Phát triển trồng quế: Hướng giảm nghèo hiệu quả ở Vạn ThuỷTin khácĐảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường họcAnh hùng giữ chốt biên cương

Xác định quế là cây trồng chủ lực, những năm qua, UBND xã Vạn Thủy, huyện Bắc Sơn đã tích cực vận động các hộ dân trên địa bàn mở rộng diện tích trồng quế. Từ mô hình trồng quế đã mang lại hiệu quả thiết thực giúp các hộ tăng thu nhập, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo của xã.

Những ngày đầu xuân Nhâm Dần năm 2022, có dịp đến xã Vạn Thủy, hút vào mắt chúng tôi là những cánh rừng quế bạt ngàn. Dẫn chúng tôi tham quan rừng quế của gia đình, bà Bàn Thị Thủy, thôn Bản Khuông phấn khởi cho biết: Năm 1991, gia đình tôi lên huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái mua hơn 300 cây quế giống về trồng tại đất đồi rừng của gia đình. Nhận thấy cây quế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở xã nên hằng năm, gia đình tôi đều trồng mới cây quế, đến nay, gia đình đã trồng được khoảng 6 vạn cây. Năm 2018 và 2019, gia đình tôi khai thác hơn 1.200 cây, đem lại thu nhập 700 triệu đồng. Hiện gia đình tôi vẫn còn diện tích quế đến tuổi khai thác, dự kiến năm nay sẽ khai thác tỉa những cây to.

Người dân thôn Nà Thí, xã Vạn Thủy chăm sóc rừng quế của gia đình

Tương tự, gia đình ông Vy Văn Hình, thôn Nà Thí bước đầu đã có thu nhập từ trồng quế. Ông Hình cho biết: Thấy hiệu quả kinh tế từ cây quế, năm 2012, gia đình tôi cải tạo đất đồi trồng được hơn 2.000 cây quế. Đến năm 2021, cây đến tuổi khai thác, gia đình tôi khai thác tỉa những cây to, thu nhập gần 100 triệu đồng. Số còn lại, tôi tiếp tục thu hoạch tỉa, cây càng lâu năm, vỏ càng dày thì thu nhập càng cao. Hiện nay, gia đình tôi đã trồng thêm được hơn 1 vạn cây quế, cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Được biết, cây quế được người dân xã Vạn Thủy trồng từ năm 1991, phát triển đầu tiên ở thôn Bản Khuông, tuy nhiên, thời điểm đó chỉ có ít hộ trồng. Từ năm 2010, phong trào trồng quế phát triển tại 4/4 thôn, với 100% hộ trồng quế. Qua trồng và chăm sóc cho thấy cây quế phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã, ưu điểm của cây quế là loại cây có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, chi phí đầu tư thấp, tốn ít công chăm sóc, sau 8 đến 10 năm, cây có thể cho khai thác. Đối với chăm sóc cây quế, hằng năm, cần dọn cỏ 2 hoặc 3 lần và bón phân để cây phát triển nhanh, đặc biệt thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh trên cây để xử lý kịp thời.

Ông Lưu Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND Vạn Thủy cho biết: Xác định quế là cây trồng chủ lực giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã đã quan tâm định hướng, hỗ trợ người dân. Theo đó, hằng năm, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức 4 hoặc 5 lớp tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế. Bên cạnh đó, chỉ đạo sát sao các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác vốn vay ưu đãi với Ngân hàng Chính sách xã hội để người dân phát triển trồng rừng. Đến nay, toàn xã có gần 300 hộ vay vốn với dư nợ trên 10 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong năm 2016, UBND xã, các tổ chức, đoàn thể còn tổ chức cho người dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc quế tại tỉnh Yên Bái để người dân có kinh nghiệm áp dụng vào thực tế sản xuất. Cùng đó, chính quyền xã chú trọng phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra chất lượng cây quế trồng; hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Nhờ sự định hướng của xã và sự chủ động, tích cực của người dân, diện tích cây quế của xã được nâng lên, nếu như vào thời điểm năm 1991, diện tích cây quế của xã chỉ có khoảng 6 ha thì hiện đã đạt 700 ha. Trong đó, hằng năm, người dân đều trồng mới và trồng thay thế trên diện tích rừng đã khai thác. Riêng năm 2021, người dân trồng mới được 200 ha. Hiện nay, mô hình trồng quế đã mang lại hiệu quả tích cực, như năm 2015, sản lượng khai thác vỏ quế toàn xã chỉ khoảng 10 tấn thì trong năm 2021, sản lượng đã tăng lên khoảng 60 tấn, giá trị kinh tế đem lại trên 1,3 tỷ đồng. Các hộ trồng quế có thu nhập trung bình từ 100 đến 300 triệu đồng/năm.

Hiệu quả kinh tế từ cây quế đã và đang giúp nhiều người dân trên địa bàn xã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhờ quế, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã. Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 10,6% (giảm 46% so với năm 2016); thu nhập bình quân đạt 26,4 triệu đồng/người/năm (năm 2016 là 19 triệu đồng/người)

KIM HUYÊN

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/481524-phat-trien-trong-que-huong-giam-ngheo-hieu-qua-o-van-thuy.html