Phát triển lực lượng lao động có kỹ năng nghề

Lực lượng lao động có kỹ năng nghề là nguồn lực quý giá, chìa khóa mở ra hướng phát triển cho nhiều quốc gia. Thế nhưng, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ ở nước ta mới đạt hơn 22% tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi nên chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, việc phát triển lực lượng lao động có kỹ năng nghề là vấn đề không thể chậm trễ.

Nhiều lao động có việc làm ngay sau khi được đào tạo nghề may (ảnh chụp giữa tháng 7-2020). Ảnh: Nguyễn Quang

Thành công nhờ vững kỹ năng nghề

Kể về quá trình khởi nghiệp, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phan Anh (phố Thanh Đàm, quận Hoàng Mai) Đỗ Trọng Hùng cho biết, cá nhân anh và Giám đốc Công ty Phan Trung Nghĩa vốn là những người thợ lành nghề phát triển trở thành chủ doanh nghiệp. Hoàn thành chương trình học nghề Điện tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội, anh Hùng tham gia vào thị trường lao động. Trong quá trình làm việc, những người thợ thế hệ 9X cùng chí hướng đã gặp nhau và lập ra Công ty TNHH Phan Anh vào năm 2016. Đưa doanh nghiệp hoạt động theo chuyên ngành được đào tạo của những người sáng lập, đến nay, Công ty TNHH Phan Anh trở thành đối tác tin cậy của không ít khách hàng.

Trường hợp khác thành công từ việc học nghề được nhiều người biết đến, đó là Thạc sĩ Đỗ Công Nguyên (sinh năm 1982), hiện là giảng viên Khoa Khách sạn - Du lịch (Trường Đại học Thương mại). Nhớ lại hành trình khởi nghiệp, anh Nguyên cho hay, xuất phát điểm của anh là làm phụ bếp, phụ hồ, chạy xe ôm… Năm 2002, anh Nguyên đăng ký học nghề nấu ăn trình độ sơ cấp tại Trường Trung cấp nghiệp vụ Du lịch Hà Nội.

Miệt mài học tập, rèn nghề, anh Nguyên giành giải Nhất tại Kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2004 với nghề nấu ăn. Từ đây, anh Nguyên vừa làm nghề tại những khách sạn lớn, vừa tiếp tục học tập nâng cao trình độ, rồi trở thành giảng viên Trường Đại học Thương mại - nơi anh học trước đó. Từ trải nghiệm của bản thân, anh Nguyên nhắn nhủ: “Con đường lập nghiệp có nhiều gian nan, thử thách, nhưng nếu vững vàng trình độ chuyên môn, tay nghề, những người trẻ có đủ khả năng vượt qua thách thức, từng bước đi đến thành công”.

Ngoài những trường hợp nêu trên, đại đa số người học nghề dễ dàng tìm kiếm cơ hội việc làm. "Trong những năm gần đây, 85% số người học nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp với mức thu nhập từ 5 đến 15 triệu đồng/người/tháng, thậm chí một số ngành, nghề không đủ cung ứng lực lượng lao động cho doanh nghiệp. Thực tế cũng ghi nhận nhiều tấm gương khởi nghiệp thành công sau quá trình học nghề", Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng thông tin.

Đào tạo nghề theo sát nhu cầu của doanh nghiệp

Các doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự đã được đào tạo, vững vàng kỹ năng nghề. Trong ảnh: Phỏng vấn ứng viên tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (ảnh chụp đầu tháng 7-2020). Ảnh: Quang Thái

Việc trang bị kỹ năng nghề sẽ giúp người lao động chủ động nắm bắt cơ hội việc làm hoặc tự tạo ra những việc làm phù hợp. Thế nhưng, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ ở nước ta hiện mới đạt hơn 22% lực lượng lao động trong độ tuổi, tương ứng với hơn 12 triệu người. Số lao động qua đào tạo này chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao của doanh nghiệp, càng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Để khắc phục tình trạng trên, Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos Group Việt Nam (đơn vị chuyên tư vấn tuyển dụng nhân sự trung cấp và cao cấp) Ngô Thị Ngọc Lan cho rằng, ngoài các chính sách, giải pháp đã triển khai, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần thiết kế chương trình đào tạo linh hoạt, hấp dẫn người học nghề.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo, hiện nay một bộ phận không nhỏ người dân bước vào độ tuổi lao động coi việc học nghề là phương án phụ trên chặng đường học tập để lập thân, lập nghiệp. Vì thế, các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về vị trí, vai trò của lực lượng lao động có kỹ năng nghề trong xã hội.

Dưới góc độ đào tạo nghề, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường mong muốn, Nhà nước tăng cường đầu tư cho các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà trường tuyển sinh, đào tạo nghề theo sát nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều lao động có kỹ năng nghề của doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết, Bộ vừa lựa chọn 10 cá nhân tiêu biểu, thành công từ học nghề làm “Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam”. Thông qua nhiều chương trình, hoạt động, các đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam sẽ tạo nguồn cảm hứng cho giới trẻ tích cực học tập, rèn nghề. Ngoài ra, Bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiết kế chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với xu hướng hội nhập, phát triển. Việc đầu tư cho các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm tiếp tục được quan tâm, từng bước nhân rộng.

Với nhiều giải pháp đang triển khai, hy vọng trong tương lai gần, thị trường lao động Việt Nam sẽ được bổ sung nhiều lao động có kỹ năng nghề.

Minh Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/975590/phat-trien-luc-luong-lao-dong-co-ky-nang-nghe