Phát triển thủy sản trên vùng cát

Cùng với nghề nuôi tôm thâm canh từ nhiều năm trước, gần đây, nhiều mô hình nuôi các loài thủy sản có giá trị mang lại hiệu quả cao đã biến vùng cát trắng Quảng Bình năm xưa thành vùng sản xuất khá sôi động.

Kiểm tra sự sinh trưởng của ốc hương trên ao cát.

Kiểm tra sự sinh trưởng của ốc hương trên ao cát.

Cùng với nghề nuôi tôm thâm canh từ nhiều năm trước, gần đây, nhiều mô hình nuôi các loài thủy sản có giá trị mang lại hiệu quả cao đã biến vùng cát trắng Quảng Bình năm xưa thành vùng sản xuất khá sôi động.

Vùng cát trắng ven biển Quảng Bình kéo dài từ chân Ðèo Ngang, huyện Quảng Trạch đến vùng Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy dài 126 km, đi qua 18 xã, trong đó diện tích lớn tập trung tại hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Trước kia, chịu sự tác động lớn của gió và nước cho nên vùng này thường xảy ra hiện tượng cát bay, cát chảy lấp đường, đồng ruộng gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Với sự nỗ lực của chính quyền và người dân trong việc bền bỉ trồng rừng chắn cát, đến nay vùng khí hậu khắc nghiệt này cơ bản được chế ngự. Bây giờ, cả vùng cát rộng lớn ven biển phía nam Quảng Bình đã xanh rợp rừng phi lao. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Quảng Bình Lê Văn Lợi, tiềm năng lớn nhất của vùng cát ven biển đang được địa phương phát huy hiệu quả, đó là nuôi thủy sản.

Sớm nhận thấy tiềm năng này, hàng trăm doanh nghiệp và hộ gia đình đầu tư thuê đất cát để nuôi tôm thâm canh, trong đó nhiều doanh nghiệp sử dụng cả trăm héc-ta nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, hoặc làm trang trại tổng hợp. Tiêu biểu là trang trại của anh Võ Ðại Nghĩa ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy. Trang trại rộng 34 ha, trong đó có 30 hồ tôm (khoảng 15 ha) chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng, thu hoạch mỗi năm từ 350 đến 400 tấn. Số còn lại dành nuôi lợn, gà, cá, được quy hoạch khá riêng biệt giữa những khoảnh rừng phi lao. Doanh thu mỗi năm của trang trại hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động.

Cùng với nghề nuôi tôm thâm canh, thời gian gần đây, trên vùng cát ven biển Quảng Bình xuất hiện nhiều trang trại nuôi các loài thủy sản có giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cuối năm 2019, chúng tôi có dịp đến thăm trang trại nuôi cá chình công nghệ cao của Công ty TNHH dịch vụ Kim Long Việt Nam ở huyện Lệ Thủy. Theo anh Lê Hà Giang, Giám đốc công ty, sở dĩ doanh nghiệp chọn vùng cát để nuôi cá chình là do nước ngầm bảo đảm tiêu chuẩn khắt khe đối với loài cá đặc sản này, đồng thời chủ động được việc phòng, chống lũ. Kỹ sư Lê Minh Thành, cán bộ kỹ thuật của Công ty cho biết, nước nuôi cá phải lấy từ giếng khoan sâu 25 m trong lòng cát. Cá chình ăn ngày hai lần, ăn xong phải rửa dụng cụ để tránh ô nhiễm nguồn nước.

Theo chu kỳ cứ ba tháng phải dồn, phân loại cá để chuyển sang hồ phù hợp, nuôi theo quy trình giúp cá sinh trưởng nhanh, thu hoạch sớm. Ðặc biệt ở cá chình là cần bóng tối, nên hồ nuôi hạn chế đến mức tối đa ánh sáng và tiếng động. Bình quân mỗi năm, công ty cung cấp cho thị trường bốn đến năm tấn cá thịt, giá khoảng 400 nghìn đồng/kg, mang lại nguồn thu lớn. Bên cạnh đó, trang trại còn cung ứng hàng chục nghìn con cá chình giống cho người nuôi trong và ngoài tỉnh. Tết này, lượng cá chình được đặt mua tăng nhiều lần cho nên trang trại chuẩn bị đủ nguồn hàng để cung cấp cho người tiêu dùng. Công ty đang nung nấu ý tưởng xây dựng thương hiệu cho cá chình vùng cát Quảng Bình.

