Phát triển sản phẩm OCOP từ thế mạnh địa phương

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, huyện Thanh Bình tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát huy giá trị sản phẩm OCOP, đưa nông sản địa phương vươn xa trên thị trường.

Các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Thương mại Hương Sen Đồng Tháp được nhiều khách hàng trong và ngoài nước tin dùng

QUAN TÂM TẠO ĐIỀU KIỆN VỀ CHÍNH SÁCH

Để phát triển sản phẩm OCOP, UBND huyện Thanh Bình đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP. Theo đó, các ngành chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên đặc trưng thế mạnh của địa phương và đáp ứng yêu cầu về quy mô vùng nguyên liệu. Cùng với đó, quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng nhãn mác, bao bì; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi hình thành sản phẩm OCOP. Hàng năm, các ban, ngành huyện Thanh Bình phối hợp với sở, ngành tỉnh triển khai các lớp tập huấn, tư vấn, định hướng phát triển sản phẩm OCOP cho các địa phương; rà soát, lựa chọn, hỗ trợ các sản phẩm tham gia thi đánh giá, phân hạng.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình, từ những chính sách của Nhà nước, huyện Thanh Bình đã tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cá nhân mở rộng sản xuất, thay đổi thiết bị, nâng cao chất lượng, bao bì sản phẩm và phát triển thị trường. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã đầu tư phát triển sản phẩm OCOP từ ngân sách nhà nước hơn 2.500 triệu đồng, giúp các cơ sở, doanh nghiệp thay đổi máy móc thiết bị sản xuất, xây dựng nhà xưởng, xây dựng nhãn hiệu, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, xử lý môi trường... Ngoài ra, còn hỗ trợ xây dựng, phát triển các sản phẩm khởi nghiệp, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm ở các hội nghị, hội thảo trong và ngoài tỉnh. Từ đó, các sản phẩm dần được mở rộng thị trường, người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay, toàn huyện có 27 đơn vị tham gia Chương trình OCOP với 28 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên. Trong đó có 1 sản phẩm đã gửi Trung ương đánh giá 5 sao và 2 sản phẩm đang chuẩn hóa để đánh giá 5 sao. Năm 2023, 1 đơn vị đạt giải Nhất Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”; 1 đơn vị đạt giải Nhất vòng chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần 9, do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức năm 2023.

Công ty TNHH Thương mại Hương Sen Đồng Tháp đầu tư thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm

PHÁT HUY GIÁ TRỊ SẢN PHẨM THẾ MẠNH

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Bình, Chương trình OCOP với mục tiêu đẩy mạnh kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị và tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới. Sau thời gian triển khai, chương trình đã có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển sản xuất trên địa bàn huyện. Qua đó, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có, góp phần phát huy, nâng cao giá trị nhiều sản phẩm thế mạnh.

Hiện nay, các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của huyện Thanh Bình đều là những nông sản đặc trưng như: Trà sen Dotha Lotus thượng hạng, Trà tâm sen, Trà hoa sen, Trà lá sen túi lọc Dotha Lotus, Sữa hạt sen Dotha Lotus (Công ty TNHH Hương Sen Đồng Tháp); Xoài sấy dẻo, Thơm sấy dẻo (Công ty TNHH công nghệ Việt Đức); Sen yến, Sen hạt tổ yến (Công ty TNHH Yến Sào Thiên Phúc Đồng Tháp); Hoa khô, Bộ sản phẩm xơ mướp (Doanh nghiệp tư nhân Hoa cỏ khô Thảo Minh); Bình hoa tre, Đèn tre (Cơ sở tre - gỗ Cường Thịnh)... Thông qua đó, không chỉ giúp địa phương khai thác, phát huy tốt tài nguyên mà còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Trên cơ sở đó, giúp các chủ thể có thêm nguồn lực, tiếp tục đầu tư kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất.

Với mong muốn đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, chất lượng, từ năm 2021, Công ty TNHH Thương mại Hương Sen Đồng Tháp (khóm Tân Đông A, thị trấn Thanh Bình) đã đầu tư sản xuất, thương mại hóa nhiều sản phẩm từ nguồn tài nguyên bản địa là cây sen kết hợp với một số nguyên liệu khác để chế biến ra nhiều sản phẩm khác biệt, mang lại giá trị sức khỏe cho người tiêu dùng. Chị Nguyễn Bích Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hương Sen Đồng Tháp, cho biết: “Từ tình yêu cây sen Đồng Tháp, công ty đã đầu tư xây dựng các sản phẩm đạt OCOP để nâng tầm giá trị cây sen, góp phần gìn giữ văn hóa của quê hương, đồng thời tạo việc làm cho người dân địa phương. Hiện nay công ty có 8 sản phẩm như: Trà sen, Trà sen Dotha Lotus thượng hạng, Trà tâm sen, Trà hoa sen, Trà lá sen túi lọc Dotha Lotus, Bột sữa sen Dotha Lotus, Sữa hạt sen Dotha Lotus đều được công nhận đạt OCOP 4 sao. Trong đó, sản phẩm Trà sen Dotha Lotus thượng hạng và Sữa hạt sen Dotha Lotus được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu vùng đồng bằng sông Cửu Long. Công ty đang xây dựng 1 sản phẩm lên 5 sao”.

Sản phẩm Sữa hạt sen tổ yến của chị Lưu Thị Mỹ Duyên xuất sắc đạt giải Nhất tại Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023

Năm 2022, chị Lưu Thị Mỹ Duyên ở xã Tân Thạnh đã đầu tư sản xuất các sản phẩm từ nguồn tài nguyên bản địa là sen và tổ yến. Theo chị Duyên, gia đình chị nuôi chim yến để lấy tổ và trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trồng nhiều sen. Tận dụng lợi thế đó, chị nghiên cứu, sản xuất sữa hạt sen tổ yến. Chị đầu tư máy móc, quy trình sản xuất hiện đại nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với chú trọng đảm bảo chất lượng, chị rất quan tâm đầu tư nhãn mác bao bì sản phẩm, giới thiệu các sản phẩm từ sen, từ tổ yến qua các trang mạng xã hội, hội chợ trong và ngoài tỉnh. “Hiện nay, Công ty có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao như: Sữa hạt tổ yến, Sen yến, Rượu yến đông trùng và Rượu yến trái cây. Đặc biệt, sản phẩm Sữa hạt tổ yến vừa đoạt giải Nhất Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 khu vực miền Nam do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Các sản phẩm của Công ty đang được tiêu thụ tại 10 tỉnh khu vực miền Nam”, chị Lưu Thị Mỹ Duyên - Giám đốc Công ty TNHH Yến Sào Thiên Phúc Đồng Tháp chia sẻ.

Ông Lê Đức Hiền - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyệ̣n Thanh Bình cho biết, xác định OCOP là chương trình mang tính dài hạn, trong thời gian tới, huyện Thanh Bình tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của lãnh đạo cấp xã trong thực hiện Chương trình OCOP; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ thay đổi máy móc, thiết bị từ Chương trình Khuyến công; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ Chương trình Khoa học và Công nghệ; thiết kế bao bì, nhãn mác, xây dựng vùng nguyên liệu từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP; tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế, điều kiện địa phương.

SÔNG NGÂN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/phat-trien-san-pham-ocop-tu-the-manh-dia-phuong-119330.aspx