Phát triển văn hóa, cần cán bộ tinh hoa văn hóa

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước.

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS. Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian cho rằng, để phát huy vai trò của văn hóa, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu chính là từ đội ngũ những cán bộ làm văn hóa.

Yêu nước thời nay là “xây”

PGS.TS. Trần Hữu Sơn

PGS.TS. Trần Hữu Sơn

Đúng 80 năm về trước, tháng 2/1943, Đề cương Văn hóa Việt Nam - văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hóa, văn nghệ do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Theo ông, cho đến nay, bản Đề cương này vẫn còn nguyên giá trị và tính hiện thực ở những điểm nào?

Có 3 nguyên tắc trong Đề cương văn hóa Việt Nam rất quan trọng, còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Nguyên tắc thứ nhất là nguyên tắc dân tộc hóa. Văn hóa luôn mang bản sắc dân tộc, như đồng chí Trường Chinh đã nói “Văn hóa là bản sắc của một dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”.

Theo Bộ KH&ĐT, trong giai đoạn 2021 - 2025, vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn trong đó có cả vốn chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho lĩnh vực văn hóa ở Trung ương là khoảng 14.500 tỷ đồng, vốn của địa phương là khoảng 52.000 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2021 - 2025 là 66.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% trong tổng chi đầu tư. Tỷ lệ này cơ bản đáp ứng theo Chiến lược phát triển văn hóa. Qua tính toán sơ bộ, hàng năm chi sự nghiệp cho văn hóa thường gấp 3 - 5 lần chi cho đầu tư phát triển.

Lịch sử đã chứng minh điều đó, qua hơn ngàn năm Bắc thuộc nhưng chúng ta không hề bị lệ thuộc.

Tính dân tộc ở đây cần được hiểu rộng, đó vừa là đặc điểm, bản sắc dân tộc Việt nhưng đồng thời cũng cần phải tiếp thu tinh hoa của thế giới.

Nguyên tắc thứ hai là khoa học hóa. Giá trị khoa học là chân trong bảng giá trị chân - thiện - mỹ, là cái đúng/sai, cái tiên tiến. Điều này chính xác vì khoa học là đúng, khoa học là tiên tiến, là cái tinh hoa, hiện đại, phồn vinh của nhân loại.

Nguyên tắc thứ ba là đại chúng hóa. Thời nay, từ “đại chúng” được dịch ra nghĩa là nền văn hóa đó phải được người dân làm chủ. Chủ thể của văn hóa chính là cộng đồng.

Vai trò của cộng đồng đối với văn hóa rất quan trọng, nếu không có cộng đồng, không có môi trường văn hóa, từng làng, bản, xóm, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp thì sẽ không có văn hóa. Vậy nên, tính đại chúng ở đây cần phải được đề cao.

Ba nguyên tắc đó như một sợi chỉ đỏ, xuyên suốt lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay, chỉ khác từ ngữ trước kia, ta phải “chống”: Chống giặc, chống phong kiến, còn bây giờ cần phải nhấn mạnh vào “xây”. Và lòng yêu nước, yêu gia đình thời nào cũng có vì đó là truyền thống dân tộc.

Yêu nước thời nay chính là “xây”, là khát vọng phát triển đất nước trở nên hùng cường. Nội hàm cần phải thay đổi cho phù hợp với bây giờ.

Phải đầu tư xứng đáng cho văn hóa

Có ý kiến cho rằng, khi đã coi văn hóa là một mặt trận thì phải có sự đầu tư cho mặt trận đó, để văn hóa thực sự là “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”. Quan điểm của ông thế nào?

Mặc dù trong Nghị quyết nào của Đảng cũng nói văn hóa rất quan trọng, trong quan điểm thì rất đề cao văn hóa, nhiều từ ngữ hay, nhưng tôi nghiệm trong cuộc sống thực tế thì văn hóa chưa được chú trọng.

Chúng ta đặt ra mục tiêu là mức chi đầu tư cho văn hóa phải ngày càng cao nhưng thực tế không được như vậy.

Sau bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, việc đầu tư đã có chuyển biến, nhiều nơi có tăng đầu tư, nhưng tăng về đầu tư cơ bản, còn đầu tư chi thường xuyên vẫn còn thấp, việc đầu tư về con người còn yếu.

Trước kia, những người nổi tiếng về văn hóa được tăng cường sang ngành văn hóa để làm việc. Khoảng 20 - 30 năm gần đây thì điều này chưa được quan tâm. Nguồn lực đào tạo cho ngành văn hóa, phát triển tài năng như trước đây rất hiếm, dẫn đến tài năng bị bỏ quên.

