Phát triển thói quen đọc sách để trở thành người tự học suốt đời

Phát triển văn hóa đọc luôn là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực. Văn hóa đọc được hiểu là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, cộng đồng xã hội, các nhà quản lý.

Ngày 7/10, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Chương trình chào mừng Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2019 với chủ đề “Phát triển thói quen đọc sách để trở thành người tự học suốt đời”.

Phát biểu tại chương trình chào mừng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Những ngày này, trên cả nước sôi nổi tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời. Đây là hoạt động thường niên diễn ra hằng năm nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời của mỗi người dân và xây dựng xã hội học tập.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu chào mừng Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời. Ảnh: Lê Đăng

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu chào mừng Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời. Ảnh: Lê Đăng

Tại Việt Nam, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời được lựa chọn tổ chức vào tháng 10 hàng năm bởi ý nghĩa lịch sử to lớn của nó. Ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời hiệu triệu toàn thể quốc dân đồng bào "Chống nạn thất học".

Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh lập Ban Văn khoa, tiền thân của Đại học Quốc gia (đây là cở sở giáo dục bậc cao đầu tiên của Việt Nam sau khi giành độc lập). Từ bình dân học vụ tới giáo dục tinh hoa, sự kiện Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời được tổ chức vào những ngày đầu tháng 10 đã tôn vinh và khơi thông mãi dòng chảy của truyền thống học tập suốt đời của dân tộc ta kể từ khi lập nước.

Trong những năm qua, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời đã được các địa phương tích cực tổ chức, có tác dụng lan tỏa trong xã hội, huy động được các sở, ngành, hội, tổ chức cá nhân tham gia, đóng góp ủng hộ; mở được nhiều lớp học chuyên đề, xây dựng được nhiều thư viện, tủ sách cho các cơ sở giáo dục, lớp học và cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa đọc trong toàn xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ, phát triển văn hóa đọc luôn là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực. Văn hóa đọc được hiểu là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, cộng đồng xã hội, các nhà quản lý. Ứng xử, giá trị, chuẩn mực này gồm ba yếu tố: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau, cùng bổ sung, bồi đắp để giúp cho việc đọc sách hiệu quả.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Muốn phát triển văn hóa đọc phải phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi thành viên trong xã hội, phát triển thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc lành mạnh của họ. Năng lực đọc là nền tảng của việc học. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, là yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại.

Trong khuôn khổ chương trình, Bộ GD&ĐT đã tổ chức trưng bày sách với chủ đề “Học tập suốt đời nhìn từ xuất bản nửa đầu thế kỷ 20”, giới thiệu một số di sản của các học giả, các nhà giáo, nhà tư tưởng và hoạt động xã hội… Từ đó, người xem có thêm góc nhìn về nền xuất bản thuở ban đầu (100 năm trước) cũng như bình minh của nền quốc học sau này – minh chứng cho dòng chảy âm thầm nhưng mạnh mẽ truyền thống học tập suốt đời của dân tộc Việt Nam./.

Mỹ Anh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/khoa-giao/phat-trien-thoi-quen-doc-sach-de-tro-thanh-nguoi-tu-hoc-suot-doi-538553.html