Phát triển thiết kế mỹ thuật: Cần thêm những 'đầu tàu' đủ mạnh?

Theo họa sĩ Phan Quân Dũng, để kiểm soát hoạt động của các nhà thiết kế, Hiệp hội Thiết kế Việt Nam cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò 'đầu tàu'. Hiệp hội cần tập hợp được những người đủ năng lực, bản lĩnh, có tài, có tâm, có kỹ năng giao tiếp, sự công minh để tập hợp được các doanh nghiệp, nhà thiết kế.

Mỗi năm, Việt Nam đào tạo hàng nghìn nhân lực cho mỹ thuật ứng dụng, trong đó có một số lượng lớn nhà thiết kế. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, rất nhiều nhà thiết kế được đào tạo bài bản chuyển sang mỹ thuật tạo hình (sáng tác mỹ thuật như vẽ tranh, tượng…). Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước phải thuê thiết kế từ nước ngoài, hoặc chấp nhận gia công cho đối tác nước ngoài. Vì sao lại có nghịch lý này?

“Hiện nay nhiều quốc gia có chính sách rõ ràng cho thiết kế - design, đề cao vai trò của thiết kế, như Hàn Quốc đã xây hẳn bộ tiêu chí tầm vĩ mô cho phát triển design, thì tại Việt Nam, đến nay, thuật ngữ này còn khá mới mẻ. Nhiều nhà thiết kế Việt Nam được đào tạo bài bản, từng tham gia thiết kế - hoạt động mỹ thuật ứng dụng một thời gian rồi quay sang mỹ thuật tạo hình, hoạt động sáng tác hội họa. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải thuê các nhà thiết kế từ nước ngoài.

Ngay với một thương hiệu lớn như Xuân Hòa cũng vẫn phải thường xuyên thuê các nhà thiết kế của Nhật Bản, Hàn Quốc. Lý do là doanh nghiệp không có nhiều sự lựa chọn từ các nhà thiết kế trong nước”, đó là lý giải của họa sĩ Ngô Anh Cơ, nguyên Hiệu phó Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, họa sĩ Vi Kiến Thành cũng đặt câu hỏi, vì sao có quá nhiều nhà thiết kế Việt chuyển sáng tác, vẽ tranh, trong khi thiết kế trong nước bị “bỏ ngỏ”, chịu sự điều tiết bởi thiết kế nước ngoài.

Nhiều sản phẩm mỹ thuật đẹp, giàu tính ứng dụng đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Theo họa sĩ Ngô Anh Cơ, tình trạng họa sĩ thiết kế chuyển sang vẽ tranh lâu nay là tất yếu, theo quy luật điều tiết của kinh tế thị trường chứ không phải vì công việc sáng tác tranh sang trọng hơn như lâu nay số đông vẫn quan niệm. Họa sĩ đồ họa tốt nghiệp ra trường nhưng không ai thuê, hoặc có doanh nghiệp thuê thì cũng phải liên quan chặt chẽ, chịu sự ràng buộc bởi nhiều khâu sản xuất khác.

Nhưng nếu họa sĩ chuyển sang vẽ tranh, họ được độc lập sáng tạo. Trường hợp tranh không bán được thì nhiều người gắn bó với công việc của nhà nước vẫn đảm bảo được cuộc sống nhờ đồng lương ổn định. Chưa kể, các cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng, trong đó có design nhưng công tác đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Họa sĩ Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Văn Lang cũng cho biết, vấn đề đào tạo mỹ thuật ứng dụng, trong đó có desgine còn yếu kém. Doanh nghiệp và trường học là 2 hệ thống rời rạc, không có sự kết nối. Nhà thiết kế Việt Nam chưa có sự hỗ trợ cần thiết.

Nếu ở nước ngoài, các nhà thiết kế có kho tư liệu, hình ảnh riêng để có thể tham khảo khi cần thì ở Việt Nam chưa có các kho tư liệu như thế. Khi doanh nghiệp đặt hàng thiết kế sản phẩm, thời gian gấp, nhà thiết kế chỉ có 1-2 ngày để hoàn thiện, không đủ thời gian đi thực tế tìm hiểu kỹ rồi mới đưa vào sản phẩm cho có “hồn cốt” dân tộc.