Sửa luật để tạo hành lang pháp lý

Đua ghe Ngo - lễ hội dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long, tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh minh họa: phuhunglife.com

Một khi văn hóa chưa được coi trọng, chưa dành nguồn lực xứng đáng để phát triển, hệ lụy đối với phát triển kinh tế - xã hội sẽ là gì, thưa ông?

Hệ lụy chính là con người ứng xử thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực, tác động đến sự ổn định xã hội. Bởi, mục tiêu cuối cùng của văn hóa là giáo dục con người. Con người không được giáo dục toàn diện về văn hóa sẽ gây ra tình trạng xuống cấp đạo đức và tất cả mọi mặt.

Bởi vậy, thứ nhất, phải xây dựng được thể chế. Có hai loại thể chế, Thể chế chính thức là pháp luật và chính sách. Thứ hai là thể chế phi chính thức mà chúng ta thường có đó là phong tục tập quán, nếp sống, chuẩn mực, đạo đức. Hai thể chế này cần phải được đồng bộ.

Về thể chế chính thức, cần sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến văn hóa. Trong đó, phải ghi rõ đầu tư cho văn hóa tỷ lệ bao nhiêu, cần cụ thể, phân biệt rõ đầu tư sự nghiệp và đầu tư, chi thường xuyên.

Tiếp đó là giải pháp về đầu tư. Cần phải đầu tư nguồn lực cho văn hóa, đó là nguồn lực về kinh tế, con người. Đầu tư cho con người chính là đầu tư cho đội ngũ cán bộ. Đã là cán bộ ngành văn hóa thì phải có kiến thức, trình độ văn hóa, tinh hoa về văn hóa.

Bên cạnh đó, cần đầu tư để phát triển tài năng. Cần có một chính sách đặc thù về tài năng, quy định rõ ràng đào tạo ra sao, sử dụng và tạo điều kiện phát triển như thế nào.

Để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, cần những yếu tố gì, thưa ông?

Ngoài những thứ tôi đã nêu, thì sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc còn là tầm nhìn, tư tưởng về văn hóa, hệ giá trị văn hóa, những điều này cần được thấm nhuần vào từng người dân và cả cộng đồng.

Quá trình này nên bắt đầu từ chính việc giáo dục trong mỗi gia đình, chúng ta dạy con em mình điều hay, lẽ phải, kiên trì lâu dần sẽ thấm dần thành thói quen, nhận thức.

Cảm ơn ông!

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông:
Đầu tư cho văn hóa đã được coi trọng hơn

Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT, Bộ VH-TT&DL đều có đề án, trao học bổng cho học sinh, sinh viên gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Tại Nga, chúng ta có 1.000 suất du học nhưng không đủ học sinh du học. Chúng ta có Đề án 1437 và Đề án 1341 để đào tạo nguồn nhân lực.

Chúng tôi có đầu mối với tất cả các trường nghệ thuật hàng đầu thế giới ở Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc... Những năm qua, Bộ đã trực tiếp gửi sinh viên các ngành điện ảnh, âm nhạc tới các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Trong năm tới, sẽ tiếp tục mở rộng với các bạn nhỏ tuổi hơn và ở ngành khác như múa, xiếc...

Về chính sách bổ nhiệm cán bộ trong ngành văn hóa, sau khi Nghị định 101/2020 được ban hành và có hiệu lực, việc bổ nhiệm lãnh đạo ở các Sở Văn hóa được phân cấp xuống địa phương.

Đồng ý rằng, có lúc có nơi việc bổ nhiệm còn chưa đúng, có cán bộ chưa đủ năng lực nhưng tôi tin với mỗi chức vụ, đặc biệt là trưởng các đơn vị, các địa phương đã rất cân nhắc. Càng về sau này họ càng chú ý, coi phát triển văn hóa, du lịch là nhiệm vụ hàng đầu.

Đặc biệt, sau Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai cùng với chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến năm 2022, việc đầu tư xây dựng, con người và công tác tổ chức ở các địa phương đã rất tiến bộ. Nhiều tỉnh, thành phố có đề án xây dựng phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố văn hóa, giảng dạy âm nhạc truyền thống trong trường học...

T.V (ghi)

Nhóm PV Văn hóa (Thực hiện)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phat-trien-van-hoa-can-can-bo-tinh-hoa-van-hoa-d582784.html