&CN, tháng 5/2019), thấp hơn đáng kể so với mức bình quân của thế giới (2,23%) và một số nước có KH-CN phát triển Hàn Quốc (4,22%), Nhật Bản (3,28%), khu vực châu Âu (2,04%), Đức (2,92%), Singapore (2,2%), Trung Quốc (2,06%). Theo đánh giá của Bộ KH&CN, mục tiêu tổng đầu tư cho khoa học và công nghệ ở mức 1,5% GDP năm 2015 và 2% GDP năm 2020 đề ra tại Chiến lược phát triển khoa học công nghệ 2011-2020 đã không đạt được.

Hơn nữa, hoạt động đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển trong DN vẫn còn hạn chế. Đầu tư cho nghiên cứu, khoa học chủ yếu từ khu vực nhà nước, bình quân giai đoạn 2006-2017 chiếm 67,8%, trong khi đó đầu tư từ doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 30,7% và khu vực FDI chỉ khoảng 1,5%. Theo WB (2018), chi tiêu cho hoạt động R&D của doanh nghiệp Việt chỉ tương đương 1,6% doanh thu, thấp hơn so với doanh nghiệp Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%) và Campuchia (1,9%).

Vì vậy, đổi mới, phát triển và ứng dụng KH-CN cần được trở thành đột phá chiến lược để Việt Nam có thể bắt kịp đà phát triển nhanh chóng của các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà cuộc CMCN 4.0 đang và sẽ mang lại, từ đó giúp tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động SX-KD, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế...

Theo đó, cần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị (2019) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư và Quyết định 749/QĐ-TTg (2020) của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

(v) Phát huy tinh thần văn hóa dân tộc

Cũng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm, việc phát triển con người theo hướng văn minh, nâng cao tính kỷ luật công nghiệp và phát huy được phẩm giá con người Việt Nam cũng cần được xem như một đột phá, một động lực quan trọng.

Trong bối cảnh kinh tế phát triển, giao lưu văn hóa lớn, để giữ vững thành quả kinh tế - xã hội đã đạt được trong những năm qua cũng như thực hiện thành công các mục tiêu phát triển trong thời gian tới; cần tiếp tục có thêm biện pháp, chính sách, cách làm mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ tầng lớp xã hội và của nền văn hóa, con người Việt Nam; kết hợp sức mạnh toàn dân tộc với sức mạnh thời đại.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số; phòng, chống dịch bệnh; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết, nguồn lực và cũng là giảm chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội, mới đảm bảo phát triển bền vững và bao trùm.

Kết luận

Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng ghi nhận, dù thế giới có nhiều biến động, biến đổi khí hậu và dịch bệnh khó lường. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập, tồn tại; cộng với bối cảnh, xu thế thế giới và trong nước có nhiều thay đổi trước cú sốc từ Đại dịch Covid-19, CMCN 4.0, cạnh tranh thương mại - công nghệ, rủi ro địa chính trị, bất ổn tài chính toàn cầu, biến đổi khí hậu khó lường hơn…v.v.

Với quy mô nền kinh tế còn nhỏ, hội nhập sâu rộng, khả năng chống chịu của nền kinh tế còn yếu, việc ứng phó với các biến động trong giai đoạn tới của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn hơn bởi nội lực chưa mạnh, sức bền chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý và các yếu tố về năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh còn ở mức thấp.

Đứng trước xu hướng phát triển mới của quốc tế và sự vận động của nền kinh tế trong nước, Đảng và Nhà nước đã cơ bản xác định tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm, phấn đấu trở thành nước có thu nhập trung bình cao đến năm 2030.

Để thực hiện được mục tiêu này, rõ ràng không thể làm theo cách truyền thống lâu nay, mà cần có đột phá thực sự. Theo đó, cần tập trung thực hiện 5 đột phá chiến lược; đó là đẩy nhanh hoàn thiện thể chế (chú trọng yếu tố chất lượng), phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng chất lượng, có tầm nhìn, phát triển mạnh mẽ ứng dụng KH-CN và phát huy tinh thần văn hóa dân tộc. Với tinh thần quyết tâm thực hiện những đột phá này, cùng với những điều kiện nền tảng, có cập nhật, điều chỉnh, ứng biến linh hoạt, phù hợp; chắc rằng Việt Nam ta sẽ đạt được những mục tiêu lớn nêu trên.

TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/phat-trien-kt-xh-giai-doan-2021-2030-can-nhung-dot-pha-manh-me-20180504224245141.htm