Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Nhà trường, doanh nghiệp, nhà nước cùng đồng hành

Sáng 30/3, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT phối hợp tổ chức Tọa đàm 'Phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT (ICT) trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp'.

Tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT (ICT) trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp”.

Tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực CNTT-TT (ICT) trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp”.

Dự tọa đàm có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng; cùng hàng trăm đại biểu đến từ các Bộ, ngành và các trường đại học có đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực ICT.

Thiếu 400.000 lao động công nghệ thông tin

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện tỉ lệ các trường ĐH, CĐ đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) ở nước ta chiếm 37,5%, mỗi năm có khoảng 50.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp. Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, số lượng việc làm ngành phần mềm và dịch vụ CNTT cả nước hàng năm tăng khoảng 30.000 lao động CNTT. Theo dự báo, đến năm 2020, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là 1 triệu nhân lực CNTT. Dự báo của Vietnamworks cũng cho thấy, tới năm 2020, nước ta còn thiếu 400.000 lao động CNTT và mỗi năm cần cung ứng mới tới 78.000 lao động.

Mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực ICT lớn như vậy nhưng theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP Hồ Chí Minh - HCA, hiện nay, các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước được cho là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Hiện chỉ có khoảng 27% lao động CNTT là có thể đáp ứng yêu cầu, số còn lại 72% cần phải được đào tạo bổ sung trong thời gian tối thiểu 3 tháng. “Do vậy, sinh viên CNTT cần phải cập nhật, cải tiến thường xuyên cho nhu cầu “chất lượng cao” của nguồn nhân lực CNTT và cũng cần có sự phối hợp đa dạng giúp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT”, ông Tuấn nói.

Trong tham luận về “Kết nối cung - cầu nhân lực trong kỷ nguyên số: Thực trạng và xu thế”, PGS.TS. Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) cho rằng, hạn chế hiện nay đối với các trường đại học trong đào tạo CNTT là chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu trong khi sinh viên cũng còn thụ động, không chỉ lúng túng trong chọn trường mà còn khó tìm việc và chưa sẵn sàng tâm thế cho tương lai.

Để có thể sẵn sàng chuẩn bị được nguồn nhân lực ICT cho tương lai, PGS.TS. Trần Thị Thái Hà cho rằng, các trường cần đổi mới các nội dung dạy và học. Dạy và học đều phải dựa trên năng lực, phát triển các kỹ năng cho thế kỷ 21. Bên cạnh đó, cần phát triển các nội dung chương trình mới, phương pháp dạy - học cũng phải chú trọng tới thực hành là chính và tiếp cận với những đòi hỏi mới của thị trường.

Các đại biểu tham quan Triển lãm: “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp”.

Từ thực tế đào tạo, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, nhân lực ICT đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của mọi lĩnh vực, không phải chỉ của chính lĩnh vực ICT. Vấn đề hiện nay là để đào tạo được nguồn nhân lực ICT đáp ứng yêu cầu, cần rất nhiều yếu tố như sinh viên phải được cung cấp một nền tảng kiến thức tốt, làm chủ công nghệ “lõi”: IoT, Big Data, AI, Blockchain…Sinh viên cũng cần được trang bị kỹ năng nghiên cứu độc lập, tự học tốt đảm bảo nền tảng cho cập nhật công nghệ, Kỹ năng làm việc nhóm và Tiếng Anh tốt, “Kỹ năng” khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo... mà điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ từ cả 3 phía: Trường đại học - Doanh nghiệp và Nhà nước.

Hợp tác phải trở thành nhu cầu tự thân

Đại diện Lãnh đạo Samsung Việt Nam Việt Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, các trường cần liên tục cập nhật công nghệ mới, đồng thời phải đầu tư cơ sở hạ tầng để sinh viên có thể tăng thời gian thực tập, trải nghiệm công nghệ mới.

Khẳng định, hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo công nghệ thông tin phải trở thành nhu cầu tự thân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 khâu đột phát phát triển đất nước, nhất là trong bối cách cuộc cách mạng 4.0. Khi nền kinh tế chuyển sang số hóa, nhiều sự thay đổi theo hướng cơ hội và thách thức đan xen. ICT ngày càng có vai trò, tác động lớn.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát bểu tại buổi tọa đàm.

“Vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường không mới, nhưng muốn hiệu quả phải trở thành nhu cầu tự thân. Các trường cung cấp nguồn nhân lực, các doanh nghiệp nhìn trường như các bạn hàng, hai bên đến với nhau có động lực cùng lợi ích, không hợp tác với nhau thì không thể tồn tại được”, Bộ trưởng Nhạ nhận định.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhiều trường đại học và doanh nghiệp đã ký kết hợp tác, nhưng hiệu quả thực tế chưa cao. Đồng thời khẳng định, lần này sẽ phải làm khác, thiết thực, nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước phải thực sự đồng hành với nhau. Hãy giảm bớt thời gian học lý thuyết mà dành cho sinh viên nhiều hơn thời gian để thực tập, được “nhúng mình” vào hoạt động của các doanh nghiệp.

Đã đến lúc “hai là một”

Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra nhiều rào cản mà việc đào tạo nguồn nhân lực ICT chất lượng cao cần phải thay đổi. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. “Điều quan trọng để đạt được khát vọng này là phải dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, dựa vào công nghệ, dựa vào các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp công nghệ số, công nghệ ICT” - Bộ trưởng TT&TT nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra nhiều rào cản mà việc đào tạo nguồn nhân lực ICT chất lượng cao cần phải thay đổi.

Cũng theo Bộ trưởng TT&TT, ICT là nền tảng của cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0; của chuyển đổi số; của kinh tế số và xã hội số. Trong cuộc cạnh tranh về nhân lực, nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh nhu cầu của thay đổi công nghệ, làm chủ công nghệ dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình thì nước đó sẽ chiến thắng. Trong cuộc cạnh tranh này nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu về nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng nhu cầu của đào tạo để đáp ứng sự thay đổi của thời đại.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đã đến lúc tuy hai là một. Doanh nghiệp và các trường đại học đào tạo CNTT cần phối hợp chặt chẽ với nhau vì Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực thì doanh nghiệp phải đầu tư vào nguồn lực tài nguyên này.

HÒA CÙ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/phat-trien-nguon-nhan-luc-ict-trinh-do-cao-nha-truong-doanh-nghiep-nha-nuoc-cung-dong-hanh-d94020.html