Phát triển nhanh lĩnh vực công nghệ thông tin

Năng suất lao động ở lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) so với năng suất lao động chung của TP Hồ Chí Minh hơn 1,96%; CNTT đóng góp vào sản phẩm nội địa của thành phố là 4,44%. Theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh cần tạo cơ chế chính sách đặc thù phát triển doanh nghiệp CNTT gắn với khoa học - công nghệ, xem đây là tiền đề có ý nghĩa quan trọng để thành phố phát triển bền vững...

Năng suất lao động ở lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) so với năng suất lao động chung của TP Hồ Chí Minh hơn 1,96%; CNTT đóng góp vào sản phẩm nội địa của thành phố là 4,44%. Theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh cần tạo cơ chế chính sách đặc thù phát triển doanh nghiệp CNTT gắn với khoa học - công nghệ, xem đây là tiền đề có ý nghĩa quan trọng để thành phố phát triển bền vững...

Nhận thức mới, thay đổi nhanh, sáng tạo đột phá là chủ đề của “Ngày hội doanh nghiệp (DN) Công nghệ thông tin và Trí tuệ nhân tạo năm 2019” vừa được UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào dịp cuối năm 2019. Đây là chuỗi sự kiện nhằm khẳng định vai trò của CNTT - Truyền thông (TT) về hoạt động đổi mới, sáng tạo trong sự phát triển của thành phố, đồng thời là một trong những hoạt động nằm trong tiến trình của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị thông minh. Qua sự kiện này, thành phố tiếp tục đánh giá thực trạng, thách thức đối với việc phát triển DN CNTT-TT trên địa bàn và đề xuất phương thức hoạt động của đổi mới, sáng tạo, tìm đến những giải pháp để thúc đẩy phát triển công nghiệp CNTT-TT tăng trưởng nhanh và bền vững; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng phát triển ngành kinh tế số, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT.

Một trong những sự kiện nổi bật của ngày hội là trao Giải thưởng CNTT-TT năm 2019 với chủ đề “Hành trình vươn tới đô thị thông minh” nhằm vinh danh các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển thành phố.

Được khởi động vào tháng 8-2019, ban tổ chức đã nhận được 65 hồ sơ đăng ký tham gia giải thưởng có chất lượng cao, nhiều sản phẩm đã được ứng dụng trong xây dựng đô thị thông minh. Qua đó, lựa chọn và trao 23 giải xuất sắc nhất cho 23 cá nhân, tập thể ở sáu nhóm: DN có sản phẩm và giải pháp phần mềm tiêu biểu; DN có sản phẩm phần cứng tiêu biểu; DN cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng tiêu biểu; đơn vị có ứng dụng CNTT-TT tiêu biểu; đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển CNTT-TT thành phố và nhóm sinh viên ngành CNTT-TT có thành tích nghiên cứu và học tập xuất sắc.

Giải thưởng CNTT-TT năm 2019 ghi dấu sự tham gia tích cực của các sở, ngành, quận, huyện, các đơn vị đã và đang ứng dụng nhiều giải pháp, sản phẩm công nghệ thiết thực, khẳng định vai trò của CNTT-TT mang lại lợi ích thiết thực để phục vụ người dân tốt hơn. Các sản phẩm của DN CNTT-TT đoạt giải đã thể hiện rõ tính ứng dụng trong quá trình chuyển đổi số, một bước đi không thể thiếu trong xây dựng đô thị thông minh. Giải thưởng còn tạo nguồn động lực phấn đấu cho các sinh viên nhằm góp phần cho sự phát triển ngành CNTT-TT.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, tính đến cuối năm 2018, toàn thành phố có hơn 5.600 DN hoạt động trong lĩnh vực Điện tử - CNTT, chiếm tỷ lệ khoảng 3% tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn. Thành phố cũng là địa phương có phong trào khởi nghiệp sáng tạo mạnh mẽ, chiếm 40 đến 45% trong khoảng 3.000 DN khởi nghiệp (start-up) của cả nước. Nhiều start-up thành phố đã gọi vốn thành công với tổng giá trị hơn 300 triệu USD. Trong số các DN khởi nghiệp sáng tạo có đến 70% DN thuộc lĩnh vực CNTT. Với những yếu tố hiện có về nền tảng CNTT và khoa học - công nghệ là tiền đề quan trọng mở đầu cho giai đoạn mới phát triển CNTT-TT trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thành phố là địa phương đi đầu từ rất sớm của cả nước về phát triển CNTT-TT; xem CNTT là một lĩnh vực cần ưu tiên phát triển đột phá.

Hiện, Khu Công viên phần mềm Quang Trung là khu phần mềm lớn nhất nước với 165 DN đang hoạt động với hơn 11.000 kỹ sư và nhân viên CNTT. Năm 2019, Khu Công viên phần mềm Quang Trung tạo ra doanh số khoảng 511 triệu USD, trong đó xuất khẩu hơn 400 triệu USD. Đây cũng là cái “nôi” hình thành các ý tưởng sáng tạo, thu hút các nhân tài trong lĩnh vực CNTT. Thành phố cũng là địa phương duy nhất của cả nước nghiên cứu sản xuất vi mạch. Khu Công viên phần mềm của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Hội Tin học thành phố cũng phát triển rất mạnh. Thành phố cũng sẽ sớm đầu tư xây dựng khu khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN khởi nghiệp.

Tuy nhiên, để thu hút và phát triển bền vững lĩnh vực CNTT, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và nhận diện rõ các sản phẩm chủ lực, đưa ra các chính sách thật sự hấp dẫn. Theo đó, thiết thực hỗ trợ đổi mới công nghệ, hạ tầng CNTT; chương trình nghiên cứu, phát triển, thiết kế, sản xuất thử nghiệm vi mạch và chương trình nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Việc hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần thực hiện bằng nhiều giải pháp, nhất là xây dựng khu vực thí nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mới, cũng như cơ chế đưa sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo vào thị trường...

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/42791902-phat-trien-nhanh-linh-vuc-cong-nghe-thong-tin.html