Phát triển năng lượng tái tạo: Còn nhiều trở ngại

Năng lượng tái tạo của Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, giải pháp nào để khơi thông nguồn tài nguyên này là vấn đề đang được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Ông Đỗ Minh Kính - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận - cho biết, tỉnh hiện có 95 dự án điện mặt trời, tổng công suất đầu tư khoảng 6.047 MWp, vốn đầu tư khoảng 143.432 tỷ đồng. Nhưng quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc chưa được khai thông. Cụ thể, giá mua điện gió thấp (8,5 UScents/kWh), các nhà đầu tư chưa đáp ứng về năng lực quản lý, năng lực tài chính; việc đền bù giải tỏa gặp nhiều khó khăn; tình hình hạ tầng lưới điện đấu nối, truyền tải hiện nay không đủ khả năng giải phóng công suất phát điện… Để tháo gỡ vướng mắc, Bình Thuận đang đề nghị Chính phủ cho phép các dự án điện mặt trời được hưởng chính sách giá điện theo quy định tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg đến hết năm 2020.

Cùng là địa phương có nhiều dự án điện mặt trời, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trương Văn Thôi - chia sẻ, việc đầu tư năng lượng tái tạo cần một quỹ đất lớn vì vậy khó khăn trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Luật Quy hoạch đã có hiệu lực nhưng vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực, do đó nhiều doanh nghiệp chưa thể triển khai dự án.

Tương tự, Tây Ninh có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo và tiềm năng vẫn còn ngủ yên. Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh - cho rằng, một số chính sách về phát triển điện năng lượng tái tạo được triển khai nhưng chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, thống nhất việc lập quy hoạch phát triển điện năng lượng tái tạo cấp tỉnh một cách đồng bộ và kịp thời. Các cơ chế, chính sách ưu đãi cho phát triển điện năng lượng tái tạo (về thủ tục, giá đầu vào, đất đai…) chưa đầy đủ, thiếu ổn định, sức hấp dẫn chưa cao.

Ông Đạo Văn Rớt - Phó giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận - băn khoăn, tỉnh này đang trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước với hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời đang được xây dựng. Tuy nhiên, nhiều dự án vận hành cùng lúc sẽ làm quá tải hệ thống truyền dẫn, có thể gây mất ổn định hệ thống điện, gây sụt áp, rã lưới... Do vậy, tại thời điểm này, hầu hết các dự án đều không thể phát hết công suất mà phải tuân thủ theo sự điều độ của EVN.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-nang-luong-tai-tao-con-nhieu-tro-ngai-121811.html