Phát triển Thừa Thiên - Huế theo hướng thành phố di sản trực thuộc trung ương

Ngày 25-10, tại TP Huế, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo 'Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045'.

Toàn cảnh Hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.

Toàn cảnh Hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo thêm cơ sở hoàn thiện Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X), từ đó đề xuất Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới.

Đến dự và chủ trì hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị (Khóa X)”. Đồng chủ trì hội thảo có đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế; đại diện các bộ, ban, ngành của trung ương cùng đông đảo các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực.

Phát biểu gợi mở tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, Thừa Thiên - Huế là địa phương có vai trò và vị trí hết sức quan trọng đối với miền trung - Tây Nguyên và cả nước. Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm đến ban hành chủ trương, cơ chế chính sách để phát triển Thừa Thiên - Huế xứng tầm với vai trò và vị thế tỉnh. Năm 2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020. Kết luận này là định hướng quan trọng của Trung ương đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế trong những qua năm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí nhấn mạnh, Hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, các nhà khoa học trao đổi, thảo luận, làm rõ các kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và làm rõ những nguyên nhân, đề xuất về tầm nhìn, định hướng, mục tiêu phát triển của thành phố Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới.

Theo đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế: Sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Thừa Thiên - Huế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá cả về số lượng và chất lượng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo với du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh; kinh tế biển và đầm phá đang dần trở thành động lực phát triển.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP năm 2018 tăng gấp 1,91 lần so với năm 2009. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo với du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh; kinh tế biển và đầm phá đang dần trở thành động lực phát triển; thu ngân sách tăng khá; quy mô nền kinh tế được mở rộng. Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được giữ gìn, tôn tạo, đến nay, cơ bản đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp; trở thành trung tâm đặc sắc của cả nước về văn hóa và du lịch; hướng tới trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề, nội dung trọng tâm như: Đánh giá, làm rõ kết quả tổ chức thực hiện Kết luận 48 trong 10 năm qua; làm rõ và sâu sắc các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện Kết luận; Nhận diện, phân tích đúng bối cảnh trong nước và quốc tế, làm rõ cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của Thừa Thiên - Huế giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề xuất triết lý phát triển, tầm nhìn và hệ mục tiêu phát triển của Thừa Thiên - Huế trong tương lai tương xứng với tiềm năng phát triển của tỉnh và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước. Các đại biểu cũng đề xuất kịch bản phát triển và các giải pháp phát triển Thừa Thiên - Huế giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cần làm rõ các giải pháp có tính đột phá trong thời gian tới.

PGS, TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển cho rằng: Cần tăng cường liên kết vùng để phát triển hiệu quả nhất. Cụ thể, tỉnh cần đổi mới nhận thức về tư duy phát triển vùng và liên kết vùng; trao cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương; nghiên cứu hình thành cơ chế quản lý phát triển kinh tế nội vùng, tổ chức nghiên cứu cơ chế chính sách liên kết vùng để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến phát triển bền vững toàn bộ nền kinh tế.

Cùng chung quan điểm, GS,TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhấn mạnh: Huế là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể di sản kiến trúc cung đình. Do đó, cần xây dựng và thực hiện cơ chế đặc thù cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt nói chung và di sản văn hóa Huế nói riêng; khuyến khích thực hiện mô hình hợp tác công tư nhằm khai thác giá trị của kho tàng di sản theo hướng phát triển bền vững.

Các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học phát biểu tham luận tại hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, qua 10 năm thực hiện Kết luận 48, Thừa Thiên - Huế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Về hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên - Huế thời gian tới theo hướng thành phố di sản văn hóa, trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, của vùng, nhất là sự kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên và con người Huế. Làm sao giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản; giữa phát triển nhanh và phát triển bền vững.

“Nghị quyết mới cần có chủ trương xây dựng bộ tiêu chí thành phố di sản để Thừa Thiên - Huế phấn đấu trở thành thành phố di sản trên cơ sở những kết quả đạt được; có sự hỗ trợ của Trung ương cả về nguồn lực và cơ chế chính sách trong việc đầu tư bảo vệ di sản của Thừa Thiên - Huế, góp phần cho sự phát triển bền vững của tỉnh thời gian tới. Việc Thừa Thiên - Huế mong muốn Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết vì đi kèm là hệ thống giải pháp, cơ chế chính sách trên cơ sở đó huy động được các nguồn lực tương xứng, là động lực để Huế có thể phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, đồng chí Nguyễn Văn Bình khuyến nghị.

CÔNG HẬU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42025902-phat-trien-thua-thien-hue-theo-huong-thanh-pho-di-san-truc-thuoc-trung-uong.html