Phát triển ngành tôm nước lợ Việt Nam - Bài cuối: Nắm bắt thời cơ trong niên vụ 2020

Trong những tháng đầu năm 2020, thị trường xuất khẩu của ngành tôm Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, từ đầu tháng 3/2020 khi dịch bệnh lan rộng gây hậu quả nghiệm trọng tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành tôm đã làm gây ra những khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Tuy đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dự báo thị trường xuất khẩu cũng mở ra nhiều hướng đi mới, tín hiệu tích cực cho cả người nuôi tôm lẫn doanh nghiệp xuất khẩu.

Nông dân huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thu hoạch tôm.

Đón bắt cơ hội

Tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn và đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ thủy sản nói chung và tôm nước lợ nói riêng. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng đã tác động mạnh đến ngành sản xuất tôm của các nước trên thế giới, đặc biệt các nước có nguồn cung tôm lớn như: Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan, Indonesia...

Theo dự báo của các chuyên gia, nguồn tôm cung ứng ra thị trường cũng sẽ bị sụt giảm mạnh trong thời gian tới, trong khi nhu cầu tiêu thụ tôm của thế giới liên tục tăng 5-7%/năm trong những năm gần đây.

Những ngày cuối tháng 5, tại Đồng bằng sông Cửu Long điều kiện thời tiết đã bắt đầu thuận lợi cho nuôi tôm nước lợ do đã xuất hiện mưa trong tuần, thời tiết dịu mát hơn, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm đã thu hẹp. Nhu cầu thu mua tôm trong nước để chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn đang duy trì, giá tôm nguyên liệu đang ở mức người nuôi có lãi.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tôm trên thế giới dự báo sẽ tăng mạnh trở lại khi một số nước đã cơ bản khống chế thành công dịch bệnh COVID-19 như Trung Quốc, Hàn Quốc…các nước khác như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản cũng đã có kế hoạch để khôi phục các hoạt động sản xuất khi dịch bệnh đã cơ bản kiểm soát.

Để chủ động khắc phục khó khăn, đón bắt cơ hội tiêu thụ sau dịch bệnh, ổn định sản xuất, chuẩn bị nguồn nguyên liệu tôm trong nước cho chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu trong quý II/2020 và các tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo các đơn vị chức năng tại địa phương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi và doanh nghiệp; kịp thời thông tin tới doanh nghiệp và người nuôi dự báo diễn biến nhu cầu của thi ̣trường tiêu thu ̣để có kế hoạch thả giống ngay cho phù hợp.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết tôm nước lợ năm 2020 được tổ chức tại Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành nuôi tôm phải chớp thời cơ để phấn đấu mục tiêu xuất khẩu giá trị con tôm cao hơn năm 2019 và đây là mục tiêu hoàn toàn có cơ sở. Bởi điều kiện thuận lợi cho mùa vụ đang đến, trước tiên phải tập trung khu vực nuôi bằng cách tận dụng những cơn mưa đã bắt đầu rải đều từ cuối tháng 4 đến tháng 5.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các địa phương cần tổ chức diện tích nuôi trồng theo đúng quy mô, kế hoạch là hơn 700.000 ha trên cả nước; trong đó có 2 khu vực: tôm-lúa, tôm-rừng. Tại các hộ gia đình, doanh nghiệp cần áp dụng đồng bộ các ứng dụng khoa học công nghệ mới nhất để tạo nên vùng nguyên liệu. Quan trong nữa là cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện các quy định trong sản xuất, kinh doanh tôm giống, sản xuất và kinh doanh thức ăn tôm…

Tín hiệu khả quan của thị trường xuất khẩu

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2019, xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ đạt 3,36 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2018. Mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng, nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường chính cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong năm 2020. Dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ đạt khoảng 3,5 tỷ USD trong năm nay.

Năm 2019, tôm của Việt Nam được xuất khẩu sang 102 thị trường; trong đó, một số thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam gồm: EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…chiếm trên 96% tổng giá trị xuất khẩu của tôm Việt Nam. Trong năm 2020, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản, Mỹ… vẫn duy trì được tín hiệu xuất khẩu tốt; xuất khẩu sang EU sẽ phục hồi mạnh mẽ trở lại.

Về tình hình thị trường và xuất khẩu tôm năm 2020, thế giới đang có những diễn biến mới theo hướng bảo hộ mậu dịch trong nước có thể có những tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 cũng làm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và hoạt động thương mại của cả người dân và doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dự báo thị trường xuất khẩu năm nay cũng mở ra nhiều hướng đi mới và tín hiệu tích cực cho nghề nuôi tôm. Đơn cử, Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu) có hiệu lực sẽ tạo kỳ vọng cho con tôm Việt Nam sang thị trường này nhiều hơn khi mức thuế giảm mạnh. Theo Hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu đối với hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến vào EU sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp tôm sú, tôm thẻ chân trắng đông lạnh của Việt Nam có lợi thế rõ rệt so với các nước khác như: Thái Lan không được hưởng GSP (chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập), không ký FTA (Hiệp định thương mại tự do) và bị mức thuế cơ bản 12%. Dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU sẽ tăng khả quan vì ngành tôm có thể tận dụng ưu đãi thuế quan từ FTA, có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Có khả năng 3 nước này sẽ không tập trung vào thị trường EU khi mà sản lượng của họ dự báo không tăng trong năm nay. Dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU sẽ tăng ở mức khả quan nhất là 15%, đạt 800 triệu USD trong năm 2020.

Thêm vào đó, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 19,5% xuất khẩu tôm của Việt Nam với kim ngạch năm 2019 ước đạt 646,6 triệu USD, tăng 1,4% so với năm 2018. Nhu cầu mua tôm của Mỹ từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn khi nước này có xu hướng giảm lượng mua từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh từ Trung Quốc. Với kịch bản tích cực nhất thì xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ dự báo sẽ tăng khoảng 7%, đạt mức 700 triệu USD trong năm 2020.

Cũng theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Cụ thể, xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản sẽ đạt mức khoảng mức 620 triệu USD, Trung Quốc khoảng 600 triệu USD, Hàn Quốc ở mức khoảng 350 triệu USD…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cùng với việc tích cực xuất khẩu vào các thị trường truyền thống và lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc thì ngành tôm cũng cần hướng đến các thị trường mới như Nga. Bên cạnh đó, ngành cần chú trọng thị trường nội địa với gần 100 triệu dân và 20 triệu khách du lịch. Khi khai thác tốt thị trường trong nước sức tiêu thụ nói chung không phải dừng lại ở mức 800.000 tấn tôm mà tiến tới hơn 1 triệu tấn mỗi năm, giá trị không phải dừng lại 3,5 tỷ USD mà phấn đấu cao hơn. Cùng với đó, ngành tôm cần tham gia nhiều phân khúc thị trường, nhiều đối tượng mới có sản lượng xuất khẩu lớn, thị trường sẽ càng thêm mở rộng.

Bài và ảnh: Chanh Đa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/phat-trien-nganh-tom-nuoc-lo-viet-nam-bai-cuoi-nam-bat-thoi-co-trong-nien-vu-2020-20200526092225946.htm