Phát triển lâm nghiệp bền vững: Khi nghị quyết được hiện thực hóa

Với việc đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đề cập đến toàn diện các nội dung phát triển lâm nghiệp, Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững là nghị quyết mang tính đột phá, làm thay đổi cục diện toàn ngành lâm nghiệp của tỉnh. Để hiện thực hóa nghị quyết này, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 6/4/2020 về thực hiện một số nội dung đề án phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2020. Bên cạnh đó, hiện tỉnh đang tiếp tục xem xét ban hành chính sách đặc thù về lâm nghiệp.

Lực lượng kiểm lâm Quảng Yên khảo sát thực địa giữ rừng thông Yên Lập.

Lực lượng kiểm lâm Quảng Yên khảo sát thực địa giữ rừng thông Yên Lập.

Tác động toàn diện ngành lâm nghiệp tỉnh

Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp rất rõ ràng. Cụ thể, đến năm 2020 độ che phủ rừng 55%, tốc độ tăng trưởng của ngành lâm nghiệp tỉnh đạt 5,5-6%, sản lượng khai thác gỗ 350.000-400.000m3, khai thác nhựa thông 2.500-3.000 tấn, khai thác dược liệu 4.200 tấn, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 15.000ha, giảm cơ sở băm dăm gỗ từ 464 xuống 250 cơ sở, xây dựng 1 nhà máy chế biến lâm sản tổng hợp khép kín, công suất 400.000m3/năm.

Đến năm 2030, độ che phủ rừng 55%, tốc độ phát triển của ngành đạt 4-5%, sản lượng khai thác gỗ 600.000-700.000m3, khai thác nhựa thông 3.000-3.500 tấn, khai thác dược liệu 5.000 tấn, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 15.000ha; quy hoạch phát triển: 7.000ha hồi, 3.790ha quế, 1.700ha sở, 2.170ha ba kích, 2.135ha dược liệu; quy hoạch duy trì: 19.975ha thông, 24.000ha rừng gỗ lớn, 70.000ha rừng gỗ nhỏ và nguyên liệu; chuyển hóa 6.000ha rừng từ gỗ keo nhỏ thành rừng gỗ lớn; giảm số lượng cơ sở băm dăm gỗ xuống dưới 170 đơn vị.

Một cánh rừng keo trồng theo phương thức rừng trồng gỗ lớn của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cẩm Phả.

Cùng với Nghị quyết 19, Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 6/4/2020 về thực hiện một số nội dung đề án phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2020, tỉnh dành 55 tỷ đồng để chi cho 15 nội dung phát triển lâm nghiệp, trong đó có những nội dung quan trọng như phương án quản lý rừng bền vững dành cho rừng đặc dụng và phòng hộ; dự án cắm mốc ranh giới rừng; xây dựng khung giá rừng; lập dự án phát triển sinh thái rừng Đồng Sơn - Kỳ Thượng; lập dự án xử lý thực bì rừng thông sau giai đoạn đầu tư...

Hiện nay đơn vị chuyên môn cũng đã hoàn thiện dự thảo chính sách đặc thù, để trình tỉnh xem xét ban hành. Với chính sách này, nhiều hạng mục phát triển lâm nghiệp cần thiết hiện nay được đề cập sâu, đáp ứng sự phát triển hiện tại và tương lai.

Thay đổi tư duy trồng - chặt, chặt - trồng

Ông Mạc Văn Xuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, khẳng định: Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững cùng với các kế hoạch thực hiện, chính sách đặc thù đi kèm với nó sẽ tác động toàn diện đến sự phát triển của ngành lâm nghiệp trong thời gian tới.

Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cẩm Phả khảo sát kỹ diện trồng rừng.

Theo phân tích của ông Xuyên, trước tiên phát triển lâm nghiệp đã được nhìn nhận toàn diện, theo chuỗi, có liên kết, từ trồng rừng tới khai thác, chế biến lâm sản. Có thể thấy trong thời gian dài, hiệu quả kinh tế của rừng mang lại chỉ đơn giản là chu trình trồng - chặt, chặt - trồng liên tục. Người dân trồng keo để bán nguyên liệu băm dăm gỗ, cứ sau 5-6 năm được thu 1 lần, tổng trị giá khoảng 60-90 triệu đồng/ha/chu kỳ, tính giá trị trên mỗi ha rừng mỗi năm đạt chưa tới 20 triệu đồng, thấp hơn cả chục lần so với trồng rừng gỗ lớn.

Với giải pháp của Nghị quyết 19, trồng rừng gỗ nhỏ dần được thu hẹp diện tích, nhường chỗ cho trồng rừng gỗ lớn và các loại cây bản địa, cây dược liệu giá trị cao. Việc khai thác cũng không theo phương thức “cắt lúa non”, để rồi thành phẩm chỉ là dăm gỗ, loại hình chế biến thô sơ nhất, thay vào đó là chỉ khai thác sau chu kỳ trồng thấp nhất 12 năm, thành phẩm là gỗ thịt nguyên cây, nguyên khối, đáp ứng nhu cầu chế biến tinh, giá trị cao.

Riêng đối với ngành công nghiệp chế biến lâm sản, theo Nghị quyết 19, trong năm 2020 này toàn tỉnh giảm tới 214 cơ sở băm dăm gỗ, trong 5 năm tiếp theo giảm tiếp 80 cơ sở. Đồng thời ngay trong năm 2020 này, tỉnh sẽ khởi động để có thể đặt được một nhà máy chế biến lâm sản hiện đại, khép kín, công suất 400.000m3/năm tại huyện Tiên Yên.

