Phát triển năng lượng quốc gia: Thay chiếc áo mới

Nghị quyết 55-NQ/TW (NQ55) ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ví như 'chiếc áo mới' tạo bước đột phá về phát triển ngành năng lượng quốc gia.

Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban KTTW phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: H.T

Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban KTTW phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: H.T

Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về các chủ trương, chính sách lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương (KTTW) đã cùng Chính phủ đồng chủ trì Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020, vào ngày 22/7/2020.

Tại diễn đàn, Ban KTTW sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến trao đổi, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu, chắt lọc để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề trọng tâm cần xử lý sớm để góp phần nhanh chóng đưa NQ55 đi vào cuộc sống.

Điểm tựa cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, ngành năng lượng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước. Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm đầu tư cho phát triển năng lượng nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhất là trong thời kỳ Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, ngành năng lượng đang phải đối mặt với thách thức vì nguồn nguyên liệu như than, khí… ngày càng cạn kiệt. Điều này yêu cầu chúng ta phải nhập khẩu các nguồn nguyên liệu sơ cấp nên giảm khả năng tự chủ, tăng sự phụ thuộc vào nền kinh tế khác.

Trước thách thức này, Bộ Chính trị đã ban hành NQ55. Nghị quyết đề ra hệ thống quan điểm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành năng lượng Việt Nam hiệu quả, bền vững, góp phần nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế.

Trưởng Ban KTTW Nguyễn Văn Bình cho biết, sau khi được ban hành, với những quan điểm mới, mạnh mẽ và đột phá về phát triển năng lượng quốc gia, NQ 55 đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp (DN) cả trong nước và quốc tế; tạo sự hưởng ứng và đồng thuận mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: H.T

Theo đó, thư khuyến nghị về vấn đề chuyển đổi bền vững ngành năng lượng tại Việt Nam, do Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và Điều phối viên thường trú Liên Hiệp quốc tại Việt Nam thay mặt nhóm 16 vị đại sứ là các thành viên của Nhóm không chính thức các đại sứ về hợp tác phát triển (IAGDC) gửi đến Chính phủ Việt Nam đã đánh giá: “NQ 55 của Bộ Chính trị đã được ban hành hết sức kịp thời, tạo bước đột phá về phát triển ngành năng lượng quốc gia, giành ưu tiên cao hơn cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và năng lượng sạch”; “Nghị quyết này đã được cụ thể hóa bằng các chính sách đầy tham vọng nhằm thực hiện các mục tiêu trên, đồng thời bằng các biện pháp ngăn chặn các nhà đầu tư đi ngược lại mục tiêu này”.

Ở trong nước, NQ 55 đã làm nức lòng khối DN tư nhân khi quy định cho tất cả các thành phần kinh tế đều được tham gia vào phát triển năng lượng, không phân biệt thành phần kinh tế nào, miễn là có đủ năng lực.

Đồng thời, nghị quyết đã nêu rõ các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng nói riêng. Đây chính là điểm tựa vững chắc cho các DN tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng cùng đất nước.

Ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng giám đốc tập đoàn Trung - Nam, đã đánh giá cao NQ55 khi đã cho các DN tư nhân một chiếc đòn bẩy giúp DN tham gia vào thị trường phát triển năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Tâm, đòn bẩy thì có rồi, bây giờ cần có “điểm bẩy” là ở các cơ chế, chính sách cần rõ ràng. Do đó, ông rất mong muốn các bộ, ngành liên quan giúp Chính phủ nhanh chóng đưa ra hành lang pháp lý thông thoáng kịp thời.

Nhanh chóng đưa NQ55 đi vào cuộc sống

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, những nét mới, những điểm đột phá của nghị quyết như: phát triển đa dạng các nguồn năng lượng một cách phù hợp; tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện khí...; tiếp tục rà soát, có cơ chế chính sách mới, mang tính đột phá, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng cần được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, nghị quyết cụ thể của Chính phủ. Vì vậy, để NQ55 nhanh chóng đi vào cuộc sống thì việc hoàn thiện, xây dựng cơ chế chính sách cần phải được đẩy mạnh.

Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020. Ảnh: H.T

Theo đó, Chính phủ sẽ sớm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích và thúc đẩy phát triển không chỉ các nguồn cung năng lượng mà ngay cả khu vực tiêu thụ năng lượng theo hướng bền vững, hiệu quả, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia trong lĩnh vực này trong bối cảnh ngành năng lượng đang phát triển hết sức năng động. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, có tính chất quan trọng và cấp bách đã được đề ra trong Chương trình hành động của Chính phủ để tạo điều kiện cho ngành năng lượng phát triển ổn định, bền vững.

Cơ sở hạ tầng năng lượng chính là mạch máu đảm bảo sự lưu thông, vận hành trơn tru của toàn ngành năng lượng. Vì vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng bằng cách hoàn thiện cơ chế, xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng truyền thông số; hệ thống giám sát, quản lý năng lượng tự động, báo cáo thống kê năng lượng quốc gia phục vụ công tác quản lý, điều hành hiệu quả ngành năng lượng.

Đối với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, các địa phương cần cùng với Chính phủ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng NQ55 đối với ngành năng lượng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương, đất nước.

Đặc biệt, các địa phương cần tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án năng lượng, đặc biệt là các dự án lưới điện; xử lý các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, có phương án hỗ trợ thi công trong trường hợp cần thiết. Đây chính là nút thắt cần tháo gỡ trong việc phát triển năng lượng tại Việt Nam./.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-07-22/phat-trien-nang-luong-quoc-gia-thay-chiec-ao-moi-89838.aspx