Phát triển nhờ khai thác đúng lợi thế, tiềm năng

Năm 2015, tổng thu ngân sách trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) mới đạt hơn 1.421 tỷ đồng, đến năm 2017, đã đạt xấp xỉ 4.400 tỷ đồng. Sự phát triển này có được là nhờ quận định hướng đúng và đầu tư hợp lý trong phát triển kinh tế - xã hội. Đó là tận dụng lợi thế không gian hồ Tây, hệ thống cảnh quan, làng nghề để phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ - thương mại - công nghiệp - nông nghiệp.

Những ngày này, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đang rốt ráo chuẩn bị những công việc cuối cùng để chuẩn bị đưa vào hoạt động. Nằm cách không xa Công viên hồ Tây, phố Trịnh Công Sơn có cảnh quan khác biệt, dọc con đường có hai hồ nước nhỏ, rất thuận lợi cho việc thư giãn, giải trí dịp cuối tuần. Chính bởi lý do này, UBND quận Tây Hồ đã xây dựng Đề án "Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật ngoài trời, ẩm thực và lễ hội đường phố tại khu vực hồ Sen, phố Trịnh Công Sơn, phường Nhật Tân". Không gian này sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật giải trí, trong đó có sân khấu biểu diễn nghệ thuật do cơ quan chức năng tổ chức và các không gian hoạt động văn hóa quần chúng tương tự phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm... Điểm khác biệt so với phố đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm là tại đây sẽ có các gian hàng ẩm thực đặc trưng của quận Tây Hồ như: xôi Phú Thượng, bún ốc, bánh tôm hồ Tây... Trong giai đoạn thí điểm từ nay đến hết năm 2018, có 15 gian hàng được phép hoạt động. So với dự kiến, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã phải lùi thời gian mở cửa hơn nửa năm. Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng, việc lùi thời gian hoạt động nhằm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động tốt nhất cho khu phố đi bộ.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn được đưa vào khai thác đúng dịp quận Tây Hồ vừa tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ quận lần thứ 5 (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Với lợi thế có không gian mặt nước hồ Tây rộng hơn 500 ha, bao quanh đó là hệ thống cảnh quan, di tích, làng nghề phong phú, độc đáo, quận Tây Hồ đã xác định hướng phát triển của quận là trở thành trung tâm dịch vụ - thương mại của Thủ đô. Từ chủ trương này, Quận ủy, UBND quận đã xây dựng các chương trình hành động cụ thể. Tiêu biểu như chương trình "Phát triển kinh tế; quản lý, khai thác hiệu quả hồ Tây và các vùng phụ cận giai đoạn 2015 - 2020", "Phát triển văn hóa - xã hội và xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội, xây dựng phường văn hóa giai đoạn 2015 - 2020". Một điểm đặc thù trong phát triển kinh tế - xã hội tại quận Tây Hồ là dù đã trở thành đô thị từ lâu, nhưng ngành nông nghiệp vẫn được quan tâm. Các hoạt động trồng hoa, trồng sen, ướp trà... không chỉ đem lại nguồn lợi trực tiếp từ bán hàng, mà còn góp phần phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch. Bởi thế, khi cụ thể hóa các chương trình thành các đề án, kế hoạch, các hoạt động nông nghiệp được định hướng gắn với dịch vụ - du lịch. Cụ thể như một số đề án: "Phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn quận giai đoạn 2017 - 2020, định hướng phát triển đến năm 2030"; Kế hoạch phát triển du lịch quận; Đề án "Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật ngoài trời, ẩm thực và lễ hội đường phố tại khu vực hồ Sen, phường Nhật Tân"; Đề án "Thưởng thức chè Sen, tinh hoa chè Việt, phường Quảng An"... Các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ lẫn nhau, qua đó, giúp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng du lịch được cải tạo; đồng thời, tạo dựng nếp sống văn minh trong cuộc sống, văn minh thương mại... Ngoài các địa danh truyền thống như: Chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ..., quận Tây Hồ ngày càng có thêm những điểm đến mới hấp dẫn như không gian thưởng thức chè sen ở Quảng An, thung lũng hoa ở phường Nhật Tân, khu vực vườn đào ngoài bãi sông Hồng.

Quận Tây Hồ hiện có khoảng 100 nghìn người nước ngoài lưu trú, trong đó, nhiều người lưu trú lâu dài, tạo nguồn thu không nhỏ cho quận, nhất là địa bàn phường Quảng An. Bởi vậy, quận Tây Hồ đã chỉ đạo xây dựng Quảng An trở thành "Phường văn hóa". Mô hình phường Quảng An tiếp tục được nhân rộng sang phường Nhật Tân. Hiện tại, sau khi đã được công nhận là "Phường văn hóa", phường Quảng An và Nhật Tân đang tiếp tục xây dựng để trở thành "Phường đạt chuẩn văn minh đô thị". Nhờ đó, hạ tầng được cải thiện, đời sống văn hóa của người dân được nâng cao, an ninh, trật tự được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài yên tâm lưu trú lâu dài, duy trì bền vững nguồn thu.

Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng, từ nay đến hết nhiệm kỳ, cùng với việc đầu tư hạ tầng, thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường, quận Tây Hồ tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là triển khai các đề án dịch vụ du lịch chung quanh hồ Tây. Duy trì phát triển kinh tế theo cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; tiếp tục đầu tư, tôn tạo nâng cao giá trị lịch sử, cảnh sắc thiên nhiên, môi trường của hồ Tây; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, tuyên truyền quảng bá phát triển du lịch; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/36284602-phat-trien-nho-khai-thac-dung-loi-the-tiem-nang.html