Phát triển lâm sản ngoài gỗ có chứng chỉ

Việt Nam là một quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm, nguồn tài nguyên động, thực vật vô cùng phong phú đa dạng. Với tổng diện tích rừng của cả nước khoảng 14,7 triệu hecta, gồm 10,3 triệu hecta rừng tự nhiên và hơn 4,4 triệu hecta rừng trồng, trong đó có lâm sản ngoài gỗ - một bộ phận quan trọng, mang lại giá trị cao cả về môi trường và kinh tế, xã hội…

Tre nguồn nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ quan trọng phục vụ công nghiệp chế biến lâm sản.

Theo Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao, khối lượng nhẹ, vận chuyển dễ dàng hơn so với gỗ, khả năng phục hồi nhanh, cho thu hoạch sớm hơn gỗ, giá trị, năng suất kinh tế cao và ổn định, có khả năng kinh doanh liên tục, phù hợp với quy mô hộ gia đình và dễ được người dân chấp nhận trong sản xuất lâm nghiệp. Việc sản xuất lâm sản ngoài gỗ hợp lý vừa nâng cao giá trị của hệ sinh thái rừng, vừa mang lại lợi ích kinh tế cho hơn 25 triệu người người dân đang sinh sống tại khu vực miền núi, trong đó có tới 15 triệu người đang sinh sống ở miền núi phía bắc mà hầu như không tổn hại đến rừng và môi trường sinh thái.

Lâm sản ngoài gỗ không chỉ chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế địa phương, đời sống xã hội của nhân dân các dân tộc sống ở miền núi mà còn là nguồn cung cấp đầu vào, là nguồn thu nhập chính, thực sự gắn liền với đời sống hằng ngày của họ và góp phần phát triển kinh tế địa phương, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và môi trường ở miền núi nước ta. Vì vậy, lâm sản ngoài gỗ được coi là nguồn tài nguyên hết sức quý giá của đất nước, không những cho sự phát triển trong quá khứ, hiện tại mà còn cho tương lai.

Mặc dù vậy, cho đến nay, do nhiều nguyên nhân nên khai thác, chế biến lâm sản ngoài gỗ chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.

Theo thống kê của các nhà khoa học, ở nước ta trong số khoảng 12.000 loài thực vật bậc cao, khoảng 7.000 loài cây cho lâm sản ngoài gỗ có tới 216 loài tre nứa, 56 loài song mây, 5.000 loài cây dược liệu, 458 loài có tinh dầu, 473 loài chứa dầu nhựa, 113 loài cây cho chất thơm, 800 loài cho tanin, 93 loài chứa chất làm thuốc nhuộm, 800 loài lan, hơn 20 loài tuế,… và hàng trăm loài làm thực phẩm.

Thời gian qua, Chính phủ và các ngành đã quan tâm, chú ý phát triển nhiều loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, góp một phần không nhỏ đối với nền kinh tế nước nhà. Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam đã được xuất khẩu sang gần 90 nước và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đem lại nguồn thu khoảng 400-500 triệu USD/năm. Khai thác, chế biến lâm sản ngoài gỗ đã thu hút hàng trăm nghìn lao động, chủ yếu là ở nông thôn, miền núi, góp phần đáng kể vào xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương có rừng và đất rừng.

Sản xuất quế hữu cơ tại Yên Bái.

Tuy vậy, lâm sản ngoài gỗ hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, chưa đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngành lâm nghiệp đề nghị các địa phương có rừng cần tăng cường công tác quy hoạch phát triển lâm sản ngoài gỗ, nhất là lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng phù hợp với từng vùng, từng địa phương, trên cơ sở dự báo thị trường tránh cung vượt cầu, năng suất, chất lượng không bảo đảm.

Quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu gắn với mạng lưới các cơ sở chế biến có quy mô phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng kinh tế-sinh thái. Tập trung quy hoạch vùng lâm sản ngoài gỗ tập trung phù hợp cho từng loài, từng loại rừng. Tập trung phát triển lâm sản ngoài gỗ là rừng tự nhiên. Tăng tỷ trọng diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh kết hợp trồng bổ sung bằng cây lâm sản ngoài gỗ.

Dự kiến đến năm 2030, diện tích có khả năng trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tập trung đạt tối thiểu 200.000ha, cho ít nhất 20 loài. Từ đó hình thành các vùng nguyên liệu mang tính sản xuất hàng hóa gắn liền với các cơ sở chế biến trên cơ sở xác định cây chủ lực có lợi thế trên thị trường.

Về chính sách, sớm hoàn thiện và tổ chức thực thi có hiệu quả một số chính sách có liên quan đến phát triển lâm sản ngoài gỗ nhất là cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng như giao, khoán hoặc cho thuê đất, rừng để trồng dược liệu dưới tán; chính sách về quản lý giống cây lâm sản ngoài gỗ, chính sách về đầu tư, hỗ trợ vốn, chính sách về lâm sản ngoài gỗ, thuế...

Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển lâm sản ngoài gỗ, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững, chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thủ công truyền thống có sử dụng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, khuyến khích hình thành các vùng cây lâm sản ngoài gỗ tập trung gắn với cơ sở chế biến. Đầu tư khoa học, công nghệ, tài chính, nâng cao năng suất, chất lượng trong canh tác, xác định tập đoàn, cơ cấu cây trồng lâm sản ngoài gỗ, nhất là cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán chủ lực, có thế mạnh, phù hợp điều kiện của từng vùng kinh tế-sinh thái theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và tính bền vững của rừng trồng, đáp ứng yêu cầu làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Tập trung phát triển sản xuất sản phẩm mới. Để thực hiện được yêu cầu này ngoài nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến công nghệ và thiết bị khai thác, sơ chế, chế biến và bảo quản các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, tạo sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế và khu vực, từ đó nâng cao giá trị và hiệu suất sử dụng sản phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Xây dựng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm lâm sản ngoài gỗ; xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo nâng cao năng lực về quy trình canh tác lâm sản ngoài gỗ theo tiêu chuẩn cho người sản xuất, quản lý chất lượng; xây dựng tổ chức chứng nhận sản phẩm tại địa phương.

Phát triển thương mại, quảng bá thị trường, chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, tăng cường tiếp thị sản phẩm thông qua hội chợ, sản phẩm du lịch, website, hội thảo,.. từ đó tìm kiếm các thị trường mới. Xây dựng thương hiệu để thâm nhập thị trường quốc tế. Xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu theo hướng liên kết chuỗi thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã.

Tiến sĩ Vũ Thị Quế Anh, đại diện FSC tại Việt Nam cho biết, tiêu chuẩn quản lý rừng FSC đối với lâm sản ngoài gỗ cho Việt Nam đã được công bố. Các tổ chức hiện có thể được cấp chứng nhận FSC cho lâm sản ngoài gỗ như cao su, mây, tre, hỗ trợ thúc đẩy lâm nghiệp có trách nhiệm trên toàn thế giới bằng cách bảo đảm trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và bền vững kinh tế. Tiêu chuẩn có hiệu lực từ ngày 15/10/2023.

Tiêu chuẩn quản lý rừng FSC đối với lâm sản ngoài gỗ cho Việt Nam đã được công bố. Các tổ chức hiện có thể được cấp chứng nhận FSC cho lâm sản ngoài gỗ như cao su, mây, tre, hỗ trợ thúc đẩy lâm nghiệp có trách nhiệm trên toàn thế giới bằng cách bảo đảm trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và bền vững kinh tế. Tiêu chuẩn có hiệu lực từ ngày 15/10/2023.

Tiến sĩ Vũ Thị Quế Anh, đại diện FSC tại Việt Nam

FSC (Forest Stewardship Council) là một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1993 với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới. Chứng nhận FSC là một chứng nhận bảo vệ rừng được phát hành bởi FSC. Chứng nhận này được dùng cho các nhà quản lý rừng và những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững thông qua việc quản lý khai thác, chế biến và sử dụng các sản phẩm từ rừng. Sở hữu chứng nhận FSC tương đương với việc doanh nghiệp đã chứng minh được cho khách hàng và đối tác rằng họ tuân thủ các tiêu chuẩn FSC trên toàn bộ hệ thống quản lý.

Nông dân thu hoạch thảo quả.

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), tại Việt Nam, lâm sản ngoài gỗ bao gồm tre, mây, măng, cây ăn được, cây ăn quả, cây dược liệu đang mang lại tiềm năng rất lớn cho các tổ chức, cộng đồng nhằm tạo thêm nguồn thu từ tài nguyên rừng, nhất là đối với rừng tự nhiên khi mà việc cấm khai thác gỗ đã được Chính phủ được đưa ra từ năm 2013.

Việc khai thác sử dụng bền vững lâm sản ngoài gỗ và tiếp cận các thị trường quốc tế có nhu cầu chứng chỉ FSC sẽ tác động tích cực đến sinh kế của người dân các vùng nông thôn. Tiêu chuẩn này sẽ giúp tháo gỡ các nút thắt và thúc đẩy nguồn cung cấp các lâm sản ngoài gỗ được chứng nhận FSC như tre, mây, dầu từ cộng đồng/rừng tự nhiên và mủ cao su từ các đồn điền cao su đang có nhu cầu ngày càng tăng ở Việt Nam, đây cũng là động lực thúc đẩy, thông qua đó sẽ hỗ trợ quản lý rừng bền vững và nâng cao giá trị của rừng.

Việc áp dụng tiêu chuẩn FSC cho lâm sản ngoài gỗ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chủ sở hữu chứng chỉ bao gồm tiếp cận thị trường tốt hơn và mở rộng, tăng cường hình ảnh và vị thế trên thị trường và sử dụng nhãn FSC thương mại cho mục đích quảng cáo, tiếp thị cho sản phẩm được quản lý có trách nhiệm. Qua đó, góp phần đưa giá trị lâm sản ngoài gỗ của các vùng sản xuất và chế biến lên một bước cao hơn, hòa nhập hơn với tập quán thương mại quốc tế, đóng góp xứng đáng vào kinh tế rừng phát triển ổn định, bền vững.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-lam-san-ngoai-go-co-chung-chi-post775750.html