Phát triển sản phẩm OCOP gắn với giá trị của làng nghề truyền thống

Với lợi thế có 1.350 làng nghề truyền thống và làng có nghề, Hà Nội rất tiềm năng để phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần nâng cao đời sống của người dân cũng như hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, sản phẩm của các làng nghề ngày nay hướng tới thiết kế mang vẻ hiện đại mà vẫn giữ được những đặc trưng riêng.

Khách hàng mua sắm tại chợ gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Phát huy tiềm năng vốn có

Tính từ năm 2019 đến nay, thành phố Hà Nội đã có 18/30 quận, huyện, thị xã triển khai, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với tổng số 301 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 207 sản phẩm 4 sao, 88 sản phẩm 3 sao, đạt 100,3% kế hoạch năm 2019. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm tham gia vào chương trình OCOP được sản xuất từ các làng nghề truyền thống, tập trung ở các nhóm lĩnh vực như vải - may mặc, đồ lưu niệm, nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ.

Theo kết quả phân hạng, đánh giá các sản phẩm OCOP mới đây, bộ sản phẩm gốm men suối ngọc của Hợp tác xã kinh doanh Gốm sứ Tân Thịnh và bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh thuộc làng nghề Bát tràng được đánh giá là sản phẩm OCOP có tiềm năng 5 sao; tủi vải thô ghép lụa Vạn Phúc, tranh ghép vải của Hợp tác xã Vụn ART thuộc làng nghề Vạn Phúc được đánh giá là sản phẩm OCOP 4 sao; làn đan mắt cáo, hộp đựng giấy của Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang thuộc làng nghề Phú Vinh đều được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao...

Mỗi sản phẩm của làng nghề truyền thống đều mang dáng dấp và vẻ đặc trưng riêng của vùng miền. Như làng nghề mây tre đan Phú Vinh, việc đan mây tre đã gắn bó với người dân nơi đây từ lâu đời. Các sản phẩm đan truyền thống làng Phú Vinh tuy hình dáng tuy đơn giản, mộc mạc nhưng đòi hỏi kỹ thuật đan tinh xảo, tỉ mỉ, trau chuốt và không có yếu tố của máy móc. Từ đó tạo nét khác biệt cho các sản phẩm này so với những sản phẩm trên thị trường, nhất là kỹ thuật đan.

Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh - Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang cho biết, các sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" muốn đạt sao phải qua tuyển chọn rất kỹ về kỹ thuật đan, cách đóng gói sản phẩm... Việc này đã tạo động lực cho các làng nghề từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng làng nghề Phú Vinh có nét đặc trưng về xiên mây, đan tranh ảnh bằng mây, đan tết các loại hoa văn mà ở các làng nghề khác không có.

Bên cạnh làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng nghề gốm sứ Bát Tràng - một trong những làng nghề có số lượng nghệ nhân đông nhất cả nước đã và đang phát triển nhiều sản phẩm độc đáo, tinh xảo và đạt chất lượng cao. Hiện các sản phẩm của làng nghề Bát Tràng không chỉ đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước mà còn tiếp cận tới nhiều thị trường khó tính và khắt khe trên thế giới, từ đó đưa thương hiệu gốm Bát Tràng ngày càng phát triển.

Theo bà Hà Thị Vinh - Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Quang Vinh trụ sở tại Bát Tràng Gia Lâm cho biết, giá trị của chương trình OCOP là để thúc đẩy các sản phẩm của địa phương, ở các vùng miền có những đặc sản, có truyền thống. Như gốm Bát Tràng được sản xuất bởi các chủ thể của làng Bát tràng, họ sẽ có những bí kíp riêng để nạp lên những sản phẩm độc quyền. Từ đó, giá trị thương hiệu sản phẩm sẽ rất cao.

Không ngừng đổi mới sáng tạo

Hiện nay, các sản phẩm trên thị trường liên tục cải tiến mẫu mã, chất lượng nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Những chủ thể tham gia vào chương trình OCOP phải luôn hoàn thiện những mặt chưa đạt yêu cầu để nâng hạng sao, vì vậy việc thường xuyên nâng cấp các sản phẩm của mình lại càng được chú trọng.

Điển hình là làng gốm Bát Tràng, luôn luôn có sự đổi mới sáng tạo về tính thẩm mỹ, kiểu dáng và chất lượng sản phẩm gốm.Từ việc thay thế lò than sang lò nung bằng gas theo công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cho đến việc kết hợp tinh tế giữa các nét vẽ truyền thống và hiện đại đã giúp các sản phẩm gốm sứ cổ truyền của Việt Nam du nhập thêm phong cách mỹ thuật mới mẻ. Bởi một số sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao của làng gốm Bát Tràng sẽ được xuất khẩu ra các thị trường lớn và phục vụ nhu cầu của nguồn khách nước ngoài.

Hay làng nghề mây tre đan Phú Vinh, mẫu mã, kiểu dáng hay màu sắc sản phẩm liên tục được đổi mới. Ngoài ra, đối với các chất liệu mây, tre, việc bảo quản tránh mốc, mọt là câu chuyện khá nan giải. Vì thế, làng nghề cũng thường xuyên áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất. Trước đây làng nghề Phú Vinh thường vận dụng theo cách cổ truyền là luộc nguyên liệu trước khi đưa vào đan, sau đó thì có các chế phẩm sinh học để chống mọt, công nghệ hút ẩm cũng đã góp phần cho việc bảo quản được tốt hơn.

Tuy nhiên, tại các làng nghề truyền thống, việc cập nhật theo thị trường luôn phải dựa trên những giá trị văn hóa đã được gây dựng từ trước. Bên cạnh việc người tiêu dùng sử dụng hiệu quả công năng của sản phẩm, thì việc lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống cũng vô cùng quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh - Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang cho rằng: "Đã là làng nghề truyền thống Phú Vinh thì chắc chắn sản phẩm phải mang dáng dấp lối đan đặc trưng của làng nghề Phú Vinh, mình bán cách đan của làng nghề với thiết kế của khách nhưng những giá trị văn hóa làng nghề luôn cần được bảo tồn và phát huy."

Những mục tiêu và lợi ích của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mang lại đã giúp cho các làng nghề truyền thống có thêm động lực để phát triển những sản phẩm chất lượng cao. Qua đó, không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng mà còn giữ gìn được những nét đặc trưng riêng. Thời gian tới, các sản phẩm làng nghề có thể xuất hiện đa dạng với nhiều mẫu mã hiện đại, thích ứng với nhu cầu thị trường, tuy nhiên "cốt lõi" bên trong vẫn phải gắn với đặc trưng của làng nghề truyền thống.

Lê Hồng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/phat-trien-san-pham-ocop-gan-voi-gia-tri-cua-lang-nghe-truyen-thong-20200728150938777.htm