Phát triển văn hóa tộc người ở Đắk Lắk theo tinh thần Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các tộc người là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa truyền thống của tỉnh Đắk Lắk; trong đó, các tộc người anh em được xác định là chủ thể, trung tâm của mọi hoạt động văn hóa. Điều này phù hợp với tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943: Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc và tân dân chủ về nội dung.

Là vùng đất anh hùng, Đắk Lắk luôn gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa tộc người cùng truyền thống yêu nước trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng quê hương - đất nước. Trong những năm tháng kháng chiến, các tộc người anh em nơi đây luôn đoàn kết một lòng theo Đảng, theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng lên chống quân thù xâm lược, lập nên rất nhiều chiến công hiển hách. Nhiều tên tuổi Anh hùng là những người con của vùng đất Tây Nguyên nói chung, của tỉnh Đắk Lắk nói riêng như: Ama Jhao, N’Trang Gưh, Y Jut, N’Trang Lơng, SămBrăm, Ama Jhao, Y Bih Alêô, Y Nuê Buôn Krông, Y Ơn Niê,… đã góp phần tô điểm cho những “gam màu” của “bức tranh văn hóa” nơi đây thêm sinh động, ý nghĩa.

Nói đến bản sắc văn hóa của tỉnh Đắk Lắk là nói đến hệ thống nghi lễ - lễ hội, kiến trúc nhà dài, hệ thống sử thi, không gian văn hóa cồng chiêng,… của các tộc người nơi đây. Đó là những tinh hoa được đồng bào đúc kết qua quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của chính tộc người mình; đồng thời những giá trị văn hóa đó đã được chứng minh trong thực tiễn.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, bản sắc văn hóa của các tộc người anh em ở tỉnh Đắk Lắk đang ngày càng có những biến đổi xuất từ phát nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chịu sự tác động của quá trình hội nhập quốc tế là cơ bản. Vì thế, bản sắc văn hóa của các tộc người nơi đây không còn giữ được nguyên vẹn những giá trị vốn có.

Ý thức được điều đó nên từ nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền cùng hệ thống chính trị tỉnh Đắk Lắk đã xác định vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các tộc người anh em trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa truyền thống của tỉnh; trong đó, các tộc người anh em là chủ thể văn hóa, là trung tâm của mọi hoạt động. Điều này phù hợp với tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943: Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc và tân dân chủ về nội dung.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, bao gồm các tộc người tại chỗ và nhiều tộc người di cư đến từ các vùng, miền của Tổ quốc. Cùng với đồng bào Kinh, các tộc người Êđê, Jrai, Bahnar, Giẻ, Raglai, Sê-đăng, Xtiêng, Mạ, Brâu, Churu, Mnông,… đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu về 47 nền văn hóa khác nhau, thống nhất trong đa dạng.

Từ chủ trương đúng đắn, cùng với việc nghiêm túc quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua đã tập trung chỉ đạo triển khai nhiều chính sách, giải pháp nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của các tộc người trên địa bàn tỉnh và đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn ở địa phương cho thấy, vẫn còn những bất cập, khiếm khuyết trong công tác quản lý văn hóa các tộc người ở tỉnh Đắk Lắk, xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, khi đánh giá bản sắc văn hóa của các tộc người, vẫn còn một bộ phận cán bộ và công chúng chưa có cái nhìn từ góc độ chủ thể của nền văn hóa là các tộc người để nhìn nhận. Điều này dẫn đến những nhận xét thiếu thống nhất, nặng về cảm tính, chủ quan khi cho rằng “phong tục này lạc hậu, mê tín” hoặc “nghi lễ kia tiến bộ, độc đáo”...

Hai là, chưa phát huy được tối đa vai trò của già làng, người có uy tín của công đồng trong tuyên truyền, phổ biến kiến thức về gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của tộc người.

