Phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Để xây dựng và phát triển văn hóa, con người An Giang, góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng xây dựng các quy tắc ứng xử, các chuẩn mực giá trị văn hóa và phổ biến trong cộng đồng. Đồng thời, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật... Qua đó, để mỗi cá nhân đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của bản thân với gia đình, cộng đồng và đất nước.

Xây dựng môi trường văn hóa là nội dung chủ yếu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ban Chỉ đạo các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, như: khu dân cư giữ gìn vệ sinh môi trường, khu dân cư “4 không, 4 giảm” (ma túy, mại dâm, tội phạm, tai nạn giao thông), tuyến phố văn minh đô thị; xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp, trồng cây xanh, làm hàng rào, cột cờ trước nhà, xử lý rác thải đúng quy định; giáo dục con em trong gia đình không tham gia tệ nạn ma túy, mại dâm và kiên quyết đấu tranh, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại địa bàn dân cư; phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; người dân tham gia giám sát các công trình do nhân dân đóng góp theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” như xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, điện, đường, trường, trạm và cất nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương cho hộ nghèo… Đặc biệt, hoạt động chăm lo cho người yếu thế luôn được các tầng lớp nhân dân quan tâm và xem là việc làm thường xuyên. Từ năm 2014-2018, Ban vận động quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động trên 885 tỷ đồng, qua đó cất mới 11.896 nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 2.691 căn nhà cho người nghèo, thăm và tặng quà hơn 1 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, trợ giúp khó khăn đột xuất 264.742 lượt người, trợ giúp 290.030 lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn, khám bệnh 236.784 lượt, hỗ trợ phát triển sản xuất 2.104 trường hợp… và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội trên 149 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Thị Thanh Hương trao danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” cho các nghệ nhân. Ảnh: H. HUYNH

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trương Bá Trạng cho rằng, nhận thức về xây dựng, phát triển văn hóa của các cấp, ngành từng bước được nâng lên và ý thức tự giác thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới, lễ hội của mỗi người dân được cải thiện. Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được nhiều kết quả thiết thực, nhiều di sản văn hóa vật thể trong tỉnh được bảo tồn, tôn tạo. Toàn tỉnh có tổng số 86 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 56 di tích cấp tỉnh. Từ năm 2013 đến năm 2018, tỉnh đã cấp 113 giấy phép trùng tu, sửa chữa cho các di tích được xếp hạng. Trung ương đầu tư hỗ trợ gần 85 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu phát triển văn hóa và ngân sách tỉnh đã hỗ trợ gần 35 tỷ đồng cho trùng tu sửa chữa di tích.

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa - nghệ thuật ngày càng được tăng cường với nhiều biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được quan tâm; các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động. Đội ngũ cán bộ được quan tâm đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực; cơ sở vật chất được tăng cường, nhiều công trình văn hóa được xây dựng. Toàn tỉnh có 73 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, trong đó có 50 nhà văn hóa xây mới theo mô hình Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng và điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao xã. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng ở cơ sở diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần nhân dân.

Đặc biệt, phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều điển hình trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, các phong tục, tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ, thay vào đó là thực hiện lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, môi trường văn hóa được cải thiện. Toàn tỉnh hiện có 503.726 hộ gia đình văn hóa, đạt 93,24% tổng số hộ; 861 khóm/ấp văn hóa, đạt 96,95% so tổng số ấp; 10 xã đạt chuẩn văn hóa, đạt 8,4% so tổng số xã; 50/119 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 42%; 12 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt 32,43%. TP. Châu Đốc được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2017, TP. Long Xuyên và huyện Thoại Sơn đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Đồng thời, triển khai xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới” tại 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới, đến nay có 42 khóm, ấp trở thành “Điểm sáng văn hóa biên giới” gắn với 11 đồn biên phòng.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/phat-trien-van-hoa-con-nguoi-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-ben-vung-a247088.html