Phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại hóa

Nhiều năm qua thủy lợi Đồng Tháp được đầu tư bài bản và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, được coi là đòn bẩy giúp địa phương phát triển nông nghiệp.

 Hàng năm tỉnh Đồng Tháp ra sức duy trì, nâng cấp, duy tu sửa chữa, xây mới hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất cho 554.799 ha diện tích gieo trồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hàng năm tỉnh Đồng Tháp ra sức duy trì, nâng cấp, duy tu sửa chữa, xây mới hệ thống thủy lợi nhằm đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất cho 554.799 ha diện tích gieo trồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đầu tư nhiều công trình thủy lợi

Nhận thức hệ thống thủy lợi đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, để nâng cao khả năng giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) nhằm đảm bảo phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Để làm được vấn đề này, nhiều năm qua UBND tỉnh Đồng Tháp mạnh dạn đề xuất với Trung ương lên phương án quy hoạch hướng đến mục tiêu đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi, từng bước hoàn chỉnh hệ thống khung trục từ kênh chính đến kênh nội đồng theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... nhằm khai thác và quản lý tài nguyên nước hiệu quả, bền vững và thích ứng với tình hình BĐKH.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Hệ thống thủy lợi tỉnh Đồng Tháp là hệ thống thủy lợi mở kênh rạch đan xen nhau, nước được lấy từ sông Tiền và sông Hậu thông qua các kênh trục ngang, cấp cho các kênh trục dọc, kênh dẫn, đến mạng lưới kênh nội đồng để tưới trực tiếp hoặc bơm tưới cho sản xuất. Có thể nói vụ lúa hè thu năm 2021 toàn tỉnh xuống giống gần 200.000ha, còn hoa màu các loại xuống giống trồng khoảng 19.500ha đảm bảo đủ nước tưới nhờ thủy lợi nội đồng phục vụ tốt.

Toàn tỉnh Đồng Tháp có 833 công trình kênh trục, kênh dẫn cấp II, III, IV với chiều dài khoảng 4.073 km, diện tích phục vụ khoảng 485.132 ha, hệ thống điều tiết có 2.616 cống các loại và 1.219 trạm bơm điện. Về ô bao bảo vệ sản xuất, toàn tỉnh có 1.319 ô bao, với chiều dài 8.105 km. Trong đó có 1.102 ô bao triệt để, với chiều dài 6.303km, 217 ô bao chống lũ (bảo vệ lúa thu đông).

Hàng năm tỉnh Đồng Tháp sử dụng trên 500 tỷ đồng để duy trì, nâng cấp, duy tu sửa chữa, xây mới hệ thống thủy lợi, cơ bản hiện nay đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất cho 554.799 ha diện tích gieo trồng.

Theo ông Tuấn, để hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp trong tỉnh ngày càng tốt hơn từ đây đến năm 2025, cần khoảng 350 tỷ đồng nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước, trạm bơm điện, cống. Đồng thời xây dựng kiên cố kênh mương đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, thời gian qua được sự quan tâm của Bộ NN-PTNT, ban, ngành Trung ương hỗ trợ và bằng nguồn vốn đối ứng của tỉnh Đồng Tháp để thực hiện 11 dự án với kinh phí khoảng 1.500 tỷ (ngân sách Trung ương hỗ trợ 950 tỷ đồng) cho các công trình xây dựng kè bảo vệ bờ sông Tiền ở những vị trí trọng điểm, dân cư tập trung đông đúc (kè Bình Thành, kè Hổ Cứ xã Hòa An, kè Sa Đéc, kè An Hiệp) và hạ tầng phục vụ thủy sản. Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng có hiệu quả, kịp thời đảm bảo an toàn tính mạng, nhà cửa, đất đai, ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Thủy lợi hoàn chỉnh, thúc đẩy phát triển nông nghiệp

Tại huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), với thế mạnh phát triển nuôi thủy sản và canh tác lúa, chủ động nguồn nước có ý nghĩa rất quan trọng cho sản xuất nông nghiệp của huyện trong mùa khô lẫn mùa lũ. Ông Trần Văn Khiêm, ở xã Láng Biển, cho biết: Các công trình thủy lợi phục vụ cho việc dự trữ, chủ động nước tưới cho sản xuất nông nghiệp được chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư để phát triển sản xuất. Những năm gần đây, dù nhiều lúc phải đối mặt với tình trạng nắng hạn gay gắt hay mưa lũ nhưng ao cá và đồng ruộng của gia đình ông và các hộ xung quanh vẫn được duy trì và phát triển khá tốt nhờ nguồn nước được đảm bảo an toàn và lấy nước thuận lợi nên nhiều năm qua nông dân tại địa phương phát triển thuận lợi.

Đồng Tháp đang đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng theo hướng hiện đại hóa, nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Bùi Văn Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tháp Mười cho hay: Nhiều năm qua trên cơ sở thực tế địa phương, các xã đăng ký chỉ tiêu như nạo vét kênh rạch, gia cố cống đập và đê bao, kè mé, dọn cỏ, xây dựng giao thông nông thôn mới kết hợp với thủy lợi... huyện xây dựng kế hoạch để thực hiện.

Cùng với đó, làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức của nhân dân về nội dung, phương pháp, cơ chế chính sách của Nhà nước trong quá trình thực hiện. Ðồng thời, việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch. Qua đó, Chiến dịch mang lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn chỉnh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, từng bước hình thành các vùng sản xuất lớn, chuyên canh.

LÊ HOÀNG VŨ – NGỌC THẮNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/phat-trien-thuy-loi-theo-huong-hien-dai-hoa-d300389.html