Phát triển thủy sản theo hướng bền vững

Những năm qua, các sở, ngành có liên quan của tỉnh cùng các địa phương tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) thâm canh tập trung ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các đối tượng nuôi. Đồng thời, chuyển đổi những diện tích ruộng trũng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế sang NTTS.

Ngư dân phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi.

Điển hình như, phát triển nuôi trồng các sản phẩm có lợi thế như tôm he chân trắng, ngao Bến Tre, cá rô phi...; đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng NTTS Đông - Phong -Ngọc (Hà Trung); vùng NTTS tập trung xã Minh Lộc (Hậu Lộc). Nâng cấp, mở rộng các trung tâm, trại sản xuất giống đã có, xây dựng thêm các trại sản xuất giống nước ngọt, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống tư nhân củng cố và mở rộng quy mô. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị ứng dụng rộng rãi các quy trình thực hành NTTS VietGAP, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm. Tổ chức, sắp xếp lại tàu thuyền khai thác hải sản vùng biển ven bờ và vùng lộng, phát triển mô hình tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ. Tăng cường củng cố, phát triển sản xuất trên biển theo mô hình tổ đoàn kết gắn khai thác, bảo quản với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, phù hợp với từng nghề ở địa phương. Đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng cá Lạch Hới lên cảng cá loại I có khả năng tiếp nhận tàu 1.000CV khoảng 120 lượt/ngày; huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng cá và nạo vét, thanh thải dải đá ngầm luồng ra, vào khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Cảng cá Lạch Bạng, xã Hải Thanh (Tĩnh Gia). Nâng cấp mở rộng bến cá Quảng Nham (Quảng Xương) và bến cá Hoằng Trường (Hoằng Hóa); đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Lý (Quảng Xương); xử lý khẩn cấp nạo vét cửa ra, vào khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Hới. Khuyến khích ngư dân đầu tư phát triển khai thác hải sản xa bờ, ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm khai thác bằng bọt xốp PU, máy dò ngang SONA, cơ giới hóa trong khai thác. Nâng cấp các xưởng đóng mới, sửa chữa tàu cá, các cơ sở sản xuất, chế tạo ngư cụ và máy khai thác từng bước đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản xa bờ. Cùng với đó, tập trung phát triển chế biến sản phẩm có giá trị từ nguyên liệu nuôi, khai thác thủy sản có lợi thế của tỉnh. Xây dựng và phát triển một số thương hiệu, như: Ngao Hậu Lộc, mực Sầm Sơn; nước mắm, mắm tôm Ba Làng - Tĩnh Gia; khôi phục và phát triển các làng nghề chế biến thủy sản truyền thống. Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới, kiểm soát, quản lý chất lượng các sản phẩm chế biến thủy sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, quản lý chặt chẽ và ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, phù hợp với các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Phối hợp với Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các hoạt động điều tra, đánh giá trữ lượng, khả năng khai thác nguồn lợi hải sản phục vụ quy hoạch, quản lý cường lực khai thác ở các vùng biển. Với sự triển khai đồng bộ các giải pháp giá trị sản xuất thủy sản hàng năm tăng 6,8%.

Nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản theo hướng CNH, HĐH vào năm 2020 và trở thành ngành sản xuất hàng hóa chủ lực, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống cho ngư dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản. Hiện các ngành có liên quan của tỉnh, địa phương ven biển đang tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản của Trung ương, địa phương. Tổ chức sản xuất NTTS theo hướng liên kết các khâu trong chuỗi giá trị; áp dụng thực hành NTTS VietGAP trong nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn môi trường. Phát triển các mô hình nuôi đa dạng như tôm sú kết hợp cá đối mục, cá rô phi để môi trường ao nuôi bền vững, hạn chế dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả kinh tế sang NTTS kết hợp với chăn nuôi, trồng trọt. Thực hiện hiệu quả tổ chức khai thác theo mô hình tổ đoàn kết, liên kết giữa tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày, giảm chi phí sản xuất. Tiếp tục thực hiện công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Đa dạng các hình thức đào tạo, quan tâm tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa tàu cá. Tăng cường nguồn ngân sách địa phương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các vùng nuôi, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, đầu tư cho phát triển khai thác thủy sản xa bờ, đổi mới công nghệ chế biến thủy sản.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-thuy-san-theo-huong-ben-vung/98792.htm