Phát triển mắc ca thành cây đa mục tiêu

Cây mắc ca có khả năng chịu hạn, sương muối và trồng được trên đất bạc màu, ít sâu bệnh; vừa làm tán che cho cây chè, cà phê, cây nông nghiệp ngắn ngày, vừa cho thu quả. Với hướng phát triển thành cây lâm nghiệp đa mục tiêu, huyện Mai Sơn đã xây dựng kế hoạch trồng xen và trồng thuần hơn 200 ha mắc ca tại 11 xã trên địa bàn huyện; vận động các chủ rừng, hộ gia đình, HTX liên kết với doanh nghiệp để trồng cây mắc ca, vừa phát triển trồng rừng, vừa tạo sinh kế cho bà con nông dân.

Mô hình trồng na xen cây mắc ca của nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Mai Sơn đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn rà soát, đánh giá thực trạng việc phát triển cây mắc ca, xác định đăng ký nhu cầu của các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện về quỹ đất, nguồn lực để phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện. Phối hợp với Hiệp hội mắc ca Việt Nam và các doanh nghiệp tiến hành khảo sát, đánh giá điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng làm cơ sở cho việc xác định vùng trồng phù hợp; khâu nối giữa doanh nghiệp và HTX, cá nhân trên địa bàn từng bước hình thành chuỗi giá trị khép kín, từ chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác, cung cấp giống đến bao tiêu sản phẩm trong phát triển cây mắc ca trên địa bàn. Tổ chức các cuộc họp bàn giải pháp, lồng ghép tuyên truyền, vận động bà con triển khai kế hoạch trồng rừng mắc ca ngay trong năm 2022. Đồng thời, chỉ đạo một số xã có diện tích vi phạm lâm luật phải triển khai khắc phục bằng việc trồng xen cây mắc ca ngay trong vụ trồng rừng năm nay.

Ông Nghiêm Quang Trung, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, cho biết: Phòng đã phối hợp với Kiểm lâm huyện và các xã triển khai rà soát, đánh giá đất sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp có thể phát triển mắc ca. Toàn huyện có 35 lô, hơn 570 ha đất sản xuất lâm nghiệp tại xã Chiềng Nơi, Phiêng Cằm đủ điều kiện từ 5 ha đảm bảo điều kiện liên kết phát triển cây mắc ca; vận động các hộ trồng cà phê và trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả để trồng xen cây mắc ca, tạo bóng, chống sương muối, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ. Bên cạnh đó, triển khai tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca cho các hộ dân đăng ký trồng.

Ông Nguyễn Bá Tính, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, cho biết: Mục tiêu năm 2022 sẽ triển khai trồng khoảng 20 ha mắc ca. Đến nay, xã đã phối hợp với kiểm lâm địa bàn rà soát, đánh giá hiện trạng đất lâm nghiệp, ghép vận động các hộ dân có đất sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp đăng ký tham gia trồng mắc ca. Hiện, đã có 25 hộ bản Mòn và bản Cò Nòi đăng ký tham gia trồng 20 ha rừng bằng cây mắc ca.

Ông Cầm Văn Nhất, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh, cho biết: Khắc phục 17,5 đất vi phạm lâm luật từ năm 2018, ngay trong mùa trồng rừng năm nay, xã đã vận động các hộ dân vi phạm nộp tiền phạt để mua cây giống; thực hiện đào hố trồng mắc ca theo hướng dẫn của kiểm lâm và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện. Ngoài ra, vận động các hộ dân khác thực hiện trồng xen vườn cà phê khoảng 5,5 ha.

Vườn cây mắc ca giống của Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.

Gắn kết lợi ích giữa doanh nghiệp cung ứng cây giống, tiêu thụ sản phẩm với lợi ích của các chủ rừng, nông dân, HTX trên địa bàn huyện, xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất bền vững. Huyện đã tổ chức các cuộc họp bàn giải pháp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có Công ty TNHH MTV Đạt Thủy có cơ sở chế biến mắc ca, sản lượng khoảng 100 tấn quả tươi, các sản phẩm gồm: Hạt mắc ca tách vỏ, quả mắc ca sấy, rượu mắc ca… Công ty cổ phần Liên việt Sơn La chuyên cung cấp cây giống, đảm bảo chất lượng.

Ông Dương Văn Việt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La, cho biết: Công ty đã phối hợp với 18 đơn vị chuyên sản xuất cây giống của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phân phối, cung cấp cây giống cho các chủ rừng và nông dân. Thông qua hợp đồng kinh tế, Công ty và đơn vị sản xuất cây giống cam kết về chất lượng giống cây trồng và cam kết bao tiêu sản phẩm. Quá trình trồng và chăm sóc, Công ty cử cán bộ xuống các xã tập huấn, hướng dẫn nhân dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cây mắc ca, hướng dẫn phân loại sản phẩm mắc ca xuất khẩu…

Huyện Mai Sơn phấn đấu đến năm 2025 trồng khoảng 1.000 ha cây mắc ca, diện tích này sẽ tăng lên lên 1.700 ha vào năm 2030. Huyện tiếp tục tập trung các giải pháp rà soát quỹ đất, vận động nhân dân trồng xen cây mắc ca vào vùng chè và cà phê và trồng rừng bằng cây mắc ca. Thu hút thành lập các HTX, tổ hợp tác trồng mắc ca; áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, chế biến; hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh cho sản phẩm mắc ca địa phương gắn với quảng bá thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-trien-mac-ca-thanh-cay-da-muc-tieu-49729