Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng: Chung tay để tạo sức lan tỏa

Để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, việc lan tỏa giá trị và nét đẹp của văn hóa đọc trong cộng đồng được coi là nhiệm vụ quan trọng.

Thư viện thân thiện của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) được trang trí sinh động, gần gũi với học sinh. Ảnh: Báo Đắk Lắk.

Sau quá trình triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công cuộc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tại nước ta đã đạt được nhiều tín hiệu tích cực; song theo nhiều chuyên gia, vẫn cần có chiến lược đầu tư về mọi mặt để có thể phát triển bài bản và toàn diện.

Nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau

Thời gian qua, nhận thấy tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc trong cộng đồng, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách nhằm thúc đẩy hoạt động này.

Tiêu biểu phải kể đến Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến 2020, định hướng 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (2017); Luật Thư viện đã được Quốc hội thông qua (2019)… Những chủ trương, quyết sách đó đã giúp truyền đi nhiều thông điệp tích cực, khơi dậy tinh thần ham đọc sách; kích thích tinh thần tự học và khát vọng cống hiến, dựng xây quê hương, đất nước thông qua văn hóa đọc.

Về phía Bộ VHTTDL, với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, Bộ đã ban hành Quyết định số 1974/ QĐ-BVHTTDL về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ Hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023.

Theo Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), tủ sách cộng đồng nhằm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tăng cường khả năng tiếp cận thông tin tri thức cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và miền núi; hỗ trợ tài nguyên thông tin thư viện cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa đọc chất lượng, hiệu quả; hình thành thói quen, kỹ năng và phong trào đọc sách trong cộng đồng các DTTS và miền núi.

Đặc biệt, việc hỗ trợ xây dựng tủ sách sẽ góp phần thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách về văn hóa, kinh tế, xã hội giữa miền núi và đồng bằng; tạo điều kiện hội nhập cho đồng bào DTTS và miền núi, góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần, lao động sản xuất của người dân vùng DTTS.

Cùng với đó, nhằm hiện thực hóa Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2021-2025, Vụ Thư viện đã và đang tích cực vận động, hỗ trợ hàng trăm máy nghe nói, sách nói, điện thoại thông minh tặng người khiếm thị, trẻ em vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo...

Các cuộc thi, chương trình, dự án như Đại sứ văn hóa đọc; Cùng bạn đọc sách, kết nối yêu thương, lan tỏa tri thức; Cùng em đọc sách; Sách hóa nông thôn, Sách ơi mở ra… thường xuyên được các đơn vị phối hợp, triển khai thực hiện đã mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức; nâng cao kỹ năng đọc, tạo hứng thú đọc sách cho mọi tầng lớp nhân dân.

Cần có chiến lược đầu tư, phát triển bài bản

Tuy nhiên, trong thời đại các thiết bị nghe nhìn, phương tiện truyền thông hiện đại đang thể hiện sự “lấn lướt”, con người đứng trước nhiều lựa chọn trong cách thức khai thác nguồn tài nguyên tri thức thì việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng cũng gặp không ít khó khăn.

Giới chuyên môn nhận định, để “hút” bạn đọc, điều quan trọng là các thư viện phải cho bạn đọc thấy được sức hấp dẫn. Trong đó, cần chủ động đổi mới, hấp dẫn bạn đọc thông qua việc xây dựng, phát triển hệ thống thư viện hiện đại, có vốn tài liệu phong phú, thân thiện với người sử dụng; biến thư viện trở thành trung tâm thông tin, văn hóa, nơi giao lưu giữa tác giả - người đọc, phục vụ hiệu quả nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Để làm được điều này, các Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội cần dành sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa cho hệ thống thư viện; tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển thư viện, nhất là phát triển hệ thống thư viện văn hóa, khoa học tổng hợp. Đây là cơ quan giáo dục ngoài nhà trường quan trọng và là nơi học tập suốt đời của mọi công dân.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền cần được làm thường xuyên, liên tục để tạo sức lan tỏa sâu rộng, làm sâu sắc hơn ý nghĩa nhân văn của việc đọc sách, vai trò của sách và việc hình thành không gian văn hóa đọc. Thậm chí, cần xem xét đưa việc đọc sách và xây dựng tủ sách gia đình vào tiêu chí xét Gia đình văn hóa.

Thực tế cho thấy, đã có những tỉnh nghèo nhưng với sự quan tâm của UBND, sự tham mưu của Sở VHTT, Sở VHTTDL, văn hóa đọc được xem là chỉ số quan trọng để đánh giá chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh, gia đình văn hóa… Tuy nhiên, cách làm này nếu thực hiện nhỏ lẻ, manh mún sẽ không hiệu quả mà cần được chung tay nhân rộng mới tạo hiệu ứng mạnh mẽ.

Việc được sống, học tập, làm việc trong không gian của tri thức khoa học, nét đẹp văn hóa sẽ góp phần truyền cảm hứng tích cực, giúp điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của mỗi người; khiến họ ngày càng trưởng thành và có nhiều cống hiến cho đất nước, quê hương.

Để văn hóa đọc ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng, nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên, rất cần sự chung sức, đồng lòng của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân. Qua đó, hướng đến việc đọc sách trong mỗi người trở thành việc làm có ý thức, tự giác.

Đình Toán/Báo Văn Hóa

Nguồn Znews: https://znews.vn//phat-trien-van-hoa-doc-trong-cong-dong-chung-tay-de-tao-suc-lan-toa-post1446764.html