Phát triển thị trường tiêu dùng xanh: Bài cuối – Doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất bền vững

Doanh nghiệp đã và đang chủ động bắt nhịp với quy trình sản xuất xanh, cải tiến sản phẩm thân thiện với môi trường.

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã công bố báo cáo phát triển bền vững. Bên cạnh những doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, thì tại Tp. Hồ Chí Minh ngày càng nhiều doanh nghiệp nội địa cũng nỗ lực hoàn thiện và công bố báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp mình, cũng như được đánh giá tích cực.

Đặc biệt, doanh nghiệp đã và đang chủ động bắt nhịp với quy trình sản xuất xanh, cải tiến sản phẩm thân thiện với môi trường.
*Cam kết bảo vệ môi trường
Báo cáo phát triển bền vững mang lại nhiều lợi ích cả về giá trị nội bộ và giá trị bên ngoài cho doanh nghiệp.

Đối với giá trị nội bộ, báo cáo phát triển bền vững giúp doanh nghiệp mở rộng tầm nhìn chiến lược và hệ thống quản trị tổ chức. Mặt khác, báo cáo phát triển bền vững tạo điều kiện cho doanh nghiệp cải thiện khả năng nhận định rủi ro và cơ hội kinh doanh mới.
Còn đối với bên ngoài, báo cáo phát triển bền vững góp phần thúc đẩy ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, uy tín trên thị trường. Đặc biệt, báo cáo phát triển bền vững còn gia tăng giá trị doanh nghiệp, tạo niềm tin với nhà đầu tư để thu hút vốn đầu tư, xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước…

Nhà máy bia Heiniken. Ảnh: TTVH

Nhà máy bia Heiniken. Ảnh: TTVH

Ông Nguyễn Công Minh Bảo, Giám đốc Văn phòng GRI Việt Nam, báo cáo bền vững là một lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Báo cáo phát triển bền vững được xem như công cụ đo đếm, công bố và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trước các bên liên quan về hoạt động của mình. Trên thế giới, doanh nghiệp tại nhiều nước, đặc biệt là những nước phát triển thường xuyên xây dựng báo cáo phát triển bền vững với nhiều hình thức khác nhau.
Ngày nay nhiều doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững, nên đây không chỉ là xu hướng mà còn được xem như yếu tố sống còn của doanh nghiệp.

Việc lựa chọn sản xuất xanh đang là một trong những lựa chọn và mục tiêu chiến lược của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.

Với việc hợp tác cùng nhà cung cấp và đồng hành của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam đã tạo làn sóng lan tỏa hoạt động sản xuất xanh, cải thiện sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng đến lối sống xanh.
Đơn cử, Heniken là một trong những doanh nghiệp không ngừng nỗ lực hoàn thành mục tiêu đảm bảo phát triển bền vững.

Ông Leo Evers, Tổng Giám đốc điều hành Heniken Việt Nam cho biết, nhà cung cấp của Heniken phải đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững và luôn ưu tiên lựa chọn những đối tác sản xuất xanh; trong đó, các đơn vị tham gia quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng cho Heniken phải đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu về môi trường, sử dụng năng lượng… Ngược lại, Heniken cũng chủ động làm việc với nhà cung cấp và đối tác để đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững của họ.
Tương tự, Tập đoàn thức ăn nhẹ hàng đầu thế giới - Mondelēz International, đã công bố đạt bước tiến mạnh mẽ trong việc hoàn thành các mục tiêu về phát triển bền vững và sử dụng thức ăn nhẹ có ý thức.

Ông Hemant Rupani, Tổng Giám đốc Mondelez Kinh đô Việt Nam cho biết, doanh nghiệp xây dựng những chuỗi cung ứng nguyên liệu bền vững, giảm thiểu tác động môi trường và phát triển các loại bao bì không rác thải.

Công ty đã đề ra các mục tiêu phát triển bền vững và xây dựng một lộ trình rõ ràng cho những năm sắp tới như giảm thiểu tác động môi trường thông qua cam kết sử dụng 100% bao bì có khả năng tái sử dụng vào năm 2025.
*Chinh phục người tiêu dùng
Hiện nay, báo cáo phát triển bền vững không chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia, mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đều có thể thực hiện được. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thành công và chinh phục người tiêu dùng toàn cầu, trở thành đối tác tin cậy hay nhà cung cấp của các doanh nghiệp nhiều quốc gia.
Ở góc độ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Hoàng Anh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty May Hoàng Nguyễn cho hay, năm nay là năm đầu tiên doanh nghiệp hoàn thành Báo cáo phát triển bền vững. Kết quả này, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp cải thiện và hoàn thiện hoạt động sản xuất kinh doanh theo xu hướng xanh. Đây là bước khởi đầu cho hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp trên thị trường và chinh phục người tiêu dùng trong thời gian tới.

Trang trại chăn nuôi của Vinamilk. Ảnh: Vinamilk

Theo đại diện Vinamilk, chiến lược phát triển sản phẩm của Vinamilk từ trước tới nay vẫn luôn hướng đến sự an toàn và lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng cả về thể chất và trí tuệ. Vì thế, doanh nghiệp luôn cẩn trọng trong từng giai đoạn: từ lên công thức sản phẩm, quyết định nguồn nguyên liệu đến thiết kế kiểu dáng và bao bì sản phẩm nhằm đảm bảo sự an toàn tối đa cho người sử dụng. Vinamilk cam kết mỗi sản phẩm đều là kết quả của một chu kỳ khép kín đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nghiêm ngặt.
Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì nhựa, ông Tô Bửu Ngọc Quang, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhựa Tiến Thành cho rằng, khi trên thị trường có nhiều sản phẩm thay thế, người tiêu dùng sẽ thay đổi nhận thức và chấp nhận bỏ thêm chi phí để đảm bảo an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Dự kiến cuối năm nay, công ty sẽ tung ra sản phẩm nhựa tự hủy sinh học ra thị trường trong nước. Cụ thể, công ty sẽ phân phối sản phẩm vào kênh siêu thị, chợ và đến những đối tượng thế hệ trẻ có nhận thức tốt về rác thải nhựa, cũng như bảo vệ môi trường.
Với định hướng phát triển chiến lược xây dựng mối quan hệ gắn kết vì một tương lai bền vững, ông Tanachart Ralsiripong, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn BASF Vietnam cho hay, muốn thể hiện vai trò trách nhiệm của một nhà sản xuất nguyên liệu hàng đầu, chung tay cùng các cơ quan quản lý nhà nước và đối tác trong suốt chuỗi giá trị ngành nhựa nhằm giải quyết thách thức này; trong đó, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chia sẻ kinh nghiệm có thể góp phần tận dụng tối đa và phục hồi nguồn nguyên liệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Còn theo ông Nguyễn Thành Phương, Phó Cục trưởng, Cục Môi trường miền Nam, có ba định hướng chính sách nổi bật đã và đang được Chính phủ triển khai mạnh mẽ là cải thiện môi trường phát lý, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường… Đặc biệt, định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.
Mặt khác, để đảm bảo phát triển bền vững, đòi hỏi các bên liên quan, chú trọng giải pháp giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp cũng cần tận dụng tiến bộ khoa học để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, công nghệ, phát triển sản phẩm và dịch vụ bảo đảm chất lượng, an toàn và cạnh tranh lành mạnh./.

Mỹ Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/phat-trien-thi-truong-tieu-dung-xanh-bai-cuoi-doanh-nghiep-thuc-day-san-xuat-ben-vung/126638.html