Phát triển nền kinh tế chia sẻ cần đổi mới tư quy quản lý

Tại buổi tọa đàm 'Kinh tế chia sẻ: Mô hình xe công nghệ và những vướng mắc cần tháo gỡ' do Báo Đại biểu Nhân dân vừa tổ chức, các chuyên gia cho rằng sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ là xu thế tất yếu và không thể ngăn cản.

Tuy nhiên, để thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ phát triển thì cơ quan nhà nước nên bỏ tư duy cấm cản bằng việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng hơn.

Theo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Trưởng phòng luật kinh tế thuộc Viện Nhà nước và Pháp luật, sự phát triển của kinh tế chia sẻ là tất yếu khi sử dụng được nguồn lực nhàn rỗi. Người sử dụng nền tảng có thể tập hợp nhu cầu của người có nhu cầu chia sẻ tài sản của mình để đưa đến cho người có nhu cầu sử dụng.

Với những người có tài sản nhàn rỗi thì có thể thu lợi từ tài sản nhàn rỗi của mình. Điều này tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội và là nhu cầu khách quan, không thể đào thải.

Các đại biểu chia sẻ về những thách thức trong phát triển kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

Các đại biểu chia sẻ về những thách thức trong phát triển kinh tế chia sẻ tại Việt Nam

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Thanh Tùng - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng cho rằng kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới, khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng đầu cuối, kết hợp với nền tảng công nghệ. Ông Tùng nhận định loại hình kinh tế chia sẻ không chỉ phát triển trong lĩnh vực vận tải mà còn cả trong lĩnh vực thuê bất động sản, kết nối đặt khách sạn…

“Thời gian tới đây sẽ còn nhiều các loại dịch vụ khác như dùng ứng dụng công nghệ thịnh hành trên thiết bị di động đặc biệt là smartphone để đặt thức ăn và các dịch vụ y tế và đào tạo nữa. Chúng ta cần phải nhìn đây là một yếu tố thiết yếu trong quá trình phát triển của thế giới và đương nhiên nó càng ngày càng mở rộng. Chúng ta sẽ không thể ngăn cản nó được”, ông Tùng nói.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm cũng cho rằng trong nền kinh tế chia sẻ với cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không có các doanh nghiệp nền tảng như Grab, Go-Viet… thì cũng sẽ có những doanh nghiệp khác nhảy vào hoạt động. Tuy nhiên, để thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ phát triển, các đại biểu cho rằng vấn đề cốt yếu phải đổi mới tư duy quản lý.

Sự phát triển của kinh tế chia sẻ là xu hướng tất yếu

Dẫn câu chuyện Bộ GTVT đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định 86 về kinh doanh vận tải muốn quản lý xe công nghệ như taxi truyền thống hiện đang có rất nhiều những ý kiến tranh cãi khác nhau, ông Nguyễn Như Phát – nguyên viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng những mô hình kinh doanh nền tảng như Grab là rất mới, không chỉ mới so với Việt Nam mà ngay cả thế giới cũng còn bỡ ngỡ. Vấn đề là phải phải tìm hiểu, học hỏi để quản lý.

Theo các chuyên gia, điều cốt yếu là phải định danh được những doanh nghiệp nền tảng như Grab hay Go-Viet… thì mới có thể quy định để quản lý được. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu cho rằng những doanh nghiệp như Grab không thể định danh là Công ty vận tải.

“Họ cung ứng một công nghệ để cho tài xế sử dụng công nghệ này để kết nối với hành khách, đón khách. Bản thân những doanh nghiệp như Grab không sở hữu xe cũng như sở hữu lao động. Lái xe Grab không phải nhân viên của Grab, vì vậy không thể xem họ là công ty vận tải, chỉ có thể xem là doanh nghiệp công nghệ, làm nhiệm vụ môi giới”- chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Luật sư Nguyễn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng Nghị định 86 cần được sửa đổi theo hướng rút bớt điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo đà cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải phát triển.

“Chúng ta đang xóa bỏ điều kiện kinh doanh, tiêu chí bất hợp lý để doanh nghiệp phát triển. Chúng ta nên xây dựng luật theo hướng làm thế nào để taxi truyền thống hoạt động tự do hơn, bớt rào cản nhưng cũng không thể cấm cản xe công nghệ. Phải xóa bớt những rào cản và áp lực cho doanh nghiệp taxi truyền thống để dễ dàng cất cánh theo kịp công nghệ. Đồng thời phải tạo hành lang pháp lý chuẩn mực hơn, thông thoáng hơn, phù hợp hơn để làm sao đi vào cuộc sống, giúp các doanh nghiệp thực hiện kết nối, phục vụ lợi ích của người dân, xã hội", Luật sư Nguyễn Chiến góp ý.

Các chuyên gia cho rằng trong thời cách mạng công nghệ 4.0, chính sách không nên đặt ra điều kiện để hạn chế sự phát triển của kinh tế chia sẻ. Cần thay đổi tư duy quản lý cấm cản, tẩy chay cái mới vì không biết, không quản lý được. Thay vào đó, cơ quan chức năng cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng hơn.

Thế Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/phat-trien-nen-kinh-te-chia-se-can-doi-moi-tu-quy-quan-ly_65497.html