Ba là, ngôn ngữ và chữ viết là hai trong số những yếu tố cơ bản nhất tạo nên bản sắc văn hóa của các tộc người. Nhưng hiện nay, đội ngũ giáo viên giảng dạy ngôn ngữ, chữ viết và phổ biến những giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người ở Đắk Lắk phần lớn vẫn là kiêm nhiệm; rất thiếu những người được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn và có chuyên môn sâu. Chương trình giảng dạy ít được cập nhật, chưa chú trọng đổi mới cả về nội dung và hình thức, vì thế tạo ra sự nhàm chán, không kích thích được sự hứng thú cho người học.

Bốn là, quá trình tổ chức lễ hội và những hình thức sinh hoạt văn hóa liên quan đến cộng đồng các dân tộc anh em, các tổ chức, cơ quan, đơn vị chức năng thường xây dựng và tiến hành theo nhưng mô-tip kịch bản có sẵn, khá giống nhau và phần lớn là sân khấu hóa. Điều này làm mất đi vai trò trung tâm của các chủ thể văn hóa và tính chất tự nhiên của cộng đồng tộc người; đồng thời làm giảm những giá trị độc đáo, bản sắc, thống nhất trong đa dạng trong các hoạt động văn hóa.

Từ một số nguyên nhân cơ bản nêu trên, để phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ thể văn hóa của đồng bào trong quá trình bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa tộc người ở Đắk Lắk; bám sát tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943: “Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc và tân dân chủ về nội dung”; xin đề xuất, kiến nghị một số giải cơ bản cần chú trọng, quan tâm như sau:

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa các chương trình bồi dưỡng nâng cao kiến thức văn hóa truyền thống cho cộng đồng các tộc người anh em ở tỉnh Đắk Lắk, trong đó đặc biệt quan tâm truyền thụ kiến thức và trao truyền văn hóa truyền thống cho cho giới trẻ. Thông qua đó để đồng bào thường xuyên được tiếp nhận kiến thức, có ý thức nhận biết đúng, tự hào về bản sắc văn hóa - những giá trị riêng có của mỗi tộc người.

Việc tăng cường các chính sách nhằm nâng cao tri thức cho các tộc người anh em là yếu tố rất quan trọng giúp họ chủ động hơn trong phân biệt những giá trị văn hóa cần gìn giữ, phát huy và những tập quán “của ông bà để lại” cần lược bớt, thay đổi cho phù hợp trong đời sống hiện đại; để văn hóa “có tính chất dân tộc và tân dân chủ về nội dung” như Đề cương về văn hóa Việt Nam đã nêu ra.

Thứ hai, các chính sách, chương trình bồi dưỡng kiến thức cùng công tác tuyên truyền, giáo dục cần hướng tới việc trang bị sự hiểu biết để tác động, khích lệ, định hướng chứ không phải “làm thay” hay “ép buộc”, để từ đó các chủ thể văn hóa có những quyết định ngày càng phù hợp hơn trong thực thi đời sống văn hóa mới.

Thứ ba, mở rộng hơn nữa việc xã hội hóa các hoạt động, sinh hoạt thể hiện bản sắc văn hóa của các tộc người; tăng cường hơn nữa việc tổ chức các lễ hội, hội diễn, liên hoan và những cuộc thi liên quan đến văn hóa truyền thống của các tộc người. Đây là những “thiết chế cứng” không thể không có, bởi không chỉ nhằm quảng bá đến công chúng và du khách, mà quan trọng hơn, thông qua đó để tạo điều kiện phục dựng lại các nghi lễ - lễ hội đã mai một hoặc có nguy cơ mất đi của các tộc người.

Điều quan trọng là phải đổi mới phương thức tổ chức, tránh chạy theo thành tích, làm qua loa, máy móc hoặc rườm rà, “hiện đại” đến mức làm sai lệch cả những bản sắc và giá trị vốn có của văn hóa. Việc tăng cường xã hội hóa và mở rộng các hoạt động trình diễn, liên hoan phải nhằm tạo ra sự hứng thú thực sự cho các chủ thể văn hóa cũng như đối tượng tiếp nhận tri thức về các loại hình văn hóa truyền thống tộc người. Thông qua các hoạt động đó góp phần làm cho những thế hệ “hậu sinh” cảm nhận được và tự hào những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người mình.

Các hoạt động xã hội hóa, sân khấu hóa cũng cần phải quan tâm tới việc thay đổi, điều chỉnh, loại bớt những nội dung không phù hợp với đời sống văn hóa mới.