Lực lượng kiểm lâm BQL rừng phòng hộ Yên Lập tuần tra, kiểm soát rừng.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, địa phương có diện tích rừng trồng và rừng gỗ lớn lớn nhất tỉnh cho rằng, việc thống nhất lộ trình giảm sâu các cơ sở chế biến thô, Ba Chẽ không chỉ thúc đẩy mục tiêu lớn của tỉnh là tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn mà còn giúp Quảng Ninh trở thành vùng thu hút gỗ nguyên liệu chất lượng cao từ các tỉnh thành lân cận.

Theo Nghị quyết 19, giá trị của rừng đã được nhìn nhận đa diện, nhiều khía cạnh, ngoài giá trị về tiền mang lại như trước đây, mà còn là cả giá trị về môi trường, về cảnh quan, tài nguyên… Việc tỉnh đã chính thức đồng ý cho thành lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Hạ Long gần đây, đồng thời đang xem xét lộ trình công bố thành lập khu bảo tồn sinh cảnh loài rừng Quảng Nam Châu là động thái gần nhất trong việc khẳng định giá trị cảnh quan của rừng.

Bên cạnh đó, việc phát huy giá trị từ rừng Yên Tử, rừng Cô Tô để phục vụ du dịch, mới đây nhất là ý tưởng du lịch sinh thái rừng Đồng Sơn - Kỳ Thượng cho thấy giá trị tài nguyên của rừng. Việc tỉnh đẩy mạnh lộ trình cập nhật các đơn vị sản xuất nhiệt điện, xi măng trong công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng, nâng tổng số tiền thu được lên tới trên 120 tỷ đồng mỗi năm, gấp gần 30 lần tổng thu hiện nay cũng phần nào cho thấy giá trị về môi sinh, môi trường của rừng được nhìn nhận đúng mức…

Rừng thông đang mang lại nguồn thu cao cho người làm rừng.

Việt Hoa

Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT: “Lâm nghiệp Quảng Ninh sẽ tạo được dấu ấn mới từ Nghị quyết 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”

Trong nhiều năm qua, rừng Quảng Ninh đã có những bước tiến lớn. Từ chỗ Quảng Ninh phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng độ che phủ từ thấp kỷ lục lên tốp những địa phương có độ che phủ rừng cao nhất toàn quốc. Những cánh rừng trồng Quảng Ninh cũng đã làm rất tốt vai trò giúp dân xóa đói, giảm nghèo… Như vậy có thế nói rừng đã làm tốt sứ mệnh lịch sử của mình. Đến hôm nay, trong bối cảnh Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ mọi hoạt động kinh tế - xã hội, những giá trị của rừng được nhìn nhận và đánh giá đúng, nhiều giá trị đã và đang được phát huy, kết nối chặt chẽ với các nền tảng kinh tế khác. Chính bởi vậy đã đến lúc lâm nghiệp Quảng Ninh cần một nghị quyết toàn diện, đủ mạnh để tạo sức bật mới, phù hợp với tiềm năng thế mạnh và đáp ứng xu thế phát triển của thời đại. Và Nghị quyết số 19-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 chính là một nghị quyết như thế, từ nghị quyết, chắc chắn rừng Quảng Ninh sẽ nhanh chóng đổi thay, tiếp tục tạo được những dấu ấn mới.

Ông Đặng Đình Sách, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí: “Cần sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về lâm nghiệp”

Đối với Uông Bí, diện tích rừng trồng không lớn, diện tích đất rừng còn đang để trống hầu như không còn, tuy nhiên tiềm năng phát triển kinh tế rừng của Uông Bí rất lớn. Một trong những giải pháp nâng cao giá trị rừng của TP Uông Bí là quy hoạch vùng trồng cây thông tập trung, tăng cường mở rộng diện tích trồng cây thông. Tính trong khoảng 3 năm trở lại đây, Uông Bí đã trồng mới khoảng 350ha rừng, nâng tổng số diện tích rừng thông trên địa bàn là 4.500ha. Để làm được như vậy Uông Bí đã dành vốn ngân sách thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây thông, hỗ trợ cho người dân về công chăm sóc rừng thông những năm đầu tiên. Hiện nay, với Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh, có quy định những chính sách hỗ trợ rất thiết thực cho người dân, nên Uông Bí cũng như các địa phương khác rất mong tỉnh có những cơ chế đặc thù để sớm hiện thực hóa nghị quyết này.

Ông Hoàng Văn Huấn, Chủ tịch HĐND xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ: "Đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất lâm nghiệp, chú trọng phát triển cây trồng có giá trị kinh tế"

Đạp Thanh là một xã vùng cao của huyện Ba Chẽ có diện tích tự nhiên là 9.412,3ha. Trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 80%. Để phát huy thế mạnh về rừng, trước tiên là xã, huyện phải quy hoạch vùng sản xuất lâm nghiệp, chú trọng phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây: Thông, sa mộc, quế, cây gỗ lớn...; triển khai các đề án, dự án phát triển rừng bền vững theo phương châm có trách nhiệm quản lý nhà nước, doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật và tiêu thụ, người dân tham gia sản xuất, bảo vệ khai thác và cùng hưởng lợi. Thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm lâm nghiệp như: Gỗ, viên nén đốt, đồ gia dụng, nguyên liệu giấy... nhằm thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp. Bên cạnh đó, quy hoạch vùng trồng rừng gắn với phát triển các cây trồng dưới tán rừng (dược liệu, lúa nương, gừng...) nhằm tận dụng tối đa giá trị sản xuất, sản phẩm từ rừng, tăng cường quản lý đối với các thành phần kinh tế trong đầu tư phát triển kinh tế rừng.

Việt Hoa - Ngọc Trâm

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202006/phat-trien-lam-nghiep-ben-vung-khi-nghi-quyet-duoc-hien-thuc-hoa-2488400/