Phát triển nuôi biển tự nhiên gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Ngày 10/11, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo nuôi biển tự nhiên kết hợp với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe giới thiệu các công nghệ, phương thức mới của việc nuôi biển tự nhiên gắn với bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản; Vai trò của các khu bảo tồn biển trong hoạt động bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản... Tại đây, các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm và tìm những giải pháp phù hợp, đồng bộ về phát triển nuôi biển hiệu quả, bền vững.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam có bờ biển dài hơn 125 km, ngư trường khai thác rộng hơn 40.000km2. Tỉnh Quảng Nam có 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển, 34 xã có nghề khai thác hải sản với 2.715 phương tiện cùng nhiều cửa sông, lạch, lớn nhỏ. Tỉnh này có khoảng 30.000ha mặt nước, trong đó có khoảng 10.000 ha bãi triều thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản.

Nuôi biển gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản đặt ra cấp thiết ở Quảng Nam

Theo ông Hồ Quang Bửu, trong những năm qua, ngành Thủy sản tỉnh Quảng Nam đã có sự phát triển khả quan. Giá trị sản xuất ngành Thủy sản tăng từ 3.780 tỷ đồng năm 2018 lên 4.300 tỷ đồng năm 2022, tốc độ tăng bình quân đạt 3,57%/năm, chiếm tỷ trọng gần 30% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Ngành Thủy sản tỉnh Quảng Nam đã giải quyết việc làm cho hơn 16.000 người lao động trực tiếp, khoảng 3.000 lao động gián tiếp, góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, các nguồn tài nguyên sinh vật biển đã và đang đứng trước nguy cơ, thách thức suy giảm, cạn kiệt do chịu nhiều tác động của con người từ các hoạt động kinh tế trên đất liền và trên biển.

Theo ông Hồ Quang Bửu, mặc dù trong những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh Quảng Nam đã quan tâm và có nhiều giải pháp để ngăn chặn xử lý nhưng tình trạng dùng kích thước mắt lưới nhỏ quá mức cho phép để khai thác, xung điện... vẫn thường xuyên diễn ra. Trong khi đó, lực lượng thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản quá mỏng, địa bàn hoạt động rộng nên công tác tuần tra, kiểm soát trên biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu.

Nuôi biển ngoài khơi ở tỉnh Khánh Hòa

“Nếu chúng ta bảo tồn biển và nuôi biển tự nhiên tốt, tôi kiến nghị Chính phủ nên có sớm quy hoạch không gian biển. Chính phủ nên có quy định rõ ràng làm sao các doanh nghiệp được đầu tư được phát triển trong không gian biển này. Chúng ta cần phải truyền thông mạnh vì nguồn lợi biển của chúng ra rất lớn và chúng ta có cơ sở dữ liệu chung cho mọi người dân, mọi nhà đầu tư biết được việc này”, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp về nghiên cứu thử nghiệm và chuyển giao công nghệ nuôi thiên nhiên các loài sinh vật có giá trị như bào ngư, hải sâm, vú nàng, ốc đụn cái…, phục vụ nhu cầu thủy sản cao cấp; Cần thiết lập và quản lý hiệu quả các vườn biển do doanh nghiệp điều hành phục vụ du lịch sinh thái biển và khai thác thương mại; Nghiên cứu và triển khai thiết lập các khu duy trì nguồn giống thủy sản phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững; Đầu tư xây dựng và triển khai các trang trại nuôi biển tự nhiên, áp dụng quan điểm đa loài, khép kín chuỗi thức ăn...

Nuôi biển ngoài khơi ở tỉnh Khánh Hòa

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung, một doanh nghiệp chuyên nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Bình Thuận đề nghị: “Lâu nay, nuôi biển ở Việt Nam hầu như là tự phát, người dân nuôi không có quy hoạch, chưa có cơ chế chính sách nào rõ ràng và họ tự thân vận động. Chúng ta cần thiết về tạo ra sự phối hợp, kết hợp đồng bộ. Đầu tiên là chúng ta phải có quy hoạch thống nhất, giao quyền cụ thể cho chủ thể tham gia đầu tư. Nếu làm được 2 việc này nhanh chóng, đồng bộ thì nghĩa vụ và bảo vệ trong phát triển kinh tế biển đảm bảo sản phẩm xanh, đảm bảo về nguồn lợi biển mới phát huy tác dụng”.

Phát triển nuôi biển tự nhiên tự nhiên gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, cả nước có khoảng 50.000 cơ sở nuôi biển, phần lớn hoạt động nuôi biển ở quy mô gia đình, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, công nghệ lạc hậu và không bền vững... Hiện nay, hoạt động nuôi biển đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu quy hoạch, thiếu thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân. Việt Nam chưa ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển, thiếu chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Việt Nam cần sớm có giải pháp chuyển từ nuôi biển phương thức thủ công sang nuôi công nghiệp: "Các doanh nghiệp nuôi biển thật sự và quy mô lớn thì chỉ có dưới 10 doanh nghiệp. Đây là sự chênh lệch rất lớn, tức là nghề cá của chúng ta, trong đó có nghề nuôi biển mới tập trung khu vực nhỏ của dân, chúng ta cần phải nhanh chóng chuyển từ phương thức thủ công qua công nghiệp. Về phía quản lý nhà nước, vấn đề giao biển lâu dài cho dân, như Nghị định 11 ban hành từ năm 2021 đến nay chưa một địa phương nào thực hiện được”.

Tuyết Lê/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-nuoi-bien-tu-nhien-gan-voi-bao-ve-va-phat-trien-nguon-loi-thuy-san-post1058456.vov