Phát triển và bảo tồn bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số di cư đến Đồng Nai

Ngày 26-12-2023, lần đầu tiên, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức hội thảo về lao động người dân tộc thiểu số di cư đến Đồng Nai. GS-TS Trần Trung, Viện trưởng Học viện Dân tộc cùng các chuyên gia nghiên cứu về dân tộc nêu ra nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề được quan tâm về phát triển và bảo tồn bản sắc dân tộc.

Đàn tính người Tày ở xã Tà Lài (H.Định Quán) năm 2018

* Quan điểm thống nhất

Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Nai nhất quán theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước luôn xác định các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai là máu thịt của cộng đồng đa tộc Việt Nam, chung sống đoàn kết, chan hòa cùng nhau trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người dân tộc thiểu số chuyển cư đến Đồng Nai là nguồn lực, đồng thời là tài sản văn hóa của Đồng Nai, ít người nhưng không ít ý nghĩa quan trọng. Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai ghi nhận và có trách nhiệm bảo hộ, giữ gìn và phát huy những giá trị ấy.

* Đặc điểm và thực trạng

Người lao động các dân tộc thiểu số chuyển cư đến Đồng Nai thuộc các tộc người khác nhau, ở nhiều thời điểm khác nhau, chọn địa bàn cư trú khác nhau; nhưng có chung mục đích là “kiếm sống” và chung những đặc điểm đáng lưu ý: Chung sống đoàn kết, hòa bình, hài hòa với cộng đồng đa tộc ở địa phương, làm đa dạng văn hóa ở Đồng Nai; nếu khảo sát cụ thể sẽ thấy đồng bào các dân tộc thiểu số chuyển cư từ nơi khác đến nhanh chóng ổn định đời sống kinh tế - xã hội, tự lực, tự quản, tạo sự tăng trưởng nhanh hơn các dân tộc tại chỗ (bản địa).

Đồng bào dân tộc thiểu số chuyển cư đến Đồng Nai có ý thức và thực hành văn hóa mang bản sắc dân tộc mình, hình thành cộng đồng làng, vừa cố kết người lao động thuộc dân tộc mình, vừa hội nhập với các cộng đồng dân tộc khác ở địa phương, vừa giữ mối quan hệ mật thiết với bản quán, vừa làm nhịp cầu kết nối văn hóa nội vùng (Đồng Nai) và ngoại vùng (cả nước). Các làng đồng bào người Mường ở Phú Túc (Định Quán), người Chăm ở Xuân Hưng (Xuân Lộc), người Tày ở Tà Lài (Tân Phú), người Khmer ở Long Khánh, Định Quán, người Nùng ở Trảng Bom, Thống Nhất, Long Khánh… đều như vậy.

Văn hóa các dân tộc thiểu số chuyển cư đển Đồng Nai trở thành thành tố của văn hóa du lịch, tham gia vào sản phẩm du lịch ở địa phương. Rượu cần người Mường của Quách Thu Nguyệt ở ấp Tân Lập, xã Phú Túc (H.Định Quán) từng là “đặc sản” chuyển ngược về phục vụ du lịch ở Lâm Đồng.

* Phát triển và bảo tồn

Việc chuyển cư cũng như định cư của người lao động dân tộc thiểu số ngoài tỉnh đến Đồng Nai cơ bản vẫn là tự phát, chính sách của Nhà nước được thực hiện có làm cho mức sống của đồng bào tốt hơn trước đây, khá hơn ở bản quán, nhưng tác động làm chuyển biến chưa toàn diện, còn nghiêng về kinh tế, chưa đồng bộ về văn hóa, khoảng cách giàu nghèo vẫn cao.

Đường lối, chính sách cấp độ vĩ mô đã rõ; quan trọng là tiếp tục vận dụng thực hiện cho phù hợp với thực tế và đặc điểm của từng cộng đồng dân tộc ở Đồng Nai. Đặc điểm chung của tỉnh Đồng Nai là đa hệ sinh thái, đa dạng mô hình kinh tế - xã hội, đa nguồn văn hóa, đa tín ngưỡng tôn giáo; đa nhu cầu phát triển trong vùng động lực kinh tế công nghiệp - dịch vụ hiện đại. Mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số đều có nhiều cơ hội để phát triển.