Thứ tư, các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị và cấp ủy, chính quyền tỉnh cần quan tâm tổ chức nhiều hơn nữa các hội thảo khoa học, các cuộc vận động sáng tác văn học - nghệ thuật liên quan đến bản sắc văn hóa của các tộc người ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa chính sách khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài nước đến Đắk Lắk nghiên cứu những đề tài liên quan đến bản sắc văn hóa của các tộc người nơi đây.

Thứ năm, tiếp tục tăng cường xây dựng và triển khai chiến lược phát triển kinh tế bền vững cho các tộc người anh em ở trên địa bàn.

Cần phải thẳng thắn nhìn nhận, cùng với những thay đổi tích cực về nhiều mặt trong phát triển kinh tế - xã hội ở Đắk Lắk, trong đó có phát triển về đô thị và cơ sở hạ tầng; cơ cấu kinh tế, xã hội liên tục chuyển dịch theo hướng tích cực... là không ít vấn đề đang đặt ra. Sự phát triển của kinh tế thị trường cùng quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã làm cho cơ cấu xã hội của các tộc người ngày càng “lỏng lẻo”, thiếu tính cố kết cao; cơ cấu dân cư dịch chuyển theo hướng suy giảm dần tính cộng đồng. Có thể thấy, đa số buôn làng của tộc người Êđê hiện nay không còn “thuần chất” mà đan xen trong đó là những tộc người khác cùng sinh sống. Mặc dù đó là xu thế tất yếu trong sự phát triển của xã hội, nhưng xét trong chừng mực nào đó, khi sự “pha trộn” đang làm mất đi những giá trị bản địa của không gian buôn làng - đơn vị cơ bản nhất của xã hội truyền thống Êđê, thì kéo theo đó là sự thu hẹp không gian thực hành văn hóa tín ngưỡng; dẫn đến hệ lụy là bản sắc văn hóa tộc người ngày càng biến đổi theo xu hướng suy giảm, mai một....

Từ thực trạng nêu trên, Đảng, Nhà nước và Đảng bộ, chính quyền địa phương cần có thêm những chính sách phù hợp hơn nữa nhằm tạo điều kiện cho đời sống kinh tế của các tộc người ở tỉnh Đắk Lắk ngày càng nâng cao. Quan tâm đến tính ổn định và bền vững trong phát triển kinh tế, tạo động lực cho phát triển đời sống văn hóa tinh thần.

Việc tạo điều kiện để các tộc người phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển các sản phẩm, hoạt động gắn với du lịch, lễ hội và di sản văn hóa của 47 tộc người anh em ở tỉnh Đắk Lắk sẽ là “cơ sở hạ tầng” quan trọng để củng cố “kiến trúc thượng tầng” - phát huy các giá trị văn hóa tộc người. Khi các giá trị, bản sắc văn hóa được chủ động bảo tồn, phát huy đúng tầm mức, có trọng tâm trọng điểm mình, chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích kinh tế cho các chủ thể văn hóa.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa những chính sách xây dựng, thực hiện các dự án phát triển làng nghề truyền thống và các loại hình văn hóa tộc người để tạo ra những sản phẩm phù hợp, thích ứng với nhu cầu thực tiễn của người tiêu dùng và khách du lịch trong bối cảnh hiện nay; tạo điều kiện cho đồng bào địa phương ngày càng hòa nhập tích cực với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Đồng thời, tăng cường ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong cộng đồng các tộc người nhằm thúc đẩy quan hệ thông thương, giao lưu kinh tế, văn hóa với các vùng, miền Tổ quốc và trên thế giới.

Thứ sáu, quan tâm thực hiện cơ chế tuyển dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với nguồn nhân lực là con em các tộc người của địa phương. Theo đó, cần tăng cường việc ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ cho chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của Đắk Lắk./.

TS. MAI TRỌNG AN VINH

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/van-hoa/phat-trien-van-hoa-toc-nguoi-o-dak-lak-theo-tinh-than-de-cuong-ve-van-hoa-viet-nam-nam-1943-145022