Phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng Thành phố di sản quốc gia

Ngày 25.10, tại TP Huế, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo 'Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'. Hội thảo do ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì; cùng tham dự có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và đại diện các Bộ, ngành trung ương, các chuyên gia và nhà nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực…

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin: sau 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X, tỉnh đã có có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2009-2018 là 7,16%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng khá từ 17.500 tỷ đồng lên 32.749 tỷ đồng, tăng 1,86 lần. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 1.794 USD tăng 2,24 lần so với năm 2009. Thừa Thiên Huế từng bước khẳng định là trung tâm văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được đẩy mạnh. Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất theo Kết luận 48-KL/TW là “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” vẫn chưa đạt được. Mức tăng trưởng chưa có tính đột phá, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu ngân sách thấp và chưa đảm bảo tự cân đối ngân sách. Hệ thống đô thị phát triển chậm; lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo chưa phát triển đúng tầm, thậm chí có nguy cơ mất vị thế trong vùng.

Toàn cảnh hội thảo về Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn 2045

Ông Thọ cho biết, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW thì tỉnh cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố Di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản, thành phố Festival, trung tâm du lịch, văn hóa và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, hiến kế thêm các giải pháp nhằm giúp tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề xuất một số kiến nghị với lãnh đạo Trung ương như: Cần xây dựng, thực hiện cơ chế đặc thù cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt nói chung và di sản Huế nói riêng; trong đó tập trung nghiên cứu xây dựng và thực hiện chiến lược khai thác kinh tế di sản; khuyến khích thực hiện mô hình hợp tác công tư nhằm khai thác giá trị kho tàng di sản theo hướng phát triển bền vững.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội thảo

TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, dù kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế tăng trưởng chưa cao nhưng những năm qua, tỉnh đã giữ gìn, phát huy được các giá trị văn hóa di sản, bảo vệ di sản. Vì thế cần có chính sách đặc thù để giúp tỉnh bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, rút ngắn chênh lệch phát triển kinh tế với các địa phương. Theo chuyên gia này, tỉnh Thừa Thiên Huế cần quy hoạch lại khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô để phù hợp với chuỗi liên kết vùng ở miền Trung.

Hội thảo cũng nhận được nhiều đề xuất của của các đại biểu về nhiều nội dung khác, như: các giải pháp nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính TP.Huế để phát triển đô thị Huế thành vùng lõi của đô thị di sản Thừa Thiên Huế trong tương lai; công tác huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng đầm phá Tam Giang Cầu Hai; hình thành khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; phát triển các dịch vụ Đô thị thông minh, tiến tới xây dựng Thành phố thông minh…

Cảnh quan hai bờ sông Hương với hệ thống cây xanh dày đặc là điểm nhấn cho sự phát triển đô thị Huế

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết: Mong muốn của tỉnh là Bộ Chính trị ra một Nghị quyết về phát triển Thừa Thiên Huế trở thành “Thành phố di sản quốc gia”, đi kèm với đó là hệ thống các giải pháp và cơ chế chính sách để tỉnh có điều kiện huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu đề ra. Ý nghĩa của Nghị quyết mới này đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn, vì vậy cần phải làm rõ khái niệm “Thành phố di sản quốc gia”, bởi xây dựng thành phố di sản là chưa có tiền lệ. Địa phương cũng cần phải nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chí “Thành phố di sản” để tỉnh phấn đấu xây dựng và phát triển.

Điều cốt lõi của xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “Thành phố di sản quốc gia”, là người dân Huế có đời sống khá giả, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Đời sống văn hóa được nâng cao mới giữ gìn di sản văn hóa cho cả nước, cho thế giới. Đây chính là hiện thực hóa quan điểm của Đảng về phát triển “Văn hóa vừa là nền tảng, vừa là động lực phát triển”.

SƠN THÙY

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/giai-tri/van-hoc/artmid/486/articleid/23314/phat-trien-thua-thien-hue-theo-huong-thanh-pho-di-san-quoc-gia