Phát triển Tây Nguyên dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa

Ngày 20/11, tại Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, các Ủy ban của Quốc hội, Trợ lý Tổng Bí thư; lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông), các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về phía lực lượng vũ trang có đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Với chủ đề "Phát triển xanh – Hài hòa – Bền vững", đây là hội nghị "ba trong một" được tổ chức với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW; xúc tiến đầu tư; kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ, triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh Tây nguyên tham dự Hội nghị

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng công bố Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị, khẳng định: Tây Nguyên chiếm 1/6 diện tích cả nước, có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, anh ninh và đối ngoại; là một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Trong đó, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại...

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002. Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Tuy nhiên, Tây Nguyên còn những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thu hút đầu tư còn thấp... Nghị quyết 23 đề ra các mục tiêu: Đến năm 2030, Tây nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế… Tầm nhìn đến năm 2045, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước…

Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững Vùng Tây Nguyên giữa Bộ KH&ĐT và các đối tác phát triển, trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ của các địa phương trong vùng Tây Nguyên - Ảnh: Nhật Bắc

Chương trình hành động của Chính phủ nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết 23 bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết; đồng thời là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao…

Tại Hội nghị, các đại biểu nghe tham luận của các bộ, ngành, địa phương, đối tác nước ngoài, nhà tài trợ, nhà đầu tư trong nước và ngoài nước; danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của vùng Tây Nguyên…

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm một gian hàng nông sản sạch trưng bày tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng, đối ngoại của cả nước; có nhiều lợi thế tăng trưởng kinh tế, du lịch, nhưng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển Tây Nguyên chú trọng 8 chữ: đột phá -bao trùm - toàn diện - bền vững; phải chú trọng đầu tư các lĩnh vực: giao thông, y tế, giáo dục, đặc biệt yếu tố con người - nguồn nhân lực tiên quyết; chú trọng kết nối vùng. Cái gì còn yếu, còn thiếu thì phải khắc phục, phải chủ động nội lực; Trung ương hỗ trợ về thể chế, giải pháp. Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên phải có kế hoạch, quan điểm rõ ràng: định hướng phát triển địa phương, vùng Tây Nguyên như thế nào.

Những năm trước, cả nước chung tay ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội Tây Nguyên để phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên. Nay, thay đổi trạng thái: phát triển kinh tế Tây Nguyên bền vững, đảm bảo trật tự an toàn xã hội để ổn định chính trị vùng Tây Nguyên.

Đây là hai mặt song song của một quá trình, thời điểm nào, ưu tiên vấn đề gì hơn thì ta chú trọng. Quan điểm phải tự lực, tự cường, lấy nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên, văn hóa xã hội) và bên ngoài (nguồn vốn, công nghệ, khoa học quản lý...) để phát triển bền vững; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm: quản lý, đào tạo, phát triển con người trí tuệ, phẩm chất, đạo đức.

Phải có chiến lược toàn cầu - toàn diện - toàn dân; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đổi mới tư duy quản lý, quy hoạch; phát triển kinh tế số (khoa học, công nghệ số hóa, hiện đại) kinh tế xanh (điện gió, điện mặt trời...); đầu tư, tiết kiệm hiệu quả...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khai trương Triển lãm ảnh Tây Nguyên Xanh - Hài hòa - Bền vững.

Bên lề Hội nghị, Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Tây Nguyên xanh - Hài hòa - Bền vững” được khai mạc, nhằm giới thiệu vẻ đẹp của vùng đất, con người vùng Tây Nguyên, khắc họa những nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.

Ngọc Hà - Minh Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/thu-tuong-pham-minh-chinh-chu-tri-hoi-nghi-phat-trien-vung-tay-nguyen_140121.html