Chăm lo cho đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số chuyển cư đến Đồng Nai là việc khó, hệ trọng và cấp thiết, có ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc, thiết thực góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh Đồng Nai giàu mạnh, hiện đại, bền vững, bản sắc và hội nhập.

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đã triển khai, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn nữa, quan tâm nhiều hơn nữa đối với việc giữ gìn, phát huy bản sắc của từng dân tộc. Lợi thế ở Đồng Nai là các làng dân tộc đều cận vùng công nghiệp - dịch vụ, việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động chuyển dịch theo hướng lao động công nghiệp - dịch vụ không khó lắm. Nhưng, khi chuyển dịch lao động, cần lưu ý có hình thức khuyến khích, bảo trợ duy trì một bộ phận lao động truyền thống để giữ được môi trường thực hành văn hóa bản sắc của cộng đồng. Nếu không còn lao động nông nghiệp nương rẫy, sẽ không còn lễ hội lồng tồng và tiếng đàn tính của người Tày, cũng không còn tục ném còn và rượu cần của người Mường. Làm phát triển đời sống vật chất cao đến mức nào mà để cho bản sắc dân tộc của đồng bào bị mai một thì vẫn có lỗi muôn đời.

Ở Đồng Nai, từng có bài học kinh nghiệm đáng lưu ý. Những năm 2000-2008, chính sách đưa thanh niên người dân tộc thiểu số học nghề tập trung ở Trường Dạy nghề miền Nam đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, nhưng hàng ngàn thanh niên ưu tú này quen với nếp sống đô thị, xa rời cộng đồng, quen với hát karaoke hơn là hát dân ca của dân tộc mình.

Cuộc vận động đoàn kết, xây dựng làng văn hóa dân tộc được Ủy ban MTTQ Việt Nam khởi xướng đã được Tỉnh ủy thông qua cần được tổ chức thực hiện tích cực, kiên trì, sáng tạo, tích hợp và phát huy được sức mạng nội sinh của cộng đồng gắn với các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Phát huy vai trò của già làng, trưởng ấp. Trong thực tế, già làng và trưởng ấp ở các làng dân tộc thiểu số không phải nhất thể nhưng phải thống nhất trong nhận thức và hành xử, có nhận thức, uy tín, đạo đức tiêu biểu làm hạt nhân trong đời sống của cộng đồng, làm nhịp cầu nối Đảng, chính quyền với dân, không phân biệt ứng xử “ngụ cư” hay “bản địa”.

Các cộng đồng dân tộc thiểu số chuyển cư đến Đồng Nai định cư, ổn định phát triển, nhiều chục năm, cộng cư nhiều hộ, còn thực hành văn hóa cổ truyền, còn nghệ nhân trao truyền… nhất thiết được định hướng, huy động nguồn lực xây dựng nhà văn hóa bản sắc của đồng bào.

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số bao gồm dân tộc thiểu số chuyển cư đến Đồng Nai là việc hệ trọng, phải làm thường xuyên, lâu dài, nhất là đối với đội ngũ cán bộ cơ sở trong vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì, mọi đường lối, chính sách dù hay, đúng đến đâu, nếu không gieo cấy được vào con người - lớp trẻ ở cơ sở đều có lúc chấm hết. Nội dung đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực tập trung vào giới trẻ với 14 phẩm chất, kỹ năng theo Nghị quyết 33-NQ/TW về văn hóa, riêng đối với thanh niên dân tộc thiểu số còn phải chú trọng đến giáo dục, rèn luyện về sự hiểu biết, tự hào về dân tộc mình, có kỹ năng thực hành văn hóa mang bản sắc của dân tộc mình.

Huỳnh Văn Tới

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202401/phat-trien-va-bao-ton-ban-sac-cua-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so-di-cu-den-dong-nai-0d91ab1/