Doanh nghiệp thì đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Nhà thiết kế làm thuê theo kiểu chỗ nào có tiền là làm, bằng mọi cách đáp ứng nhanh yêu cầu của doanh nghiệp, bất chấp quy định, đạo đức của người làm nghề nên dễ dàng cóp nhặt mỗi nơi một chút là… thành thiết kế mới.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn “vẽ đường” cho các nhà thiết kế trẻ bằng cách cho đi hội chợ, triển lãm. Nếu không chụp được ảnh sản phẩm thì cố ghi nhớ, về “luyến láy” đi thành mẫu mã mới cho sản phẩm của đơn vị, bán ra thị trường nên dẫu có phát triển cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa nói đến phát triển bền vững.

Cũng theo họa sĩ Phan Quân Dũng, để kiểm soát hoạt động của các nhà thiết kế, Hiệp hội Thiết kế Việt Nam cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò “đầu tàu”. Hiệp hội cần tập hợp được những người đủ năng lực, bản lĩnh, có tài, có tâm, có kỹ năng giao tiếp, sự công minh để tập hợp được các doanh nghiệp, nhà thiết kế. Nếu doanh nghiệp, nhà thiết kế làm ăn gian dối, Hiệp hội có chế tài đủ sức răn đe, không thể xây dựng ý thức chỉ bằng sự động viên. Tuy nhiên, làm được điều này, Hiệp hội phải mạnh.

Như ở Hàn Quốc, nếu Hiệp hội Thiết kế trao giải thưởng cho sản phẩm nào thì sản phẩm đấy được chào đón khắp nơi. Giải thưởng của Hiệp hội như một chiếc vé thông hành cho sản phẩm. Nếu doanh nghiệp, nhà thiết kế nào vi phạm về bản quyền sẽ bị cảnh báo khắp mạng lưới, khó có cơ hội phát triển tiếp. Nhưng, Hiệp hội Thiết kế ở Việt Nam chưa làm được như thế.

Họa sĩ Trần Thanh Bình thì cho rằng, hoạt động thiết kế mỹ thuật chưa thực sự được quan tâm như cần thiết. Ngay triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc, mảng giải thưởng dành cho thiết kế còn “nhòe” vào các mảng khác. Hoạt động trao giải và đánh giá giải thưởng còn nhiều vấn đề, tổ chức theo tư duy bao cấp, chưa thu hút được nhiều nhà thiết kế tài năng, sản phẩm giàu tính sáng tạo, đẹp. Sức lan tỏa của giải thưởng, triển lãm không cao, chưa thực sự là sân chơi kích thích người trong nghề.

Trao đổi về vấn đề này, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thừa nhận, vai trò của thiết kế, nhà thiết kế Việt Nam chưa được xác định tương xứng. Từ người hoạt động trực tiếp đến lãnh đạo đều chưa thấy được vai trò của thiết kế và hiện nay cũng chưa có văn bản nào về thiết kế - designe nên nhiều doanh nghiệp, kể cả trong lĩnh vực thời trang, may mặc đến nhiều hàng gia dụng khác chủ yếu hoạt động theo kiểu gia công cho nước ngoài, bị điều tiết bởi thiết kế nước ngoài. Muốn thoát khỏi tình trạng này, ngoài việc tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, củng cố vai trò của Hiệp hội Thiết kế Việt Nam thì cần có sự kết nối mạnh mẽ hơn giữa những người thực sự tài năng, tâm huyết với nghề.

“Nếu nội bộ những người làm thiết kế chưa thấy được tầm quan trọng của mình thì khó có thể cho xã hội thấy được vai trò, sự quan trọng của ngành thiết kế…”. Ông Vi Kiến Thành khẳng định.

N.Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/phat-trien-thiet-ke-my-thuat-can-them-nhung-dau-tau-du-manh-566731/