Năm 2017, anh Phạm Văn Nghĩa, ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 8.000 m2 ao nuôi tôm hiệu quả thấp sang nuôi ốc hương. Anh cho biết, ốc giống mua từ cơ sở chất lượng uy tín ở Khánh Hòa. Từ lúc thả giống cho đến ốc hương ba tháng tuổi, thức ăn là các loại tôm tươi và bóc vỏ mới được đưa xuống hồ, sau đó, bổ sung thêm các loại cá biển tươi. Ở vùng ven biển cho nên các loại thước ăn cho ốc hương dễ kiếm. Theo lý thuyết, ốc hương thả nuôi 10 tháng là thu hoạch. Tuy nhiên, thực tế là vào tháng thứ chín, thấy ốc đạt kích thước theo khuyến cáo nên anh Nghĩa tiến hành thu hoạch. Khi thu hoạch thì lựa chọn những con ốc to (loại 60 - 70 con/kg) để bán, còn con bé hơn tiếp tục nuôi thêm một thời gian.

Trung bình mỗi năm, anh Nghĩa thu hoạch hơn 15 tấn ốc hương. Với giá bán từ 300 đến 350 nghìn đồng/kg, hằng năm anh thu về gần 1,5 tỷ đồng tiền lãi, gấp nhiều lần so với nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo anh Nghĩa, ốc hương là loài dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí mua giống tuy khá cao nhưng mang lại giá trị kinh tế lớn, đầu
ra sản phẩm ổn định.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn, ba năm gần đây, nghề nuôi cá nước ngọt trong ao cát ở ba xã bãi ngang của huyện tạo cho người dân nơi đây một hướng làm ăn mới, thu nhập cao hơn. Thuận lợi trong việc nuôi cá là nguồn nước ngọt phong phú, thức ăn từ biển dồi dào và thị trường khá rộng. Hầu như ở xã nào cũng có nhiều người đào ao nuôi cá lóc với diện tích 100 đến 200 m2. Chỉ riêng tại xã Ngư Thủy Trung có gần 100 hộ dân đào ao để nuôi cá, tôm thẻ chân trắng và nuôi ếch với tổng diện tích hơn 20 ha. Mỗi năm, từ nuôi thủy sản, mỗi hộ gia đình có thu nhập khoảng 200 triệu đồng, nhiều hộ có thu nhập gần một tỷ đồng. Theo nhiều người dân, khi đánh bắt gặp các loại cá nhỏ giá trị thấp thì họ mang về làm thức ăn cho cá lóc trong ao. Nhờ nguồn thức ăn dinh dưỡng cao này, cá lóc ở vùng cát lớn nhanh, thịt chắc và thơm như cá tự nhiên.

Gần đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã quy hoạch vùng thủy sản trên cát theo hướng phát triển mô hình hợp tác, liên kết các cơ sở nhỏ lẻ, phân tán thành các tổ hợp tác nuôi thủy sản, tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; doanh nghiệp là đầu mối liên kết với các tổ hợp tác trong cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tỉnh khuyến khích người dân dồn ghép, tích tụ đất đai, đầu tư cơ sở nuôi tôm đồng bộ để thuận lợi áp dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc sản xuất giống thủy sản, thức ăn, hóa chất và chú trọng giám sát môi trường, dịch bệnh tại các vùng thủy sản tập trung; kiểm soát chặt chẽ nguồn nước cấp, nước thải của các cơ sở nuôi, chế biến thủy sản để hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Hương Giang

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43007602-phat-trien-thuy-san-tren-vung-cat.html